Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh ký kết chương trình hợp tác về thúc đẩy triển khai chuyển đổi số.
Với chức năng nhiệm vụ của đơn vị tiên phong, dẫn dắt thực hiện chuyển đổi số, ngành thông tin và truyền thông xác định, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là khâu “then chốt” trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh luôn quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin đồng bộ, rộng khắp.
Đến nay, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đã bước sang giai đoạn mới, giai đoạn “chuyển đổi số” với 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử; kết nối liên thông đồng bộ dữ liệu 4 cấp từ Trung ương về cấp xã; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình với tỷ lệ hồ sơ đạt 86%...
Hoạt động giao dịch không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến, đạt 100% tại các trường học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng như các sơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu.
Các doanh nghiệp Viettel, Vinaphone, Mobifone, FPT… đã triển khai và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các ứng dụng, phần mềm; ứng dụng nền tảng căn cước công dân gắn chip…
Cùng với đó, các ngành, lĩnh vực đã tăng cường ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất-kinh doanh; triển khai các mô hình kinh tế số trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, Global G.A.P, OCOP,... ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, sở đã tham mưu các chính sách với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp chuyên trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2024-2025.
Đến nay, đã có 15/20 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 12/13 ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, 6 đơn vị còn lại bố trí cán bộ kiêm nhiệm.
Đặc biệt, để bảo đảm quá trình thông tin thông suốt, an toàn, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức rà soát, duy trì và hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn tỉnh xử lý các trường hợp tấn công mạng và phát hiện kịp thời các nguy cơ mất an toàn trên các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử. Phát hiện, cảnh báo và xử lý các đơn vị có máy tính bị nhiễm mã độc; triển khai các lớp đào tạo về an toàn thông tin cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin; tham gia các cuộc diễn tập an ninh mạng quốc tế ACID, APCERT do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Sở Thông tin và truyền thông Hà Tĩnh luôn chú trọng công tác cảnh báo, bảo đảm an toàn thông tin cho các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn
Công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, in, phát hành, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại được triển khai thực hiện ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh, hiện có 4 cơ quan báo chí địa phương; 11 văn phòng đại diện, 39 phóng viên thường trú báo Trung ương.
Các cơ quan báo chí địa phương đã có nhiều đổi mới về mọi mặt, khai thác tối đa các nền tảng công nghệ số, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, chất lượng cao, đặc biệt là các tác phẩm phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của quê hương, đất nước..., tạo thành dòng chảy chủ đạo, tác động tích cực đến đời sống xã hội, được các tầng lớp nhân dân quan tâm và đánh giá cao.
Sản phẩm của Báo Hà Tĩnh điện tử có nội dung và hình thức trình bày mới mẻ, sáng tạo, sinh động (Infographic, Longform, Emagazine...) thu hút sự quan tâm của độc giả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.
Các cơ quan truyền thông địa phương sau sáp nhập được Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp huyện quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động tuyên truyền, thiết lập và khai thác có hiệu quả các kênh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội đã thu hút được sự quan tâm của nhân dân.
Đồng thời, hoạt động thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở được triển khai kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, chuyển tải đầy đủ thông tin đến với nhân dân ở thôn, xóm, khu dân cư; quảng bá hình ảnh của tỉnh, của đất nước đến với bạn bè trong khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Hoạt động bưu chính chuyển phát có nhiều đổi mới, mạng bưu chính công cộng được duy trì và phát triển rộng khắp theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và truyền thông Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả việc bảo đảm thông tin liên lạc trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, diễn tập khu vực phòng thủ; tham mưu thực hiện tốt tiêu chí của ngành thông tin và truyền thông và việc đỡ đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng công bố việc Việt Nam đã hoàn thành việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất.
Đề án số hóa truyền hình mặt đất đang triển khai đúng tiến độ. Công tác thanh tra hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các doanh nghiệp thuộc ngành thông tin và truyền thông ngày càng phát triển, các doanh nghiệp viễn thông luôn giữ được tốc độ phát triển, bình quân đạt từ 15-20%/năm.
Với những kết quả đạt được, tập thể Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, của các ngành, các cấp, trong đó, vinh dự 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, của các bộ, ngành Trung ương; nhiều năm liền được Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc...
Phát huy kết quả đạt được trong 20 năm qua, toàn thể cán bộ, công nhân viên chức ngành thông tin và truyền thông tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nỗ lực hoàn thành sớm các chỉ tiêu của ngành giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo, tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngày 12/8/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 81/2004/QĐ-UB-NV thành lập Sở Bưu chính-Viễn thông, tiền thân của Sở Thông tin và Truyền thông ngày nay. Qua 20 năm phát triển, Sở Thông tin và Truyền thông đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và là ngành tiên phong, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số. Trong đó, thực hiện chiến lược “đi tắt, đón đầu” để tiếp cận và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 hiệu quả, Sở đã đổi mới phương thức lãnh đạo toàn diện trên tất cả các mặt công tác; chủ động tham mưu nhiều chính sách quan trọng; đặc biệt là 5 quy hoạch gồm: Quy hoạch phát triển báo chí, Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành, Quy hoạch phát triển bưu chính-viễn thông, Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và Quy hoạch khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung Hà Tĩnh. Các nội dung quy hoạch đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.