Công an ở TPHCM đi Long An “bắt người”
Đại úy Võ Minh Hiền (Công an phường 9, quận 5, TPHCM) - người chỉ huy nhóm người bắt trói anh Tuấn bằng dây điện và bịt miệng bằng băng keo - cho biết, ngày 17.10.2013, ông được Công an huyện Đức Hòa mời đến làm việc.
Ông Hiền rủ thêm thượng sĩ Phan Minh Cử - Cảnh sát giao thông Công an quận 6, TPHCM và vài dân phòng đi xe ô tô 7 chỗ về Long An. “Tôi được ông Võ Văn Châu là ba của Tuấn nhờ bắt Tuấn đưa đi trị bệnh. Ông Châu nói Tuấn quậy dữ lắm, không đưa vào bệnh viện là không xong. Do sợ Tuấn chống cự nên chúng tôi phải trói lại, đưa đi bằng xe. Còn việc sau đó Tuấn đi giám định, rồi được xác định là không mắc bệnh tâm thần thì tôi không biết” - ông Hiền nói.
Cũng theo lời ông Hiền, các dân phòng tham gia bắt người hiện đã chuyển sang công việc khác. Khi làm việc với Điều tra viên Trần Văn Sơn - Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa, ông Sơn có hỏi về các dân phòng nhưng cũng không thấy mời làm việc.
“Công an Đức Hòa chỉ mời tôi có một lần rồi thôi. Tôi bắt Tuấn với tư cách gia đình, được ông Châu nhờ, nếu không, pháp luật đã xử lý tôi rồi” - ông Hiền nói.
Nhận xét về hành vi bắt trói anh Tuấn rồi cưỡng bức đưa vào bệnh viện tâm thần, luật sư Võ Đức Toàn - Đoàn Luật sư TPHCM - nói: “Hành vi của họ có dấu hiệu của tội “bắt giữ người trái pháp luật” quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Cần lưu ý, anh Tuấn hoàn toàn khỏe mạnh và sau khi anh bị bắt giữ trái pháp luật, tài sản của anh bị chiếm đoạt thì vụ việc không đơn giản. Nếu Công an huyện Đức Hòa cho rằng là án dân sự rồi chuyển qua tòa thì anh Tuấn có thể khiếu nại. Đối với tòa, nếu thấy có dấu hiệu hình sự thì phải trả hồ sơ về cơ quan điều tra để làm rõ”.
Không nghe, không biết, không trả lời
Ông Nguyễn Văn Dành - người đã giả mạo chữ ký của anh Tuấn để chuyển tài sản từ tên anh Tuấn qua bà Bùi Thị Kim Hoa - cho biết: “Thời điểm anh Tuấn là Quyền giám đốc thay ông Võ Văn Châu điều hành Cty, thì ông Châu đang bị bệnh nặng, lúc nhớ lúc quên. Sau khi anh Tuấn bị đưa vào bệnh viện tâm thần, bà Hoa với tư cách là vợ ông Châu đã tiếp quản Cty. Bà kêu tôi lên, nói nếu tôi không giả chữ ký của anh Tuấn vào mớ hồ sơ, thì bà sẽ cho tôi nghỉ việc. Lúc đó, gia cảnh tôi quá khó khăn, nên tôi làm theo lời bà Hoa. Hồ sơ tặng tài sản với chữ ký giả mạo đã được Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Nam Huỳnh Văn Hạnh chứng thực”.
Cũng theo ông Dành, khi thấy tình cảnh khốn khổ của anh Tuấn, ông đã khai nhận toàn bộ sự việc tại Công an huyện Đức Hòa. Tuy nhiên, anh Sơn (điều tra viên Trần Văn Sơn - PV) cũng chỉ làm việc với tôi vài lần, rồi không thấy nói gì nữa”.
Ngoài ra, Phòng Công chứng Minh Thư (khu vực 3, thị trấn Đức Hòa) cũng tiếp tay giúp bà Hoa chứng thực cho chữ ký giả. Theo đó, ngày 4.1.2010, công chứng viên Nguyễn Văn Chiến đã chứng thực hợp đồng tặng cho từ ông Châu qua bà Hoa. Các chữ ký giả mạo được chứng thực từ xã đến phòng công chứng sau đó đều được giám định và kết luận là giả, nhưng không ai bị xử lý.
Trước những vấn đề bất thường xung quanh vụ việc này, PV cố gắng liên hệ các cơ quan tố tụng để có thông tin, nhưng không được hợp tác. Cụ thể, sau khi Công an huyện Đức Hòa từ chối tiếp xúc, Thiếu tướng Phan Chí Thanh - Giám đốc Công an tỉnh Long An - đã hướng dẫn PV về huyện gặp Viện Kiểm sát.
“Hồ sơ công an làm kỹ lắm, không thể có sơ suất. Công an làm còn có Viện KSND huyện Đức Hòa giám sát, nên Viện sẽ trả lời” - Thiếu tướng Thanh nói.
Chiều 28.10, PV đến Viện KSND huyện Đức Hòa trao đổi thông tin. Ông Phạm Văn Vừa - Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Đức Hòa - nói: “Tôi phụ trách án dân sự. Nếu TAND huyện thụ lý thì phải gửi thông báo sang để tôi giám sát. Nhưng vụ này tôi không thấy. Đề nghị nhà báo liên hệ với tòa án”.
Ngay sau đó, PV đến TAND huyện Đức Hòa, bà Trần Thị Đẹt - cán bộ tòa án - cho biết: “Chị Trần Thị Kim Thảnh - Chánh án, yêu cầu anh viết trình bày ra giấy rồi nộp ở tòa. Khi nào chúng tôi gọi thì anh hãy tới, để chúng tôi cung cấp thông tin”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn