Không khai sinh, không có bất cứ giấy tờ tuỳ thân nào, anh Dũng thấy mình như người ngoài lề xã hội
Người chưa được hệ thống hộ tịch “thừa nhận”
Trường hợp khó hiểu trên diễn ra đối với nam thanh niên có tên thường gọi là Lê Quốc Dũng, hiện đang thuê trọ tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội. Chiều 18/1, chúng tôi đã tìm đến nhà trọ của anh nằm khuất nẻo trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội).
Trong căn phòng trọ trống trơn không có bất kỳ đồ đạc gì, anh Dũng giọng buồn bã kể về hành trình “tìm lại tên tuổi” của mình cho chúng tôi. Anh tâm sự: “Tôi là trẻ bị bỏ rơi trên phố Cửa Bắc, TP Hà Nội vào ngày 17/11/1991 khi mới được 01 ngày tuổi. Thật may mắn, tôi được gia đình bà Minh (anh Dũng gọi bằng bà - PV) đưa về nuôi dưỡng và gọi tên theo tên con trai của bà. Nhưng từ khi ấy, tôi không được làm giấy khai sinh”.
Trong suốt mấy chục năm ở nhà bà Minh, anh Dũng chỉ được đi học dự thính hết lớp 5 (không có tên trong danh sách chính thức, không học bạ). Năm 2012, bà Minh mất vì bệnh. Hai năm sau (năm 2014), anh rời khỏi gia đình bà Minh mà không có bất kỳ giấy tờ nào - không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không chứng minh thư nhân dân).
Chính bởi không có giấy tờ tùy thân nào nên chẳng cá nhân, tổ chức nào “dám” nhận anh vào làm việc. Không xin được việc làm chính thức, anh chỉ thỉnh thoảng xin được việc làm lao động phổ thông tạm thời, bấp bênh mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự tin tưởng của người muốn mướn anh.
Anh Dũng đã từng làm đơn đề nghị giúp đỡ, đơn xin xác nhận gửi nhiều cơ quan chức năng
Lúc này, anh mới hiểu giấy tờ tùy thân quan trọng như thế nào trong cuộc sống. Do đó, suốt 6 năm qua (2014 - 2020), anh đã cố gắng tự tìm mọi cách để xin được cấp giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân. Tuy nhiên, trình độ văn hóa có hạn, lại vất vả mưu sinh cho cuộc sống khó khăn thường ngày nên dù đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình, yêu cầu của anh vẫn chưa được giải quyết.
“Nản quá, buông xuông thôi!”
Anh kể, gần đây nhất, ngày 6/4/2020, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã hướng dẫn anh liên hệ với UBND phường nơi cư trú (phường Bồ Đề, quận Long Biên) để thực hiện đăng ký thủ tục đăng ký khai sinh. Sau đó, anh được UBND phường Bồ Đề hướng dẫn xác định những nội dung liên quan để có thể thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh. Thậm chí, anh còn được một công ty luật giúp đỡ miễn phí làm xác nhận thủ tục hộ tịch.
Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã từng có chỉ đạo về trường hợp này, nhưng tất cả vẫn vô vọng đối với một công dân chưa từng cầm trên tay tờ giấy khai sinh như anh Dũng
Tuy nhiên, giữa tháng 12/2020 vừa qua, UBND phường Bồ Đề thông báo: Sau khi thẩm định/thẩm tra/xác minh và đối chiếu với các quy định không xác định được nguồn gốc sinh và lớn lên của người khai sinh, không có bản ảnh để xác định bản thân người khai sinh nên hồ sơ đề nghị giải quyết đăng ký khai sinh của anh Dũng không đủ điều kiện giải quyết.
Từ ngày nhận được thông báo này, Dũng đã muốn buông xuôi việc làm giấy tờ tùy thân. Thế rồi, khát khao được làm một công dân bình thường lại thôi thúc Dũng gửi đơn xin giúp đỡ được cấp giấy tờ tùy thân đến Bộ Tư pháp và gọi điện “cầu cứu” đường dây nóng của Báo Pháp luật Việt Nam.
“Cuộc sống của tôi hiện nay đã quá cùng quẫn, như một người ngoài lề xã hội vì không có bất kỳ thứ giấy tờ tùy thân nào. Tôi cầu xin các cấp chính quyền cấp cao hơn, giúp tôi một phương hướng để làm được giấy khai sinh, làm được thẻ căn cước, thực sự trở thành một công dân trong xã hội này”, anh Dũng nghẹn ngào nói.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về chuyện hy hữu một người ngay giữa Thủ đô Hà Nội mà 30 năm không được làm giấy khai sinh, Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ với Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư pháp đề nghị hỗ trợ người dân. Bộ Tư pháp sẽ giải quyết sao với trường hợp này, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Hồng Thúy - Hoàng Thư - Triệu Oanh
Theo baophapluat.vn
Link gốc: https://baophapluat.vn/tu-phap/chuyen-kho-tin-o-ha-noi-30-tuoi-van-chua-duoc-khai-sinh-568337.html