Khi dự luận chưa hết xôn xao việc sưu cao, thuế nặng ở huyện Can Lộc. Thì chúng tôi nhận được phản ánh của người dân thôn Tân An, khi số tiền chính quyền thôn ở đây thu còn gấp cao nhiều lần so với thực trạng diễn ra ở huyện Can Lộc.
Một khoản phí thu 3 kiểu
Để tìm hiểu vấn đề này phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật về tận địa phương này tìm hiểu thực hư chuyện thu phí “khủng” của địa phương nay. Qua quá trình điều tra chúng tôi được biết, việc chính quyền thôn Tân An đã đặt ra hàng chục khoản thu, với số tiền rất lớn theo phản ánh của người dân là sự thật. Theo đó, để thực hiện các hạng mục công trình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu nhiều năm qua chính quyền thôn Tân An thực hiện thu phí bằng hai cách thức thu bằng lượng và bằng tiền. Cụ thể, vào năm 2014 thu bằng lượng/năm gồm: quỹ điều hành 1,3 kg/sào; giao thông nông thôn 3kg/khẩu; thóc vệ nông 4kg/sào; giao thông nội động 7kg/sào; thu phương tiện sản xuất máy móc tùy theo loại từ 15-30kg/máy; trâu bò 5kg/1con; quỹ khuyến học 5kg/hộ; không dự họp thôn 5kg/buổi. Thu bằng tiền mặt bao gồm: xây dựng hội quán 750.000 đồng/hộ; phí làm giao thông nông thôn 300.000 đồng/khẩu; tiền hội họp, bảo vệ nghĩa trang 20.000 đồng/hộ; thu tiền điện thắp sáng 7.000 đồng/hộ/tháng; tiền thủy lợi 644.000 đồng/hộ/2 khẩu; thu tiền giao thông nông thôn theo hộ (gần mặt đường 1 triệu, xa mặt đường 500 ngàn đồng)…
Điều đáng nói chính quyền thôn Tân An đặt ra nhiều khoản thu hết sức vô lý khiến người dân rất bức xúc như: việc thu phí trâu bò đi trên đường mỗi con 5kg/năm (theo giải thích của chính quyền thôn thì trâu bò đi lại trên đường gây hư hỏng nên phải thu), hay phí máy móc hoạt động sản xuất, phí điều hành thôn... Không nhưng vậy, riêng khoản phí giao thông nông thôn lại thu đến 3 kiểu. Theo đó, ngoài thu bằng lượng là 3kg/khẩu, còn thu bằng tiền 300.000 đồng/khẩu và thu theo hộ (1 triệu đồng đối với hộ gần mặt đường và 500 ngàn đồng đối với hộ xa mặt đường).
Trước những bức xúc phản ánh của người năm 2015 ban điều hành thôn Tân An có giảm một số khoản thu. Cụ thể, bỏ thu phí máy móc sản xuất, trâu bò đi lại trên đường, tiền thu trẻ em thay vì mới sinh ra như trước đây thì giờ tăng lên 6 tuổi, còn tiền điện thắp sáng năm 2014 là 7.000 đồng/tháng/ hộ sang năm 2015 tăng lên 10.000/tháng/hộ…
Hai năm thu hơn 11 triệu đồng
Ông Nguyễn Văn Vịnh cho biết, nhiều khoản thu của chính quyền thôn Tân An là quá vô lý, đơn cử như việc thu phí trâu bò, hay phương tiện sản xuất, phí điều hành thôn…“Trâu bò đi trên đường ảnh hưởng gì mà cũng “đè” dân ra thu phí, việc người dân mua máy móc để hoạt động sản xuất nhằm nâng cao đời sống, chính quyền thôn đã không ủng hộ lại còn... Hay việc chi tiền trả cho cán bộ thôn đã có nhà nước lo nhưng lại vẫn thu là không đúng với chủ trương của đảng và nhà nước” ông Vịnh bức xúc.
Cũng theo ông Vịnh, Gia đình ông dù chỉ 3 nhân khẩu (gồm hai vợ chồng và con trai 16 tuổi) nhưng năm 2014 phải nộp phí cho thôn lên đến 6,4 triệu đồng, trong khi năm 2015 cũng nhiều không kém là 5,3 triệu đồng như thế là quá cao. Đây là trừ các khoản tiền gia đình đã đi làm công cho thôn như vét mương nội đồng, làm đường... Bức xức vì các khoản thu vô lý và quá lớn nên ông Vịnh chưa nộp thế nên hiện tại gia đình ông còn nợ thôn hơn 11 triệu đồng/2 năm chưa kể đóng cho xã.
Gia đình ông Trần Xoan (59 tuổi) gồm hai nhân khẩu nhưng năm 2015 gia đình ông phải nộp phí cho thôn là 3.822.400 đồng, còn năm 2014 là hơn 3,7 triệu đồng đây là chưa kể các khoản thu của xã. “Gia đình tôi hiện chỉ còn hai vợ chồng, con cái đi làm ăn xa và đã tách khẩu. Thế nhưng mỗi năm còn phải đóng nộp với khoản tiền lớn như vậy trong khi vợ tôi đã hết tuổi lao động” ông Xoan thở dài. Theo ông Xoan, ngoài việc thu phí cao thì chính quyền thôn Tân An làm việc thiếu minh bạch, không dân chủ. Xây hội quán với số tiền rất lớn như thế, nhưng khi thực hiện dự án đến khi hoàn thành người dân không hay biết. Công trình triển khai dân không được đóng góp ý kiến, không được giám sát từ kinh phí đến ngày công, vật liệu xây dựng… Cán bộ thôn kê khai bao nhiều thì biết bấy nhiều chứ dân không nắm được. Vì thế có chuyện vào năm 2013 lúc đầu họp thôn thống nhất mỗi hộ đóng 1 triệu đồng tiền xây hội quán, sau khi làm xong số tiền phải đóng nộp tăng gấp đôi lên 2 triệu đồng thu trong vòng hai năm. Và đến hiện nay mỗi hộ dân phải đóng nộp gần 2,5 triệu. Theo lý giải của cán bộ thôn do nhiều hộ chưa nộp phải chịu lãi xuất, để công bằng số tiền lãi chia đều cho tất cả các hộ .
Xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên là một trong số 7 xã về đích Nông thôn mới (NTM) của tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2013. Trong khi đó thôn Tân An là một trong số những thôn được tỉnh Hà Tĩnh chọn để xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn