Dự án Bệnh viện thông minh – Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ và hiện đại nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa; Đầu tư đồng bộ hệ thống Công nghệ thông tin, bao gồm trang thiết bị CNTT, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng và tích hợp CSDL khám chữa bệnh; Tổ chức các khóa đào tạo chuvên môn, quản lý, sử dụng ứng dựng CNTT và chuyển giao công nghệ cho cán bộ y tế về việc sử dụng thiết bị được đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, thực hiện và quản lý bệnh viện.
Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng hơn 600 tỷ đồng, vốn đầu tư từ nguồn thực hiện đề án xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020. Giai đoạn 1 dự án có mức đầu tư hơn 410 tỷ đồng, trong đó chi phí mua sắm trang thiết bị hơn 269 tỷ đồng, chi phí đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hơn 94,7 tỷ đồng. Sau khi dự án hoàn thiện giai đoạn 1 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh viện chuyên khoa hơn 200 giường và cơ bản đáp ứng nhu cầu khi tăng quy mô giường bệnh lên 450 giường vào giai đoạn 2.
Trong tờ trình đề xuất phê duyệt dự án, GĐ Sở Y tế Thanh Hóa đã đề xuất đầu tư nhiều hạng mục về trang thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin với mức giá cao gấp 2-3 lần giá thị trường.
Sở Y tế đề xuất mua 50 máy tính bảng chuyên dụng dành cho bác sỹ và điều dưỡng với mức giá lên tới 64,5 triệu/máy. Theo tìm hiểu, Sở Y tế đã đề xuất xây dựng phần mềm tích hợp cho máy tính bảng/điện thoại thông minh nhưng không hiểu sao vẫn tiếp tục đề xuất mua máy tính bảng chuyên dụng?
Đối với thiết bị công nghệ thông tin trang bị cho lãnh đạo bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế đề xuất đầu tư máy tính xách tay (Laptop) màn hình cảm ứng với mức giá lên đến 78,6 triệu đồng/máy. Đây thực sự là mức giá đề xuất quá cao, bởi chỉ là thiết bị máy tính trang bị cho hoạt động quản lý điều hành thông thường của lãnh đạo bệnh viện. Mặt khác, đối chiếu với Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị, định mức cho máy tính để bàn, xách tay cho cán bộ, công chức, viên chức các tổ chức, đơn vị sự nghiệp chỉ khoảng 15 triệu đồng/máy.
Trong quá trình tìm hiểu Dự án Bệnh viện thông minh – Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, PV còn phát hiện thêm những đề xuất của Giám đốc Sở Y tế Trịnh Hữu Hùng. Theo cơ cấu tổ chức của Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, giai đoạn 1 có 28 khoa, phòng, giai đoạn 2 tăng lên 36 khoa, phòng nhưng không hiểu căn cứ trên cơ sở nào, chủ đầu tư lại đề nghị mua 25 màn hình LCD loại 55 inch phục vụ Ban giám đốc và các trưởng khoa, phòng, 100 ti vi phòng khám, 200 máy tính để bàn kèm lưu điện. Giá đề xuất màn hình LCD 55 inch là 32,4 triệu/màn hình.
Đối với thiết bị máy Cộng hưởng từ (MRI), Chủ đầu tư đề xuất mua máy 1.5 Tesla với mức giá khoảng 37 tỷ đồng. Theo một số chuyên gia y tế, đây là mức giá quá cao so với thị trường. Theo tìm hiểu của PV, một bệnh viện ở Thanh Hóa đã đầu tư mua sắm loại máy Cộng hưởng từ 1.5 Tesla với mức giá chỉ hơn 21 tỷ đồng.
Để nắm rõ hơn thông tin về tờ trình do ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế đề xuất mua trang thiết bị với giá cao ngất ngưởng. PV Thương hiệu và Pháp luật đã có buổi làm việc với ông Đỗ Văn Quang – Trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: "Từ đầu năm 2018, Sở Y tế có từ trình lên Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư trang thiết bị y tế và đầu tư đồng bộ thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng và tích hợp cơ sở khám chữa bệnh.... Dự án Bệnh viện thông minh – Bệnh viện Ung bướu”.
Với những đề xuất mua thiết bị với giá cao hơn rất nhiều thì ông Quang cho biết: “Với những cái này thì Sở Y tế đã điều chỉnh nội dung đề xuất, thay đổi cấu hình, số lượng của một số trang thiết bị”.
Khi được hỏi, Sở Y tế đã đề xuất mua máy Cộng hưởng từ 1.5 Tesla với giá gần 40 tỷ đồng có quá cao, trong khi đó một bệnh viện ở Thanh Hóa đã mua với giá khoảng 20 tỷ? Ông Quang nói: “Các trang thiết bị cho y tế thì ngày càng hiện đại, thiết bị càng tốn kém. Do đó, việc so sánh giá cao hay thấp thì rất khó. Tôi biết có nhiều bệnh viện có mua loại máy cộng hưởng từ 1.5 Tesla với giá cao hơn nhiều”.
“UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế dừng để xem xét lại đề xuất mua trong tờ trình” ông Quang cho biết thêm. Nhưng khi PV yêu cầu cung cấp văn bản của UBDN tỉnh liên quan đến vấn đề này thì ông Quang lại không đưa ra được, hứa sẽ cung cấp lại sau.
Theo tìm hiểu của PV Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã đưa cơ sở 2 vào sử dụng. Bệnh viện có quy mô 450 giường bệnh, với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, được xây dựng tại Khu Đô thị Nam TP Thanh Hóa (thuộc xã Quảng Thịnh).
Trước đó, sáng 8/5, theo kế hoạch, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ khánh thành cơ sở mới tại Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa. Nhưng không hiểu vì lý do gì sự kiện đã bị dừng đột ngột, cho dù đây là công trình kỉ niệm 990 năm Thanh Hóa.
Tác giả bài viết: Thanh Hân
Nguồn tin: Thương hiệu và pháp luật
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn