Hệ thống thủy lợi Rào Nan (xã Quảng Sơn, TX Ba Đồn, Quảng Bình) được Bộ NN&PTNT phê duyệt với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Dự án do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ 2017-2020.
Dự án sẽ xây đập mới cao hơn 6m tại vị trí đập cũ |
Đến nay, dự án vẫn chưa thể khởi công vì có rất nhiều hộ dân ở thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn chưa đồng tình việc xây đập ở vị trí chỉ cách khu dân cư 450m, dẫn đến nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa lũ đến
Thôn Linh Cận Sơn có 255 hộ với gần 1.000 nhân khẩu nằm sát bên bờ sông Rào Nan. Ở đây rất hay xảy ra lũ lớn nên hầu hết những người dân mong muốn di chuyển con đập lên cách xa để an toàn hơn khi có lũ về.
Ông Phan Văn Sửu sống gần địa điểm xây dựng dự án cho biết: “Sông này chảy từ huyện miền núi Minh Hóa về, mùa mưa thường rất hung dữ vì độ dốc lớn. Chúng tôi đã quá ám ảnh bởi những cơn lũ đổ về nên giờ bất an lắm. Biết Nhà nước có chủ trương xây lại đập chúng tôi rất phấn khởi nhưng nếu làm cách khu dân cư chỉ 450m và xây cao lên thêm 6m thì không thể đồng ý được.
Cách khu dân cư 450m, người dân Quảng Sơn rất bất an, kiến nghị dời |
Những trận lũ trước nhà tôi nước lên gần tận mái nhà, hàng rào sập hết. Đập cũ mà mùa lũ nước đã không thoát kịp, bây giờ xây lên nữa thì quá nguy hiểm".
Theo ông, nếu xây dựng đập thì 6ha rừng trồng keo ngay phía trên con đập cũng bị ngập. "Không biết đền bù được bao nhiêu nhưng keo tôi trồng 3-4 năm thu hoạch một lần, 6 ha keo cũng được khoảng 120 triệu đồng giúp tăng thêm nguồn thu nhập".
Ngay khi có thông tin liên quan đến sự án, người dân đã đề xuất việc di chuyển con đập lên cách xa khu dân cư. Trải qua nhiều cuộc đối thoại, hội nghị, họp chi bộ nhưng đến nay người dân vẫn chưa đồng tình.
Đập rất an toàn?
Để bảo vệ bờ sông trong khu vực ảnh hưởng của dòng chảy, dự án đã đầu tư bờ kè bằng hệ thống cọc khoan nhồi bê tông cốt thép cao 20m, cắm vào đá 1m |
Trước những băn khoăn của người dân, Sở NN&PTNT tỉnh cùng chính quyền địa phương đã tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc với người dân để giải thích, tuyên truyền về tính ổn định và an toàn lâu dài của công trình, đồng thời tổ chức cho người dân đi tham quan một số công trình lớn như đập Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), đập Cửa Đạt (Thanh Hóa) cho người dân yên tâm.
“Dự án này nó còn có tác dụng phòng lũ quét ở sông Rào Nan, khi lũ tràn về , đập có thể chứa được 6 triệu khối. Công trình này đã được Viện Thủy công - Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam tư vấn nên đập Rào Nan đã được tính toán đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài”, ông Nam cho biết thêm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình Phan Văn Khoa |
Trong khi đó, tại buổi họp báo báo cáo tình hình thực hiện của dự án, ông Phan Văn Khoa, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh cũng cho hay, các chuyên gia khẳng định giải pháp công trình của dự án là tối ưu, cam kết tính ổn định và an toàn lâu dài so với các trận lũ lịch sử.
Dự án cũng đã làm mô hình thí nghiệm và cho thấy việc xây dựng đập dâng mới chỉ để nâng cao đầu nước tự chảy nên hoàn toàn không gây ngập lụt cho hạ lưu so với hiện tại. Để bảo vệ bờ sông trong khu vực ảnh hưởng của dòng chảy, dự án sẽ đầu tư bờ kè bằng hệ thống cọc khoan nhồi bê tông cốt thép cao 20m, cắm vào đá 1m. Do vậy công trình đập dâng Rào Nan đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Về phương án di dời hoặc làm nhà chống lũ để người dân có thể trú tránh trong các trường hợp khẩn cấp, ông Khoa khẳng định, “Dự án đã được các chuyên gia đầu ngành khảo sát rất kỹ, an toàn tuyệt đối nên không tính đến các phương án này di dân hay thay đổi vị trí xây dựng”.
Hiện các đơn vị liên quan đang nỗ lực để triển khai công trình, chậm nhất vào giữa tháng 3/2019.
Tác giả bài viết: Hải Sâm
Nguồn tin: Vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn