Chuông báo động không có tín hiệu

Chiều tối 23/3, hàng trăm người dân sống trong chung cư Carina Plaza, đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TPHCM, vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc về vụ cháy. Theo lời kể của các nhân chứng, khoảng hơn 1h sáng ngày 23/3, trong lúc người dân đang ngủ thì nghe tiếng ồn ào bên ngoài, khi mở cửa ra khói đen nghi ngút xộc vào nhà, mọi người hoảng loạn tìm cách thoát thân. Tuy nhiên, các lối thoát hiểm từ hành lang đến cầu thang đều mù mịt khói. Những tiếng la hét vọng ra, nhiều người tìm cách đu dây, leo ra lan can nhảy xuống đất khiến tình hình càng trở nên hỗn loạn.

Thoát chết sau vụ cháy, ngồi co ro trên ghế đá nhìn lên tòa nhà bị cháy đen, ông Trần Văn Phương (52 tuổi, ngụ tầng 5, lô A, chung cư Carina) cho hay, khi phát hiện khói bốc từ dưới lên, ông đã chạy ra đập chuông báo động nhưng không có tín hiệu. Ông phải chạy đi gõ cửa từng căn hộ để báo cháy. “Tôi đập vỡ lớp vỏ bên ngoài rồi gõ vào trong nhưng chuông báo động vẫn câm như hến. Hoảng quá, tôi kêu mọi người dậy rồi chạy đi từng phòng đập cửa kêu họ dậy tìm cách thoát thân”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, khi người dân phát hiện có cháy thì khói lửa đã bao phủ toàn bộ khu chung cư. Các lối thoát hiểm đều mù mịt, điện hành lang bị cúp toàn bộ. “Không còn lối nào thoát, tôi đành đánh liều, kêu mọi người lấy khăn ướt bịt mũi, trùm đầu rồi chạy xuống cầu thang nhưng khói nhiều quá không thể ra ngoài nên phải chạy ngược trở lên. Trong khi đó, nhiều người ở các tầng khác dùng chăn màn, dây thừng đu từ trên cao xuống. Có hai người chết do ngã trong lúc đu dây…”, ông Phương kể.

Bà Lê Thị Cẩm (cư dân chung cư Carina) vẫn run bần bật, toàn bộ quần áo, mặt mũi bị khói bám đen. Bà Cẩm kể: Khi nghe con rể kêu dậy thì khói lửa đã bao trùm cả nhà phải dùng khăn, màn nhúng nước rồi trùm kín đầu chạy ra ngoài. Chạy xuống đến tầng 1 thì khói nhiều quá không thấy đường. Lúc đó tôi và con gái phải ngồi xuống lết từng bước một. Con rể ôm cháu nhỏ chạy xuống cầu thang bị ngã. May mắn không bị thương nên đứng dậy chạy tiếp được ra ngoài.

Lúc bà Cẩm tìm cách chạy ra ngoài phát hiện dọc hành lang có nhiều người bị ngất xỉu, nhưng không có cách nào để cứu. “Khói bốc lên kinh quá, lúc đó theo bản năng sinh tồn thì mạnh ai người đó chạy. Quá kinh hoàng, tôi đã nghĩ mình khó có thể sống sót chạy ra khỏi đám cháy kinh hoàng như thế…”, bà Cẩm nói.

Hiện trường vụ cháy. Ảnh: V.M.

Cái chết được báo trước

13 người chết, hàng chục người bị thương là con số thiệt hại về người chỉ sau thảm họa tại tòa nhà Trung tâm thương mại ITC ở TPHCM năm 2002. Thế nhưng, điều đáng nói là thảm họa này đã được cư dân Carina nhiều lần kiến nghị nhưng đã bị bỏ ngoài tai.

Bức xúc bởi nhiều lần phản ánh tình trạng mất an toàn về phòng cháy ở chung cư Carina, anh Ngô Tấn Vũ Khanh (ngụ tầng 12, khu A) nói: “Tầng hầm có hơn 1.500 xe máy, ô tô mà bảo vệ lúc nào cũng phì phèo thuốc lá. Còn thang máy, mới chiều hôm qua tự động trượt từ tầng 6 xuống tầng 1. Biển quảng cáo trong thang máy cũng thường xuyên xảy ra chập điện. Chúng tôi đã phản ánh rất nhiều nhưng không được xử lý”.

Anh Khanh cho biết thêm, chiều 22/3, khi đi làm về anh phát hiện vị trí gắn đèn quảng cáo trong thang máy xảy ra tình trạng chập điện. Anh đã gọi điện phản ánh và cũng trong chiều cùng ngày, nhiều người dân trong khu chung cư gửi thắc mắc, kiến nghị đến ban quản lý và chủ đầu tư nhưng không được phản hồi thích đáng. Dù có tổ chức diễn tập PCCC nhưng không hiểu sao khi xảy ra cháy, chuông báo động không hề hoạt động. Cũng không có một giọt nước nào từ hệ thống PCCC được phun ra. Như vậy, lâu nay hệ thống báo cháy chỉ là để trang trí, qua mắt cư dân?”, anh Khanh bức xúc.

Anh Ngô Tấn Vũ Khanh bức xúc vì nhiều lần phản ánh về công tác PCCC của chung cư Carina.  Ảnh: V.M.

Chị Phương ở lô C, chung cư Carina cho hay, nhiều cư dân bức xúc phản ánh tình trạng mất an toàn ở thang máy và lực lượng bảo vệ hay hút thuốc trong hầm giữ xe. “Có lần tôi vào thang máy thì thang bị trượt từ tầng 4 xuống tận tầng hầm B. Hốt hoảng tôi bấm chuông báo động nhưng chuông không hoạt động, gọi số điện thoại khẩn cũng không được. La khản cổ thì bảo vệ mới nghe và chạy ra cạy cửa. 10 phút sau tôi mới được đưa ra ngoài, lúc đó gần như tôi đã kiệt sức và quá hoảng sợ…”, chị Phương nói.

Phải có người chịu trách nhiệm trước pháp luật!

Ngày 23/3, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, công an đã làm việc với pháp y và các đơn vị liên quan, thu thập các dữ liệu để điều tra làm rõ. “Công an tiếp tục xác định lại số người của chủ đầu tư, Ban quản trị chung cư có mặt trong đêm xảy ra cháy. Ngoài ra, công an tập trung lấy lời khai các bảo vệ của chung cư”, thiếu tướng Phan Anh Minh nói.

Ông Minh cho hay, vụ cháy bắt đầu từ tầng hầm, khả năng do hệ thống điện của xe nhưng cũng không loại trừ khả năng cài đặt gây nổ do trong khi cháy có nhiều tiếng nổ phát ra. Ngoài ra, tại hiện trường, hệ thống cửa ngăn cháy bị kê chặn ở các tầng, không đóng lại nên khí độc và hơi nóng từ tầng hầm bốc lên đến tận tầng 14 của chung cư.

Bên cạnh đó, một số tầng không có đèn tín hiệu báo lối thoát hiểm. Theo nguyên tắc khi cháy thì điện bị ngắt, hệ thống đèn tín hiệu báo lối thoát hiểm phải sáng lên để người dân theo đó thoát nạn. Theo ông Minh nhận định có thể do bình điện lưu thông không đủ 2 giờ hoặc lực lượng điều tra tới sau 2 giờ nên không thấy đèn báo. Vấn đề này lực lượng chức năng đang kiểm tra lại khả năng phát sáng của đèn.

Sau khi nghe báo cáo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TPHCM chỉ đạo Công an TPHCM phải kiểm tra lại thông tin chuông báo động không báo cháy, khi đám cháy xảy ra nhưng không có ai hướng dẫn người dân thoát hiểm, phải kiểm tra quy trình thông báo cháy của chung cư; báo cáo hiện trạng PCCC của chung cư Carina trước ngày 26/3. Đồng thời, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình, kiến nghị giải pháp PCCC đối với chung cư cho cả TPHCM.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Công an TPHCM tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, đưa ra giải pháp phòng ngừa sắp tới và phải đưa những người có trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước chính quyền, trước luật pháp. Qua sự việc này cho thấy quy trình đảm bảo công tác PCCC chưa hoàn chỉnh ở đâu, các tổ chức liên quan có vai trò như thế nào? Trách nhiệm của chủ chung cư, Ban quản lý ra sao?”

Bệnh viện dồn tổng lực cứu người

BS Phan Văn Nghiệm – Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương cho biết, từ 2 giờ sáng, BV đã điều 2 xe cấp cứu cùng với hàng chục bác sĩ, điều dưỡng tích cực cấp cứu cho nạn nhân. BV đã tiếp nhận 12 trường hợp, trong đó có 2 bệnh nhi đã ổn định và chuyển về khoa chăm sóc. “10 bệnh nhân còn lại vẫn đang nằm ở phòng cấp cứu, trong đó có 1 nam mang quốc tịch Trung Quốc, đa phần các nạn nhân bị ngạt khí. Chúng tôi tập trung 40 bác sĩ, điều dưỡng để chăm sóc cho các nạn nhân” – BS Nghiệm nói.  

Yến Nhi - Nguyễn Dũng