Bắc Trung bộ ngập trong biển nước

Thứ năm - 05/09/2019 10:18
Gần 350 trường học ở Bắc Miền Trung hoãn khai giảng do mưa bão!
 

Mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Trung Bộ những ngày qua, khiến nhiều vùng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngập chìm trong biển nước, bị cô lập hoàn toàn bởi nước lũ dâng cao. Thống kê sơ bộ, đến nay lũ lụt tại các tỉnh trên đã khiến 4 người chết và nhiều người bị thương, hàng ngàn hộ dân bị cô lập, chia cắt, nhiều diện tích hoa màu mất trắng. Các tỉnh đều đã có công điện khẩn, chỉ đạo các cấp, các ngành đối phó với tình hình lũ lụt, diễn biến phức tạp của thời tiết cũng như phòng chống nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và giúp đỡ, cứu trợ người dân vùng rốn lũ.

Lực lượng chức năng tiếp cận rốn lũ Phương Mỹ (H. Hương Khê, Hà Tĩnh).

18 xã bị ngập ở rốn lũ Hương Khê

Rốn lũ Hương Khê có 18 xã bị ngập lụt, trong đó có 6 xã hiện đang bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài gồm: Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Giang, Hương Đô, Lộc Yên và Hương Thủy. Đến với dân vùng lũ xã Phương Mỹ, ông Lê Đình Sơn- Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cùng cơ quan chức năng, chính quyền H.Hương Khê đã tiếp tế, cứu trợ mì tôm, lương khô, nước uống cho các hộ dân bị ngập lũ và cô lập. Ông Sơn chia sẻ vất vả, khó nhọc với người dân đồng thời động viên nhân dân cố gắng vượt qua thiên tai, lũ lụt, nâng cao cảnh giác, đề phòng lũ lên đột ngột để di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu chính quyền địa phương các cấp và ngành chức năng phải túc trực 24/24h, theo dõi diễn biến mưa lũ, giám sát hoạt động xả lũ của thủy điện Hố Hô, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt, ở những vùng thấp trũng xung yếu tuyên truyền người dân di dời đến nơi cao để đảm bảo an toàn, trường hợp người dân có yêu cầu thì kịp thời hỗ trợ bà con di dời.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Quốc Hậu - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết, mưa lớn kéo dài trong 3 ngày qua cộng với Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ khiến nước trên con sông Ngàn Sâu dâng cao. Các ngả đường dẫn vào xã ngập sâu trong nước lũ khiến xã bị cô lập hoàn toàn. Đã có hàng chục nhà dân bị nước tràn vào nhà, có nhà nước ngập lên khoảng 1 m. Trước khi lũ vào, xã đã chủ động kêu gọi người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Người dân ở đây đều thực hiện phương án 4 tại chỗ, tận dụng nhà vượt lũ, nhà bè để bảo quản tài sản, lương thực, thực phẩm.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác trao quà động viên người dân Phương Mỹ, H.Hương Khê (Hà Tĩnh). 

Sau chuyến công tác tại các vùng lũ H.Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ký ban hành công điện khẩn chỉ đạo các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, ngoài việc đảm bảo an toàn cho người dân, đề phòng sạt lở, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo các cấp, các ngành chú trọng giúp đỡ người dân, hỗ trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ gia đình bị ngập lụt. Đồng thời có biện pháp phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân sau khi nước rút.

Theo báo cáo nhanh của BCH PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh, tính đến chiều ngày 4- 9, mưa lũ khiến 1 người tử vong là ông Lê Văn Bân (1965, trú thôn 2 xã Hương Vĩnh H.Hương Khê). Khoảng 13 giờ, ngày 4- 9, trên tuyến QL15A đoạn qua khối 2 Thị Trấn Hương Khê, H.Hương Khê nước dâng cao, trong lúc di chuyển ông Bân bị rơi xuống cống dẫn nước vào hồ Bình Sơn. Về Nông nghiệp, có 2.855,5 ha lúa bị ngập; 1.330 ha bưởi trên địa bàn Hương Khê chưa đến kỳ thu hoạch bị ảnh hưởng.

Lũ gây ngập úng tại Phương Mỹ (H. Hương Khê, Hà Tĩnh). 

Nỗ lực tìm người mất tích

Tại Quảng Bình, theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, tính đến chiều 4- 9, mưa lũ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vị trí bị ngập, chia cắt. Lũ lụt cũng đã khiến 3 người chết và bị thương, hiện mưa vẫn rất to, lũ trên các sông Kiến Giang, sông Gianh, sông Son đang lên nhanh, nguy cơ trên báo động 2. Ông Nguyễn Viết Thông- Phó chủ tịch UBND P.Quảng Thuận, Thị xã Ba Đồn cho biết, các lực lượng đã phối hợp cùng gia đình tìm được thi thể cháu Trần Tiến Duy (2017), mất tích vào đầu giờ chiều 3-9. Theo đó, khoảng 13 giờ 30 ngày 3- 9, cháu Duy ra con đường cách nhà khoảng 20m chơi thì bị nước lũ cuốn. Sau khi nhận thông tin, các lực lượng đã phối hợp tìm kiếm thì phát hiện được thi thể cháu vào lúc 17 giờ cùng ngày. Trước đó, chị Hồ Thị Chăn ở xã Trọng Hóa, H. Minh Hóa đi bắt cá ở suối cũng bị lũ cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy. Còn người bị thương là ông Trần Huy Lực (1986, Tiểu khu 1, thị trấn Đồng Lê, H.Tuyên Hóa), ông Lực bị ngã gãy xương khi đang trèo lên mái Trường tiểu học số II Đồng Lê đặt bao cát chống gió.

Minh Hóa là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nước lũ dâng cao khiến 2 nhà dân bị sạt lở, 16 nhà ở xã Thượng Hóa bị ngập phải di dời dân đến nơi cao hơn. Tại rốn lũ Tân Hóa, ông Đinh Thanh Đá, chủ tịch UBND xã cho biết toàn bộ thôn 1, 2, 3 Yên Thọ đã bị ngập hơn 400 hộ, nơi sâu nhất khoảng trên 1,5m. “Hiện vẫn đang mưa lớn, nước vẫn tiếp tục lên, huyện đã cử lực lượng phối hợp với xã đi ca nô vào các thôn bản, đưa lương thực, nước uống vào cho người dân”, ông Đá thông tin. Trong khi đó, H.Quảng Ninh có 227 ha lúa chưa thu hoạch bị ngập hoàn toàn, hơn 120 ha lạc và ngô bị mất trắng, 5 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và cuốn trôi.

Còn tại H.Tuyên Hóa, nước lũ lên nhanh khiến 22 nhà bị ngập và hơn 1.600 nhà khác bị cô lập. Trong đó, tập trung tại các xã Châu Hóa, Thạch Hóa, Thanh Thạch, Cao Quảng. Huyện Lệ Thủy có 450 nhà bị ngập dưới 1m. Lũ lên nhanh gây sạt lở dọc sông Gianh, đoạn qua thôn Kinh Trừng, xã Đức Hóa dài 50m gây sạt lở, ảnh hưởng đến 16 hộ dân, trong đó có 4 hộ sạt lở đã vào đến móng nhà. Tính đến chiều cùng ngày, H.Tuyên Hóa cùng đã tổ chức di dời 200 hộ/790 khẩu đến nơi an toàn, nếu mực nước sông Gianh tiếp tục lên sẽ tổ chức di dời dân, dự kiến di dời: 600 hộ/2.274 khẩu. Tại H.Bố Trạch, các bản Cồn Roàng, Cóc, Cu Tồn, Tuộc, A ky, Nồng Mới, Nồng Cũ, Bụt, Chăm Pu, Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch bị chia cắt hoàn toàn.

Quốc lộ 9B, đoạn qua xã Kim Thủy, H.Lệ Thủy (Quảng Bình) bị sạt lở. 

Lực lượng vũ trang tham gia hỗ trợ nhân dân

Tại Quảng Trị, hàng ngàn ngôi nhà vào cảnh ngập nặng, nhiều thôn bản, khóm phố bị nước lũ cô lập. Trước tình hình này, các đơn vị CA, biên phòng đã bám sát địa bàn, tích cực hỗ trợ nhân dân. Sáng 4-9, CAH Cam Lộ nhận tin báo có 2 người dân đang trong tình thế nguy hiểm, chới với giữa mênh mông nước lũ tại địa bàn xã Cam Tuyền. Ngay lập tức, CAH cùng với CA tỉnh Quảng Trị huy động phương tiện ca nô và lực lượng ứng cứu. Lực lượng CA gặp nhiều khó khăn do mưa lớn không ngớt, nước lũ chảy xiết nhưng sau đó cũng đã tiếp cận thành công các nạn nhân, đưa vào bờ an toàn. H.Cam Lộ cũng cho biết có khoảng 400 hộ dân trên địa bàn đã bị ngập lũ, khoảng 300 ha sắn, 200 lúa thiệt hại nặng, nhiều tài sản của bà con bị cuốn trôi, hư hại.

Trong khi đó, hàng ngàn nhà dân ở nhiều thôn, bản, khóm phố tại huyện vùng cao Hướng Hóa tiếp tục ngập sâu trong nước lũ. Nước sông Sê Pôn dâng cao và rất nhanh khiến thị trấn biên viễn Lao Bảo mênh mông nước, nhiều nhà nước ngập nóc. “Lũ lên rất nhanh, chỉ kịp sơ tán người. May có lực lượng CA, biên phòng điều ca nô giúp”, cụ Hồ Văn Lanh (70 tuổi, khóm Duy Tân, Lao Bảo) không giấu được bàng hoàng. Được biết, trong đêm 3, rạng sáng ngày 4-9, ĐBP CK quốc tế Lao Bảo đã phối hợp với các lực lượng di dời kịp thời hơn 500 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu các khóm Ka Túp, Vĩnh Hòa, Duy Tân, An Hà... đến nơi an toàn.

Ngập lụt tại xã Tân Hóa, H.Minh Hóa (Quảng Bình). 

Lực lượng CA thị trấn Lao Bảo, CAH Hướng Hóa cũng trắng đêm tham gia, hỗ trợ người dân ở nhiều khu vực bị cô lập, chốt chặn, cảnh báo tại vị trí giao thông nguy hiểm. Ngược về địa bàn xã biên giới Tân Long (H.Hướng Hóa), nằm bên sông Sê Pôn, CBCS ĐBP Thuận cùng với dân quân xã di chuyển bằng ca nô vào bản Xy Núc để tiếp tế mì tôm, nhu yếu phẩm cho đồng bào đang bị lũ cô lập. 2 ngày qua, nước sông Sê Pôn lên nhanh khiến nhiều bản của Tân Long cũng đã chìm ngập trong nước, chỉ kịp sơ tán người. ĐBP CK quốc tế La Lay cũng đã huy động lực lượng trắng đêm vận chuyển, di dời nhân dân và tài sản lên chỗ an toàn. Theo Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, có khoảng 500 CBCS đã được huy động ứng cứu, giúp đỡ nhân dân trong đợt mưa lũ này.

Do mưa lớn nên công tác khắc phục sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông, nhánh tây qua địa bàn 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị quản lý đường bộ huy động nhiều phương tiện, thiết bị cùng với sự hỗ trợ của lực lượng CA, thanh niên... để giải phóng hàng trăm mét khối đất đá ở những điểm sạt lở nặng nhằm kịp thời thông tuyến. Đến gần trưa 4-9, tình hình giao thông tại nhiều điểm đã được thông suốt. Nhưng mưa lớn vẫn phức tạp, khả năng nhiều nơi trên tuyến đường Hồ Chí Minh tiếp tục sạt lở. Bên cạnh đó, mực nước các sông trên toàn địa bàn vẫn lên cao, trong đó có sông Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Hiếu đe dọa hàng ngàn ngôi nhà dọc đôi bờ sông. Kiểm tra tình hình ngập lũ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các địa phương, các lực lượng bám chặt địa bàn, đặc biệt là vùng xung yếu, hỗ trợ, đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết cũng như sức khỏe người dân.

 LLVT Quảng Trị cứu dân trong lũ. 

LLVT Quảng Trị tổ chức cứu dân trong đêm.

Sông Ô Lâu còn chia cắt

Tại TT-HUẾ, đến chiều 4- 9, lượng mưa trên địa bàn TT-Huế đã giảm, giao thông trở lại bình thường; riêng các tuyến đường dọc sông Ô Lâu thuộc H.Phong Điền vẫn còn bị chia cắt. Người dân phải di chuyển đi lại bằng ghe thuyền. Hiện tại, QL 49B đoạn qua địa phận xã Phong Hòa, Phong Bình ngập nhiều đoạn, đoạn sâu nhất 0,6m... Toàn  H. Phong Điền có 30 nhà bị ngập, hiện đã di dời 13 hộ, 42 khẩu đến nơi an toàn.

Do mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh 2 ngày qua đã làm tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn H. A Lưới (TT-Huế) bị sạt lở một số điểm, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Theo đó, đoạn từ Km 313+ 800- Km 318 qua địa phận tỉnh xuất hiện 5 điểm ta luy dương, ta luy âm, nước chảy mạnh làm đất đá tràn ra một phần mặt đường. Trong đó, có vị trí sạt lở chiếm khoảng 1/3 mặt đường. Nhiều nhất tại khu vực xã A Roàng- phần đường Hồ Chí Minh tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam. Hiện, Chi cục Quản lý đường bộ (QLĐB) II.6 đang khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở nói trên và đảm bảo thông tuyến. Ghi nhận tại vị trí sạt lở mới nhất tại xã Hồng Thủy (H.A Lưới), một lượng lớn đất đá đã được cào để các phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, với dự báo thời tiết tiếp tục có mưa lớn nên nguy cơ sạt lở sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Đến ngày 4-9, lúa hè thu toàn tỉnh đã hoàn thành thu hoạch 24.361 ha, còn lại là 871 ha, trong đó 111ha chưa thu hoạch vùng đồng bằng sẽ hoàn thành thu hoạch trước 5-9. Diện tích chưa thu hoạch ở vùng Nam Đông, A Lưới là 760 ha, theo kế hoạch sản xuất sẽ thu hoạch từ ngày 15 đến 20-9. Ông Phan Thanh Hùng- Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, ông P.K (82 tuổi, trú xã Quảng Phú, H.Quảng Điền) trong khi dùng thang leo lên mái hiên nhà bằng tấm lợp bờ lô xi-măng để sửa chữa thấm dột thì bị trượt chân, tử vong.

Nhóm PVMT

Theo Cadn.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây