Hai nhà vệ sinh kẹp khán đài A
Sau gần 3 thập kỷ lận đận phát triển bóng đá, cuối năm 2018, nhân dịp vào tìm kiếm cơ hội đầu tư Dự án vui chơi giải trí tại vùng đất Xuân Giang 2, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được bầu Hiển “biếu tặng” một đội bóng theo hình thức chuyển khẩu từ đội hạng Nhất Hà Nội B với cái tên mới “CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh”.
Ngay sau khi ra mắt CLB bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã cho phép Câu lạc bộ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sử dụng Sân vận động tỉnh làm sân nhà tập luyện và thi đấu. Đồng thời, HĐND, UBND tỉnh đồng ý chủ trương và phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp sân vận động tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, Dự án cải tạo, nâng cấp SVĐ Hà Tĩnh được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, với tổng mức đầu tư 51,395 tỷ đồng. Công trình do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công vào ngày 05/4/2019, do nhà thầu (Liên danh Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Thành Sen - Công ty CP xây dựng Hợp lực – Công ty CP Thiết bị Alpha) đảm nhiệm thi công. Liên danh Công ty Cổ phần XD ENCO – Vinaxim thực hiện tư vấn giám sát.
Dự án bao gồm các hạng mục chính: Cải tạo lại hệ thống mặt sân, đường piste; Phá dỡ, xây mới Khán đài A; Cải tạo Khán đài B, hệ thống bậc ngồi, gia cố hệ thống tường khán đài; Sân đường nội bộ và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ khác.
Sau hơn 3 tháng thi công, SVĐ Hà Tĩnh có sức chứa 20.000 chỗ ngồi đã được cải tạo, nâng cấp một số hạng mục công trình cơ bản và đang chuẩn bị được đưa vào khai thác sử dụng làm sân nhà tập luyện và thi đấu của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trong giai đoạn lượt về giải bóng đá hạng Nhất quốc gia 2019. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân ở thành phố Hà Tĩnh, trong đó có cả những người có trách nhiệm trong ngành xây dựng và thể thao cho rằng, sau khi được cải tạo, nâng cấp, SVĐ Hà Tĩnh đã xuất hiện một số bất cập cần phải giải quyết.
Đó là, phần bê tông gia cố chỗ ngồi khán giả trên các khu vực khán đài và bờ tường gạch vừa mới nâng cấp chưa đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều vết nứt, gãy bất thường. Hệ thống đường Piste bao quanh sân cỏ được xử lý thủ công rất xấu xí. Mặt sân được chủ đầu tư lắp đặt 2 loại cỏ (trong vạch vôi trồng cỏ tự nhiên, phía ngoài vạch vôi dán cỏ nhân tạo nhìn rất khập khiểng)....
Đặc biệt, sau khi cải tạo nâng cấp, quan sát không gian toàn cảnh SVĐ Hà Tĩnh rất nghịch lý vì ở đây có đến 6 công trình nhà vệ sinh được xây ngay trên đầu khán giả (trên đỉnh bậc ngồi tam cấp dành cho khán giả). Ống nhựa thoát thải nhà vệ sinh được lắp đặt chạy trần vòng quanh phía ngoài bờ tường SVĐ rất phản cảm.
Ông Nguyễn Đình Ngụ ở phường Hà Huy Tập, một trong những khán giả hâm mộ bóng đá rất lạ lẫm khi thấy hệ thống nhà vệ sinh của SVĐ Hà Tĩnh được xây cao ngật ngưỡng trên khán đài trông rất vô duyên.
“Nhà vệ sinh các sân SVĐ nên đặt ở nách cổng ra vào các khán đài thay vì đặt nhà vệ sinh trên đỉnh khán đài như vậy tiềm ẩn sự cố rò rỉ chất thải bẩn ra sàn rất cao. Theo đó, mưa, gió, nước chảy trên cao xuống cũng sẽ phát tán chất thải bẩn, mùi hôi thối ô nhiễm môi trường các khu vực khán đài, gây ảnh hưởng sức khỏe đến khán giả đi xem”, ông Ngụ nói.
Nói về thiết kế của sân vận động Hà Tĩnh, một chuyên gia trong ngành xây dựng cho hay, trong thiết kế xây dựng, việc lắp đặt nhà vệ sinh trên đỉnh các khán đài SVĐ có sức chứa 20.000 chỗ ngồi khán giả ở phía dưới là điều hy hữu, hiếm thấy ở các SVĐ kể cả trong nước và thế giới. Về nguyên tắc, các công trình vệ sinh công cộng phải được thiết kế lắp đặt ở những nơi kín đáo, thuận tiện. Hệ thống thoát thải phải được thiết kế ngầm một cách khoa học, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để phát tán các mùi hôi thối ra ngoài.
Ông Nguyễn Văn Hạnh – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho rằng: “Đây là một công trình được sự quan tâm của UBND tỉnh cũng như sở VHTT&DL. Công trình SVĐ được đưa vào sử dụng là một điều kiện thuận lợi để đội bóng có sân bóng tập luyện và thi đấu cũng như đáp ứng được nguyện vọng của khán giả tỉnh nhà bấy lâu nay. Tuy nhiên, việc thiết kế nhà vệ sinh trên đầu khán giả có vẻ chưa hợp lý. Nhưng do công trình SVĐ Hà Tĩnh được đầu tư cải tạo, nâng cấp chỉ mang tính tạm thời nên không tránh khỏi những bất cập”.
Theo Kỹ sư Cù Chí Tài (cán bộ Kỹ thuật) Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận: “Chúng tôi cũng chưa thấy SVĐ nào có thiết kế nhà vệ sinh trên đỉnh các khán đài dành cho khán giả. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định”.
Dư luận cho rằng, quá trình thi công cải tạo, nâng cấp Dự án SVĐ Hà Tĩnh từ nguồn vốn 51 tỷ đồng được trích từ ngân sách tỉnh còn nhiều bất cập và cần được làm rõ.
Phong - Quang
Nhà báo & Công luận
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn