Chặn 'ác giang' Ngàn Trươi bằng đập đất cao nhất Việt Nam

Thứ sáu - 23/09/2022 15:18
Lớn thứ ba Việt Nam sau Dầu Tiếng và Cửa Đạt, hồ Ngàn Trươi ở Hà Tĩnh được đánh giá là công trình thủy lợi đa mục tiêu toàn diện nhất.
2022092306
Hồ chứa nước Ngàn Trươi ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.

Nơi sức người vượt sức thiên nhiên
Chiếc ca nô rẽ sóng đưa chúng tôi đi ngược lòng hồ Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), hồ thủy lợi lớn thứ ba cả nước sau Dầu Tiếng và Cửa Đạt. Bốn bề Ngàn Trươi là rừng núi. Nắng mai chiếu xuống mặt nước Ngàn Trươi giống như một tấm gương khổng lồ, lấp lánh ven sườn của dãy Trường Sơn.

Nằm trọn trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Vũ Quang, hồ Ngàn Trươi có lưu vực rộng 408 km2, diện tích mặt hồ 43 km2 với dung tích chứa 775 triệu m3 nước… Khắp lòng hồ là vô số đảo lớn, đảo nhỏ vốn là đỉnh núi cao ngày trước bây giờ nước dâng chỉ còn phần chóp, nhìn xa xa chẳng khác gì kỳ quan Vịnh Hạ Long.

Anh Văn Thắng, Phó Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ NN-PTNT), người theo dự án từ những ngày đầu tiên cho đến bây giờ chia sẻ: Sau hơn gần 10 năm xây dựng, cuối năm 2017 hồ Ngàn Trươi đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu tích nước, năm 2018 vận hành đồng bộ với đập dâng Vũ Quang và 17 km kênh chính, hiện đang làm thủ tục bàn giao để vận hành, khai thác.

Đó thực sự là “mười năm khoét núi ngủ hầm”, bạt núi ngăn sông “lấy sức người vượt sức thiên nhiên”. Mười năm gian nan khổ ải khó mà đong đếm nhưng cũng là mười năm rất đáng để tự hào, có thể coi là kỳ tích của ngành thủy lợi nói riêng và đất nước nói chung.

Kỳ tích bởi vì, con sông Ngàn Trươi này rất đặc biệt. Dân gian vẫn thường gọi là "Ác giang". Nghe rằng từ đầu thế kỷ trước người Pháp đã từng khảo sát để chế ngự làm thủy lợi và thủy điện nhưng sau nhiều năm nghiên cứu nhận thấy tiềm lực và khoa học kỹ thuật chưa đủ nên đành bó tay. Đó là con sông hung hãn nhất ở Hà Tĩnh.

“Giàu thì lên Ngàn Cả, thong thả đi Ngàn Sâu, phong lưu đi Ngàn Phố, mất khố đi Ngàn Trươi”, xa xưa những người bản địa nơi đây đã đúc kết Ác giang là dòng sông vô cùng hiểm trở, lắm thác ghềnh. Dãy Trường Sơn chạy qua Hà Tĩnh có ba con sông lớn là Ngàn Phố, Ngàn Trươi và Ngàn Sâu, đều khởi nguồn trên biên giới Việt – Lào, đạp rừng già Đông Trường Sơn chảy xuống thì chỉ có Ngàn Trươi là ghê gớm, gập ghềnh suốt từ điểm đầu đến điểm cuối hành trình của nó.

Những năm 1960 - 1961 dấu chân của cán bộ Bộ Thủy lợi lúc đó cũng đã ngược Ngàn Trươi để khảo sát nghiên cứu xây dựng công trình thủy lợi ở đây, nhưng phải mất đến gần nửa thế kỷ sau đó, năm 2006, Dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và giao Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Dự án thuộc nhóm A, đa mục tiêu nhằm phục vụ phát triển cả kinh tế, xã hội, an ninh của tỉnh Hà Tĩnh.
 
72022092306
Khu vực lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi. Ảnh: Tùng Đinh.

“Gian truân ngay từ những ngày đầu khảo sát, nghiên cứu, thiết kế và lập dự án”, anh Văn Thắng nhớ lại. Trước hết là về mặt địa chất. Quá trình khảo sát các kỹ sư, chuyên gia đầu ngành đã rất hoang mang khi thấy địa chất phía Tây Hà Tĩnh này phức tạp quá. Mũi khoan đầu tiên trên đồi xiên sâu xuống tận hơn 60m rồi vẫn chưa thấy đá ở đâu.

Tương tự là thiết kế. Về nguyên tắc, các công trình thủy lợi thường phải xây dựng tràn xã lũ ở vị trí sông chính để trả dòng chảy trở lại cho chính dòng sông, tuy nhiên do điều kiện địa chất nơi này không cho phép buộc phải nắn dòng chảy sang một lưu vực khác hoàn toàn. Thiết kế của hồ Ngàn Trươi là đập chính sẽ xả nước xuống đập dâng rồi mới theo hệ thống kênh dẫn thoát đi.

Phương án ban đầu định xây dựng đập dâng cách đập chính khoảng 5km, tuy nhiên nghiên cứu lại thấy đặc trưng của khu vực này là “chưa mưa đã lũ”, nếu theo phương án đó lũ sẽ lên sớm và ảnh hưởng trên diện rộng nên cuối cùng chọn giải pháp tối ưu nhất là kéo đập dâng này về ngay dưới chân đập chính.

Rồi đến hệ thống kênh dẫn. Gần hai năm trời họp hành thảo luận chỉ để thống nhất theo trường phái xây dựng kênh chìm hay kênh nổi. Làm kênh chìm theo kiểu cổ điển thì chi phí rẻ nhưng vô hình chung sẽ trở thành những con đê ngăn nước và không thể phân vùng lũ. Làm kênh nổi sẽ giải quyết được bài toán này nhưng chi phí xây dựng sẽ cao hơn.

“Đó là cả một cuộc đấu tranh. Cuối cùng đi đến quyết định cái nào giúp bà con nhân dân hưởng lợi nhiều hơn thì làm. Hệ thống kênh dẫn của công trình hồ Ngàn Trươi được xây dựng theo thiết kế kênh nổi rất đặc sắc”, những cán bộ ở Ban 4 kể lại.
 
72022092307
Anh Văn Thắng, Phó Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Tùng Đinh.

Gian nan hơn cả là quá trình thi công. Chẳng nơi nào địa hình lại đặc thù như Hà Tĩnh. Thấp và hẹp ngay dưới chân đỉnh Trường Sơn. Chỉ một trận mưa rừng lũ đã kéo về rất nhanh khiến vùng hạ du trở tay không kịp. Ngàn Trươi khởi công và xây dựng vào những năm tháng thời tiết khó lường và khốc liệt nhất.

Năm 2010, đơn vị thi công đang đào hầm để chuẩn bị xây dựng công trình lấy nước số 1 thì lũ từ rừng kéo ra cuốn trôi không còn bất cứ thứ gì. Hay như trận lũ năm 2016. Mưa tại khu vực xây xựng không nhiều, vậy mà chỉ trong vòng có 30 phút lũ đã ập về, lũ lùa từ phía rừng già ra cuốn trôi hết nhà cửa, lán trại, máy móc của công nhân thi công. Nhiều công nhân lái máy chỉ kịp nhảy khỏi ca bin thoát thân. Cả một đội quân thi công mấy trăm người phải kéo nhau lên nhà điều hành trên đồi cao tá túc.

“Đặc thù của ngành thủy lợi là thi công xây dựng phải tính toán giờ giấc, thời tiết từng phút, từng giờ, bởi chỉ sai một ly thôi thì mưa lũ có thể cuốn trôi tất cả”, anh Văn Thắng lắc đầu ái ngại.
 
72022092308
Đập chính hồ Ngàn Trươi, đập đất hồ thủy lợi cao nhất nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Chuyện xây đập đất hồ thủy lợi cao nhất nước
Hôm nay, đứng ở đường mòn Hồ Chí Minh nhìn lên, đập chính Hồ chứa nước Ngàn Trươi cao lừng lững như bức tường thành. Phía trên là hồ chứa nước khổng lồ, bên dưới là đập dâng hiền hòa qua phố núi Vũ Quang.

Kể từ khi hoàn thành đập chính của hồ Ngàn Trươi trở thành công trình đập đất hồ thủy lợi cao nhất Việt Nam. Đập chính dài 370 m, cao 61,8m. Hệ thống tràn xã lũ tiêu năng dốc nước rộng 84 m có 7 cửa với mức xả trên 2.464 m3/s (ở cao trình 54,64 m). Cống lấy nước số 1 qua tuynen trong lòng núi dài 370 m, lưu lượng 56,8 m3/s. Cống lấy nước số 2 dài 156 m, lưu lượng 8,86 m3/s…

Nghe anh em kỹ thuật ở Ban 4 kể chuyện thi công đập đất khổng lồ này thật lắm nhọc nhằn. Sau lễ khởi công năm 2009, dòng Ác giang bị chặn lại ở điểm này vào đúng mùa mưa. Nguyên tắc của xây dựng đập đất thủy lợi là phải lựa chọn loại đất có độ ẩm tối ưu, đúng theo tiêu chuẩn thiết kế. Khổ nỗi năm ấy mưa rừng ở Vũ Quang kéo dài triền miên, hiếm hoi mới có vài ngày nắng.

Các đơn vị thi công phải tranh thủ bất cứ lúc nào trời tạnh ráo để khai thác đất đắp đập về tập kết tại bãi, phủ bạt và đào rãnh xung quanh để đảm bảo độ ẩm cho đất. Hết mưa phải cày tơi lên như nông dân làm đất nhằm chăm sóc cho đất đắp đập ráo bớt nước.  “Chắc chẳng có công trình nào phải kỳ công như thế. 2,8 triệu khối đất, ròng rã 2 năm trời phải chăm sóc đặc biệt, vừa thu gom, cày xới, tích trữ để hết mưa có thể thi công ngay”, anh Văn Thắng lại kể.
 
72022092309
Cụm công trình hồ Ngàn Trươi đã hoàn thành. Ảnh: Tùng Đinh.

Cũng nhờ kỳ công và các giải pháp đặc biệt như thế mà dự án hồ Ngàn Trươi có thể hoàn thành trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2014 là đợt chặn dòng thứ nhất để xử lý nền móng đập chính, đào kênh dẫn dòng thi công tràn xả lũ. Năm 2017 công trình cơ bản hoàn thành và bắt đầu tích nước để phục vụ tưới tiêu, cắt lũ một năm sau đó. Kể từ đây, dòng "Ác giang" chính thức chịu sự chế ngự, điều tiết của tâm sức và trí tuệ con người. Những gềnh, những thác vốn là nỗi ám ảnh của bao nhiêu thế hệ người dân bản địa, ở nơi nghĩa quân Phan Đình Phùng chống Pháp đã nằm lại dưới lòng hồ.

An Văn Thắng nói, ngay sau thời khắc vận hành, các chuyên gia ngành thủy lợi đã có thể đánh giá, hồ Ngàn Trươi là công trình đáp ứng được đầy đủ mục tiêu đặt ra. Đó là cắt giảm lũ cho hạ du, đặc biệt là vùng rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang, cấp nước tưới cho 32.585 ha ở các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Thị xã Hồng Lĩnh… Dưới chân đập chính là công trình kết hợp phát điện gần 20 MW. Ngoài ra hồ Ngàn Trươi còn cung cấp nguồn nước nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và cải tạo môi trường sinh thái, phát triển du lịch…

Năm 2019, công trình thủy lợi Ngàn Trươi đã được Thủ tướng Chính phủ xếp loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thời điểm đó còn giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ khi về với Ngàn Trươi đã không khỏi xúc cảm với một công trình thủy lợi đa mục tiêu kỳ vĩ đến như vậy.
Hoàng Anh - Thanh Nga
Theo nongnghiep.vn

Link gốc: https://nongnghiep.vn/chan-ac-giang-ngan-truoi-bang-dap-dat-cao-nhat-viet-nam-d332900.html
 Từ khóa: hồ Ngàn Trươi, Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây