Biên phòng Hà Tĩnh nỗ lực ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép

Thứ tư - 20/03/2024 16:23
Liên tiếp trong tháng Hai vừa qua, lực lượng Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện và bắt giữ năm tàu giã cào với 29 thuyền viên có hành vi đánh bắt, khai thác hải sản trái phép trên biển.
D2024032010 1
Một tàu cá có hành vi đánh bắt thuỷ hải sản trái phép bị lực lượng biên phòng Hà Tĩnh phát hiện. (Ảnh: TTXVN phát)

Với vai trò là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh chống khai thác thủy hải sản trái phép, không báo cáo, không theo quy định, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh triển khai nhiều giải pháp cụ thể, góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.

Tăng cường xử lý vi phạm

Tại vùng biển Lộc Hà, cách bờ khoảng 8 hải lý, khoảng 10h ngày 19/2, lực lượng tuần tra phát hiện hai tàu cá đang đánh bắt thủy hải sản trái phép; tiến hành đưa người, phương tiện, tang vật vào bờ để xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Trần Hưng Bình, chủ tàu cá NA-80215TS (huyện Quỳnh Lưu - tỉnh Nghệ An) cho biết sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, ông nhận thức được hành vi của mình là sai, cam kết không tái phạm.

Liên tiếp trong tháng Hai vừa qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ năm tàu giã cào với 29 thuyền viên có hành vi đánh bắt, khai thác hải sản trái phép trên biển.

Đây là kết quả của việc thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh biên giới vùng biển và chống khai thác IUU dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Tại Hà Tĩnh, bảy đơn vị Biên phòng tuyến biển đang vào cuộc quyết liệt, tăng cường kiểm soát đường bờ biển dài 137km.

Hải đội Biên phòng 2 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những đơn vị chủ lực có nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ chủ quyền biên giới, tuần tra vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Thiếu tá Lê Trung Hòa, Phó Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2, chia sẻ do lực lượng mỏng, bờ biển dài, rộng nên trong quá trình tuần tra, kiểm soát, cán bộ, chiến sỹ gặp nhiều khó khăn như: Một số tàu thuyền của ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên biển có hiện tượng né tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Các đội tàu giã cào đôi, giã cào điện khi gặp lực lượng Biên phòng thì tẩu tán tang vật, cắt lưới bỏ chạy...
 
D2024032010 2
Lực lượng biên phòng Hà Tĩnh thường xuyên có mặt tại các bến thuyền để tuyên truyền người dân chấp hành các quy định về khai thác hải sản. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
 
Trước thực tế đó, cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2 triển khai các phương án đối phó hiệu quả với hành vi vi phạm pháp luật của các tàu đánh bắt thủy sản.

Theo quy định, tàu giã cào chỉ được hoạt động cách bờ ngoài 24 hải lý. Tuy nhiên, tình trạng tàu giã cào tranh giành ngư trường, đánh bắt gần bờ, khai thác hải sản tận diệt còn diễn ra ở Hà Tĩnh.

Theo thống kê, từ năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Tĩnh tổ chức 258 đợt tuần tra trên biển, phát hiện và xử lý 58 vụ với 61 tàu cá vi phạm quy định về hoạt động khai thác thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 1 tỷ đồng.

Nâng cao nhận thức người dân

Cùng với các địa phương trong cả nước, nhằm sớm tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu, Hà Tĩnh đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với ngư dân về việc chấp hành nghiêm quy định khi đánh bắt hải sản.

Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phần lớn ngư dân Hà Tĩnh đều tuân thủ nghiêm quy định của Luật Thủy sản.

Anh Phạm Văn Điệp, ngư dân xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên), cho hay trước đây, bà con ra khơi có thời điểm còn đánh bắt theo phương thức tận diệt.

Được lực lượng Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn, ngư dân hiểu rõ hơn quy định khi đánh bắt thủy hải sản trên biển. Từ đó, bà con thay đổi phương thức khai thác khi vươn khơi đánh bắt.

Tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tập trung quản lý tàu cá, tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tàu giã cào đánh bắt sai vùng, sai tuyến và xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm.
 
D2024032010 3
Cán bộ Đồn Biên phòng Thiên Cầm tuyên truyền người dân khai thác hải sản đúng quy định. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
 
Thiếu tá Phan Trí Thức, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), thông tin đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 18km đường biên giới bờ biển và 5 xã, thị trấn.

Để nâng cao nhận thức cho ngư dân, đơn vị tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhắc nhở bà con khi vào đăng kiểm, ra vào cửa sông, cửa lạch tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Nhượng. Cán bộ, chiến sỹ của đơn vị trực tiếp gặp chủ tàu thuyền tuyên truyền bằng hình thức trực quan.

Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác hải sản trái phép; rà soát toàn bộ tàu cá trên địa bàn, xử lý nghiêm tàu cá “ba không”: Không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản; đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ra vào cảng, xuất nhập bến phải có đầy đủ giấy tờ, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thực hiện xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo đúng quy định.

Đại tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, cho biết lực lượng Biên phòng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các loại phương tiện tàu thuyền ra vào cửa sông, cửa lạch, đánh bắt trên vùng biển theo phạm vi.

Cùng với đó, tập trung lực lượng biên đội tuần tra cả ngày và đêm trong mọi điều kiện khí hậu, thời tiết.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tiếp tục chủ động bám sát địa bàn, quản lý, giám sát chặt chẽ tàu cá khai thác hải sản xa bờ; tuyên truyền ngư dân nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường biển, tự giác chấp hành quy định trong đánh bắt, khai thác hải sản./.
Nguồn TTX VN

Link gốc: Biên phòng Hà Tĩnh nỗ lực ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép | Vietnam+ (VietnamPlus)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây