. Nghị quyết 86 có đưa ra mốc thời gian kiểm soát dịch ở TP.HCM là trước 15-9, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai là trước 1-9, các tỉnh khác là trước 25-8. Bộ Y tế có thể nói rõ hơn về cơ sở để đưa ra các mốc thời gian như vậy?
+ Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Đây là Nghị quyết của Chính phủ dựa trên đề xuất của Bộ Y tế. Chúng tôi cũng đề xuất dựa trên tình hình hiện tại về tỷ lệ mắc cũng như đáp ứng cho công tác phòng, chống dịch của các tỉnh, thành với sự hỗ trợ của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh.
Hiện tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP.HCM, tỉ lệ mắc đang có xu hướng đi ngang. Chính tôi cũng hy vọng rằng cùng với việc kiểm soát tốt hơn tại TP.HCM, đặc biệt thực hiện thực sự nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhất là những vùng đỏ, càng đỏ thì chúng ta cần phải thực hiện nghiêm.
Đồng thời chúng ta phải bảo vệ chặt những vùng xanh. Đối với vùng vàng, vùng đỏ thì phải có chiến lược xét nghiệm phù hợp, khi nào thì dùng test nhanh, khi nào dùng xét nghiệm PCR để có thể nhanh nhất, hợp lý nhất đưa F0 ra khỏi cổng và từng bước xanh hóa vùng đỏ và vùng vàng, kết hợp với đáp ứng chăm sóc, điều trị, cấp cứu bệnh nhân các tầng 1 đến 3.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
Tôi nhấn mạnh, chúng ta phải làm sao phân tầng đúng và chuyển viện đúng để hạn chế tối đa việc quá tải trên tầng 3, đồng thời hạn chế tối đa ca tử vong. Chúng tôi cũng hy vọng rằng cùng với sự vào cuộc quyết liệt và ý thức của người dân cũng tốt hơn, thực hiện nghiêm hơn Chỉ thị 16 tình hình sẽ được ổn định, dịch bệnh sớm được dập trong thời gian sớm nhất.
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được từ tổ công tác do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng tại TP.HCM, hiện tại Bộ Y tế đã cử tới trên 11.000 cán bộ, nhân viên, sinh viên, học sinh ngành y, dược hỗ trợ cho TP cùng với nhiều lực lượng xung phong khác của đoàn, đội và các tổ chức từ thiện. Như vậy phải nói là trong các công tác phòng, chống dịch, TP.HCM không đơn độc mà có sự hỗ trợ của cả nước. Chúng tôi hy vọng dịch sớm được kiểm soát.
. Thưa ông, TP.HCM khẳng định là mỗi ngày có thể tiêm được hàng trăm nghìn liều vaccine và có thể bao phủ cho người từ 18 tuổi trở lên. Vậy thì tới đây việc phân bổ vaccine cho TP.HCM được thực hiện như thế nào để đảm bảo được mục tiêu này?
+ Theo nguyên tắc phân bổ vaccine, Bộ Y tế phân bổ dựa trên tình hình dịch bệnh của từng địa phương và chúng ta biết hiện tại TP.HCM là nơi có số lượng mắc cũng như tỷ lệ mắc cao nhất cả nước và đương nhiên sẽ được ưu tiên phân bổ vaccine nhiều nhất.
Kế đến chúng tôi phân bổ vaccine dựa vào các tiêu chí khác. Ví dụ theo dân số; tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cố gắng hài hòa nhất. Chúng tôi rất mong sớm có đủ vaccine để làm sao chúng ta cũng đỡ áp lực về phân bổ.
. Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo về việc rút gọn quy trình để cấp phép cho vaccine Nano Covax. Có thông tin là có khả năng đến quý IV năm nay, có thể hoàn tất việc cấp phép để đưa vào sử dụng?
+ Chúng tôi cho rằng cơ chế đó hoàn toàn hợp lý và là một trong những nội dung trong Nghị quyết 86 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, vaccine và thuốc khi chúng ta đánh giá ở ngưỡng giai đoạn 3, tức là khi ở thời điểm chưa hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, nếu thấy hiệu quả và đặc biệt thấy tính sinh miễn dịch cao và tốt thì sẽ được xem xét cấp phép dựa trên ý kiến tư vấn, đề xuất của Hội đồng đạo đức quốc gia và Hội đồng cấp phép thuốc, sinh phẩm và vaccine quốc gia.
Hiện tại chúng ta đang có một số nhà sản xuất, nghiên cứu trong nước cũng như đang nhận chuyển giao từ nước ngoài. Vào thời điểm tháng 4-2020 thì Việt Nam là 4 nước đầu tiên đã thành công phân lập virus. Đây là tiền đề hết sức quan trọng cho các cơ sở nghiên cứu phát triển vaccine. Hiện tại sớm nhất có Nanogen. Ngày 7-8 vừa qua chúng tôi đã xin phép Hội đồng Đạo đức nghiệm thu pha 1 và giữa pha 2. Qua đó thì thấy vaccine bước đầu thể hiện được an toàn và có sinh miễn dịch cũng tương đối.
Sau đó nhờ kết quả của pha 1 và nửa pha 2 thì Hội đồng cho phép tiếp tục thực hiện pha 3. Chúng tôi xin phép được lưu ý ở đây chúng tôi cho phép gối đầu để làm sao nhanh nhất hoàn thiện vaccine.
Ví dụ chưa xong pha 1 mà giữa pha 1 thấy ổn thì chúng ta cho chuyển sang pha 2 luôn và tương tự như vậy khi chúng ta chưa xong pha 2 thì đúng ra phải tháng 2-2022 mới xong. Tuy nhiên, Hội đồng cho phép khi đánh giá giữa pha 2 thấy tốt, ổn cho chuyển sang pha 3 với tinh thần nghiên cứu cũng khẩn trương, nhanh chóng nhưng phải đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ để làm sao chúng ta sớm có vắc xin an toàn và hiệu quả.
Kế đến chúng ta có Trung tâm sản xuất vắc xin và sinh phẩm Nha Trang đã hoàn tất pha 1 và bắt đầu sang pha 2, cũng dự kiến trong năm 2021, vaccin này sẽ hoàn tất pha 2 và pha 3. Và tương tự như vậy, Nano Covax sẽ hoàn tất trong gian sớm nhất có thể sang cuối tuần tới, khi có kết quả giữa kỳ pha 3, Hội đồng đạo đức sẽ tiếp tục họp, Hội đồng cấp phép nếu kết quả tốt, an toàn, có tính sinh miễn dịch cao, bước đầu đánh giá được hiệu quả bảo vệ sẽ dự kiến đề xuất cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất, một số tập đoàn, công ty cũng đã kết nối để làm sao nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Ví dụ như Vin và dự kiến vào ngày 15-8, chúng tôi bắt thử nghiệm lâm sàng vaccine kết hợp với Mỹ. Nếu kết quả thuận lợi thì cuối năm 2021 sẽ xong.
Tương tự như vậy, chúng ta cũng có hợp tác với Nhật Bản và dự kiến tháng tới theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ hợp tác với Cuba trong Luật Thương mại và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Chúng tôi đang tiếp tục bàn với nhiều đối tác, bao gồm cả Đức và cả Tây Ban Nha với mục đích làm sao để có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể.
Chúng tôi cho rằng chắc chắn cuối năm 2021 đầu năm 2022 chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để tự chủ vaccine.
. Quan điểm của Bộ Y tế thế nào về việc tiêm vaccine dịch vụ theo đề xuất của một số bệnh viện tư nhân, thưa ông?
+ Chúng tôi cho rằng, quan điểm tiêm vaccine dịch vụ cũng hợp lý, tuy nhiên chúng ta phải cân nhắc, tiến hành ở thời điểm nào cho phù hợp. Nhất là trong bối cảnh hiện tại chúng ta chưa có nhiều lắm vaccine. Đến thời điểm tiệm cận đủ vaccine, Bộ Y tế sẽ xem xét, cân nhắc đề xuất đó.
.Vậy còn việc bệnh viện muốn thu thêm một phần kinh phí dịch vụ tiêm vaccine thì sao thưa ông?
+ Hiện tại, chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng là tiêm miễn phí cho người dân. Việc huy động các bệnh viện, đơn vị y tế ngoài công lập vào công tác phòng, chống dịch là hết sức cần thiết. Chúng tôi rất mong hệ thống ngoài công lập cùng chung tay phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, việc thu thêm phí phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Vào thời điểm này, với vaccine thì không nên. Đương nhiên với bệnh viện, hay phòng khám tư nhân cũng có thể sẽ có hình thức tài trợ của doanh nghiệp. Cái đó chúng tôi không có ý kiến. Còn hiện tại, Nhà nước chưa trả chi phí cho việc hỗ trợ này của tuyến y tế ngoài công lập.
Link gốc: https://plo.vn/thoi-su/bo-y-te-noi-ve-co-so-cham-dut-dich-tai-tphcm-vao-ngay-159-1007565.html