Hà Tĩnh: Biển “xóa sổ” rừng phòng hộ, hàng chục hộ dân phải bỏ nhà di tản

Thứ bảy - 16/03/2019 07:24
Hàng chục năm nay, cứ đến mùa mưa bão, người dân xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) lại thấp thỏm nhìn biển “nuốt” làng. Nhiều hộ dân phải bỏ nhà, bỏ vườn để chuyển đến nơi ở mới.
Hà Tĩnh:  Biển “xóa sổ” rừng phòng hộ, hàng chục hộ dân phải bỏ nhà di tản

Toàn bộ rừng phòng hộ tại khu vực cửa khẩu sông Vịnh bị xóa sổ vì xói lở và mưa bão.

Biển “xóa sổ” hàng trăm hecta rừng phòng hộ

Khu vực cửa khẩu sông Vịnh thuộc thôn Tam Hải 2 (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) từng là nơi có cánh rừng phi lao phòng hộ hơn 100 hecta. Tuy nhiên, những gì còn sót lại hiện nay chỉ là những gốc phi lao khô cháy trên những gò cát hở hàm ếch vì sạt lở. 

Theo người dân, trước đây, bờ biển vẫn còn cách xa làng hàng trăm mét, nhưng qua nhiều năm do biến đổi khí hậu, nước biển dần dần lấn sâu vào bên trong. Tại đây, không có hệ thống kè chắn sóng nên cứ mỗi mùa mưa bão, sóng biển lại dâng cao gây sạt lở, ngập nhà cửa, người dân buộc phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng.

Chỉ riêng trận bão tháng 10/2017 đã “xóa sổ” toàn bộ số rừng phòng hộ còn lại. 100% cây phi lao từ 10 - 20 năm tuổi bị gãy đổ, một số bị sóng cuốn ra biển.

Chỉ tay về phía bãi cát trống, ông Đặng Duy Khuyên (Phó trưởng Công an xã Kỳ Ninh) tiếc nuối: “Mấy năm trước, chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ mới băng được vạt rừng qua bờ biển nhưng nay chỉ đi khoảng 2 phút đã tới”.

Biển “xóa sổ” rừng phòng hộ, hàng chục hộ dân phải bỏ nhà di tản - 2

Những gì còn sót lại của hàng trăm hecta rừng phòng hộ.

Nằm ngay sát khu vực sông Vịnh là trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu (thuộc đồn biên phòng Kỳ Khang). Để tránh tình trạng bị biển “nuốt”, cán bộ chiến sĩ tại đồn đã  4 lần di đời đồn vào bên trong cả trăm mét. Các tàu thuyền qua lại khu vực này cũng liên tục bị mắc cạn do cát bồi lắng xuống lòng sông. Nhiều thuyền lớn đánh bắt cá phải đậu cách bờ 2km, sau đó dùng thuyền nhỏ tăng bo đưa hải sản lên bờ.

Người dân đã nhiều lần nỗ lực trồng lại rừng phi lao để chống xói lở nhưng lứa cây mới vừa lên chỉ sau một mùa mưa bão lại bị đổ rạp. Nhiều năm như vậy người dân cũng bất lực đành nhìn biển nuốt đất.

Biển “xóa sổ” rừng phòng hộ, hàng chục hộ dân phải bỏ nhà di tản - 3

Bờ biển xã Kỳ Ninh bị sạt lở với chiều dài hơn 7km, biển xâm thực vào đất liền trung bình từ 5-7m, thậm chí có nơi lên tới 100m.

Không chỉ khu vực thôn Tam Hải mà các thôn nằm ven biển của xã Kỳ Ninh đều  sống chung với tình trạng này.

Hiện nay, bờ biển xã Kỳ Ninh bị sạt lở với chiều dài hơn 7km, biển xâm thực vào đất liền trung bình từ 5-7m, thậm chí có nơi lên đến cả 100m như khu vực cửa khẩu. Nhiều đoạn kè tạm bợ cũng bị nước san phẳng. Hiện nay, sạt lở tiếp tục lấn sâu vào trong khu vực dân cư, cát biển tràn vào vùi lấp ruộng vườn của dân.

Biển “xóa sổ” rừng phòng hộ, hàng chục hộ dân phải bỏ nhà di tản - 4

Mỗi năm, nơi đây bị biển xâm thực từ 2- 3 m vào đất liền.

10 năm hàng chục hộ bỏ nhà di tán

Xã Kỳ Ninh có khoảng 10km đường bờ biển chạy dọc theo 6 thôn gồm: Ban Hải, Tân Tiến, Hải Hà, Tiến Thắng, Tam Hải 1 và Tam Hải 2. Khu vực này có hơn 1.700 hộ dân với khoảng 7.000 nhân khẩu, chiếm 3/4 dân số của xã. 

Nhưng trong 10 năm  qua, hàng chục hộ dân sống ven bờ biển tại các thôn này đều phải bỏ nhà di tản sang nơi ở khác. Còn những người ở lại luôn canh cánh nỗi lo triều cường trong mỗi mùa mưa bão.

Biển “xóa sổ” rừng phòng hộ, hàng chục hộ dân phải bỏ nhà di tản - 5

Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu (thuộc Đồn biên phòng Kỳ Khang) đã 4 lần phải chuyển chỗ vì nước biển xâm thực.

Chỉ vào những đống gạch đổ nát trên bờ cát, ông Nguyễn Đình Duy (Phó ban Mặt trận thôn Ban Hải) ngán ngẩm: “Làng này từng ra đến tận đây. Chỗ này là vị trí của 2 dãy nhà nhưng cứ sau mỗi trận bão cuốn sạch trơn nên người dân khiếp đảm không dám ở phải chuyển đến nơi khác.  Ngoài ra, các giếng nước ngọt tại đây cũng bị nhiễm mặn người dân xung quanh đi lấy nước ngọt tại các nơi không bị nhiễm mặn, rất bất tiện cho sinh hoạt”.

Biển “xóa sổ” rừng phòng hộ, hàng chục hộ dân phải bỏ nhà di tản - 6

Nhiều ngôi nhà bỏ không do người dân di tán nơi ở khác vì thấp thỏm cảnh biển “nuốt” nhà.

 

Chỉ mới năm ngoái, hộ gia đình anh Nguyễn Thành Chương cũng bỏ lại nhà và vườn tược để chuyển đến thôn khác. Nhiều hộ dân sau khi chuyển đi nơi khác đã đập toàn bộ nền và nhà cũ đổ ra bờ biển để làm kè tạm bợ chống xói đất. Nhưng đây cũng chỉ là phương án tạm bợ, người dân nơi đây vẫn mong mỏi có một bờ kè chắn sóng kiên cố trước mùa mưa bão.

Biển “xóa sổ” rừng phòng hộ, hàng chục hộ dân phải bỏ nhà di tản - 7

Làng Ban Hải từng có dân ở ra tận đây nhưng nhiều năm qua nước biển xâm thực vào sâu nên hơn chục ngôi nhà tại đây đã biến mất.

Ông Lê Công Đường – Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho hay: “Hệ thống đê kè xã Kỳ Ninh chỉ mới xây dựng được 1/3, còn lại chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng. Sau cơn bão 10/2017, rừng phòng hộ bị tàn phá hết, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh cả về sản xuất lẫn tâm lý. Cứ đến mùa mưa bão là người dân lại mất ăn mất ngủ. Tại các cuộc họp HĐND các cấp hay các đoàn về khảo sát, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này nhưng chưa được giải quyết. Việc xây dựng hệ thống bờ kè nhằm giữ đất không chỉ ổn định sinh hoạt cho người dân mà còn phát triển cho du lịch”.

 

Tác giả bài viết: Phượng Vũ - Tiến Hiệp

Nguồn tin: Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây