Sáng ngày 20/9, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc Vườn QG Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho hay, những ngày qua, toàn đơn vị như ngồi trên đống lửa vì hai đơn vị trực thuộc là Trạm Kiểm lâm Cò và Trạm Kiểm lâm Sao La- phục vụ bảo vệ gần 54.000 ha rừng trọng yếu, rừng giàu với nhiều cây gỗ lớn, quý hiếm thường xuyên đứng trước nguy cơ bị xâm hại tại gần 20 tiểu khu- bị nước nhấn chìm hoàn toàn.
Lí do mà ông Kỳ đưa ra là, trận lũ từ đầu tháng 9 vừa qua nước ở thượng nguồn đổ về rất lớn, trong khi đó BQL hồ thủy lợi Ngàn Trươi thực hiện tích nước dẫn đến nước trong lòng hồ dâng cao.
"Dù đã chủ động trước mưa lũ, được đơn vị quản lí lòng hồ thông báo, tuy nhiên do nước dâng quá nhanh, anh em ở hai trạm bảo vệ chỉ có thể kịp vận chuyển các vật dụng cá nhân, tư trang, còn những tài sản vật dụng khác thì đều bị nhấn chìm hoàn toàn"- ông Kỳ thông tin.
Từ ngày bị nước nhấn chìm, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc của hơn 20 cán bộ bảo vệ rừng của 2 trạm này gặp rất nhiều khó khăn. Đã hai tuần trôi qua, hàng chục cán bộ BVR không có nơi ăn chốn ở, việc đi lại và thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn.
Để có chỗ ăn nghỉ sau các buổi tuần tra rừng, cán bộ bảo vệ rừng ở đây đã phải lập lán trại dã chiến tạm bợ, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn.
"Do nơi ăn ngủ hoàn toàn tạm bợ, thường xuyên bị vắt, muỗi, côn trùng tấn công nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý, công việc. Nếu cứ đà này chắc chắn nhiều anh em khó trụ vững tại đây"- ông Kỳ lo lắng phản ánh.
Nhằm đảm bảo yêu cầu tối thiểu để cán bộ bảo vệ rừng ở 2 trạm này sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ, hiện nay, Vườn Quốc gia Vũ Quang thường xuyên cử người đi thuyền vào động viên, vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm và tăng cường lực lượng để hỗ trợ, luân phiên ứng trực.
"Điều chúng tôi lo nhất là lợi dụng thời điểm đơn vị gặp khó khăn, lâm tặc vào rừng đốn hạ gỗ quý hay săn bắn các loại thú quý đơn vị đã mất bao công sức bảo vệ thời gian qua"- ông Kỳ lo lắng thêm.
Theo ông Kỳ, trước đây Vườn Quốc gia Vũ Quang đã chủ động báo cáo, khảo sát và xin chủ trương từ các sở ngành đầu tư thay thế 2 trạm bảo vệ trên ở các vị trí khác, đảm bảo không ngập lụt khi hồ Ngàn Trươi tích nước. Thế nhưng đến nay chủ trương trên vẫn chưa được tỉnh phê duyệt.
Ông Kỳ cho biết, do quá cấp bách, đơn vị đã làm văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp kịp thời giúp đơn vị giải quyết những khó khăn do khách quan gây ra; để cán bộ, nhân viên tại Trạm Kiểm lâm Cò và Sao La sớm có nơi ăn chốn ở, yên tâm thực hiện nhiệm vụ giữ rừng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn