7h30 sáng nay (12/10/2013), Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kéo dài đến 6h sáng mai, 13/10. |
*Tiếp tục cập nhật
21h5: Người dân vẫn xếp hàng đông nghẹt đi qua công nhà tang lễ vào viếng Đại tướng. Ban tang lễ quyết định thêm thời gian vào viếng nhưng chưa có thời gian cụ thể.
20h50: Mặc dù chỉ còn 10 phút nữa là hết giờ viếng, nhưng dòng người vẫn nườm nượp đổ về Nhà tang lễ. Người dân xếp hàng kéo dài gần 2km, từ các tuyến phố Lê Quý Đôn qua Trần Khánh Dư, qua Nguyễn Huy Tự đến Nhà tang lễ.
19h10, dòng người vẫn tiếp tục đổ về Nhà tang lễ (số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội) viếng Đại tướng. Người dân xếp thành 3 hàng khá ngay ngắn, đảm bảo trật tự.
Dòng người xếp hàng chờ viếng Đại tướng bên ngoài Nhà tang lễ
Đội tiêu binh phục vụ trong Nhà tang lễ liên tục thay ca vì lượng người đổ về ngày càng đông.
Tính đến 18h30 ngày 12/10, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại TP.HCM đã tiếp đón 742 đoàn (trong đó có 91 đoàn Trung ương, 42 đoàn từ các tỉnh, 25 đoàn ngoại giao, 1 đoàn tôn giáo và 588 đoàn TP) đến viếng, với hơn 68.000 lượt người (trong đó có hơn 33.000 người dân).
18h30, trời dần tối, số người đến viếng Đại tướng tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình cũng thưa dần. Những người đến viếng xong cũng lần lượt ra về, chỉ còn số ít những người chưa kịp viếng Đại tướng tiếp tục xếp hàng. Thành phố Đồng Hới vắng vẻ và lặng lẽ hơn mọi ngày. Lễ viếng tiếp tục đến 21h ngày hôm nay (12/10).
Dòng người thưa dần trước cổng UBND tỉnh Quảng Bình - nơi viếng Đại tướng
Đến 17h, đã có hơn 65.000 lượt người thuộc hơn 600 đoàn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống nhất TP.HCM.
Những dòng lưu bút đầy xúc động trong sổ tang Đại tướng
Nước mắt lã chã rơi khi viết những dòng tiễn biệt Đại tướng
Gần 16h, tại Hà Nội và TPHCM, số lượng người đến dự lễ viếng Đại tướng ngày một nhiều. Lực lượng cảnh sát giao thông, dân quân tự vệ và thanh niên tình nguyện phải làm việc rất vất vả mới có thể tạm điều tiết, giúp giao thông tại những khu vực này được thông thoáng.
Dòng người xếp hàng dài hướng về Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội)
Người dân bước vào Nhà tang lễ Quốc gia
Sau cơn mưa, chiều nay, trời Quảng Bình nắng gắt, nhưng dòng người dài xếp hàng như quên đi cái nắng miền Trung, chờ viếng người con ưu tú của quê hương.
Xếp hàng chờ viếng Đại tướng dưới trời nắng gắt
Bên trong, các đoàn tiếp tục lễ viếng. Những hình ảnh cựu chiến binh trong lễ tang khiến bất cứ ai có mặt đều xúc động. Bà Trần Thị Hường (Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong TP Đông Hà, Quảng Trị) không nói được gì ngoài câu “Tôi rất tiếc thương Đại tướng”, rồi bà khóc nức nở.
Bé Vũ Lê Hoài Bão (5 tuổi) được bố đưa đến viếng Đại tướng. Anh Vũ Xuân Hải, bố cháu Hoài Bão cho biết, qua đây, anh muốn giáo dục con sau này phải biết ăn quả nhớ kẻ trồng cây, cha ông đã hy sinh xương máu để có ngày hòa bình hôm nay. Thấy bố và tất cả mọi người ở đây đều buồn, mắt cháu Hoài Bão cũng ngấn lệ.
Theo anh Hải, biết ai cũng có lúc sinh lão bệnh tử nhưng tin Đại tướng mất vẫn khiến anh không kìm được nước mắt tiếc thương.
Bé Vũ Lê Hoài Bão (5 tuổi) được bố đưa đến viếng Đại tướng
14h30: Tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), lượng người xếp hàng đợi vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi lúc một đông. Dòng người kéo dài hơn 1km, dọc theo phố Tăng Bạt Hổ. Đến viếng Đại tướng không chỉ có các cựu chiến binh, người cao tuổi... mà còn còn có cả trẻ em. Nhiều em còn cầm theo di ảnh của Đại tướng khiến nhiều người xúc động.
Dòng người đổ về Nhà tang lễ Quốc gia mỗi lúc một đông
Chị Nguyễn Thúy Ngần (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) đưa cậu con trai Nguyễn Tiến Trung Kiên 8 tuổi đang học đến viếng Đại tướng cho biết: "Sáng nay, cháu đi học nên chiều nay mới đến viếng được. Tôi mong muốn khi đưa cháu đến đây sẽ giúp con hiểu và khắc ghi công lao của Đại tướng".
Trung tướng Nguyễn Ân (nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 - đơn vị đầu tiên tiến thẳng vào Dinh Độc Lập ngày 30/4 lịch sử) đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đoàn cựu chiến binh 3 chiến dịch lịch sử ( (Điện Biên phủ 1954, Mặt trận đường 9-Quảng Trị tháng 7/1972, Điện Biên phủ trên không tháng 12-1972)
13h30, tại TPHCM: BTC Lễ Quốc tang đã xếp thêm nhiều bàn để người dân ghi sổ tang. Theo thống kê sơ bộ, trong sáng nay đã có hơn 500 đoàn với khoảng 20.000 người vào viếng Đại tướng.
Xếp hàng chờ ghi sổ tang
11h50: Tại Quảng Bình, mưa đã ngớt, trời hửng nắng, người dân xếp thành hàng dài chờ vào viếng người con thân yêu của quê hương. Bên trong Hội trường, các đoàn từ cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp, nhân dân, học sinh... tiếp tục làm lễ viếng.
Cụ Quế Thị Nhung 79 tuổi, ở xã Yên Thành, tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình từ 3h sáng chờ viếng Đại tướng.
Cụ tâm sự, trong đời có 3 người cụ cảm phục nhất là: Bác Hồ, Bác Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Đến hôm nay, người cuối cùng trong số 3 người ấy đã ra đi. Vừa nói, mắt bà nhòa lệ, rồi bà khóc nức nở. Bà mong ước được vào tận nhà Tướng Giáp ở An Xá, Lệ Thủy nhưng từ Nghệ An vào, không biết đường, lại mưa to.
Người nhà của Đại tướng ở Quảng Bình đến tiễn đưa người cha chú về cõi vĩnh hằng
Cụ Quế Thị Nhung (79 tuổi) ở xã Yên Thành, tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình viếng Đại tướng từ 3h sáng
11h: Những người dân đầu tiên xếp hàng đợi vào viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).
Những người dân đầu tiên vào viếng Đại tướng
Người dân xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng
Bà Bùi Thị Linh, 82 tuổi, từng là cán bộ tuyên huấn huyện đoàn phụ nữ cứu quốc huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Tôi cùng cháu tới nhà tang lễ từ 7h. Khi biết mình là một trong những người dân đầu tiên được vào viếng Đại tướng, tôi rất xúc động. Tôi chưa từng được gặp Đại tướng nhưng biết về Đại tướng qua chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi rất kính trọng đại tướng. Dù Đại tướng đã mất nhưng hình ảnh của Người vẫn mãi trong tim chúng tôi”.
Có mặt tại nhà tang lễ, bà Trần Thị Luận, 84 tuổi (ở Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) không kìm được nước mắt . Bà cho biết: “Năm 16 tuổi, tôi là thanh niên xung phong ở Điện Biên Phủ. Khi chúng tôi đang đào hầm thì Đại tướng đến động viên. Hình ảnh đó khiến chúng tôi xúc động đến mãi bây giờ”.
10h40: Tại TP.HCM, không chỉ người dân Thành phố mà cả những tỉnh lân cận cũng đã tới viếng Đại tướng. Dòng người xếp hàng dài cả gần cây số chờ được vào viếng Đại tướng tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM.
Dòng người xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng tại TP.HCM
Chủ tịch TP.HCM Lê Hoàng Quân thắp hương viếng Đại tướng
Ông Mạnh Trọng Tăng, người từng được vinh dự bắt tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay tại cứ điểm Điện Biên Phủ xúc động bên tấm hình chụp chung với Đại tướng nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004.
Những giọt nước mắt nghẹn ngào bên cuốn sổ tang
10h8: Đoàn đại biểu các nước đã đến viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội)
Đoàn đại biểu cấp cao nhà nước quân đội nhân dân Lào, do Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào dẫn đầu
Đoàn đại biểu Campuchia vào viếng Đại tướng
Đoàn khách Quốc tế vào viếng Đại tướng (Ảnh: TTXVN)
9h55: Tại Quảng Bình, mưa mỗi lúc một nặng hạt, dòng người đổ về nơi viếng Đại tướng ngày càng đông. Thành phố Đồng Hới tĩnh lặng hơn thường lệ, mọi hoạt động như ngừng lại, người dân hướng về trụ sở UBND tỉnh nơi diễn ra lễ viếng Đại tướng – người con quê hương.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình xúc động rơi nước mắt khóc khi ghi vào sổ tang viếng Đại tướng.
Bộ trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường bật khóc khi ngồi vào bàn viết sổ tang. Ông Cường cũng là nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình.
“Kính thưa Bác, với cháu, một vinh dự lớn lao khi được gắn bó với quê hương Quảng Bình gần 4 năm rưỡi, được đón, tháp tùng Bác khi về thăm quê nhà lần cuối, được nghe bác dặn dò chỉ bảo...”, Bộ trưởng viết trong cuốn sổ tang. Những lời cuối viết trong sổ tang, Bộ trưởng viết: “Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Bác! Xin Bác an nghỉ nơi vĩnh hằng! Vĩnh biệt Bác kính yêu! ”.
Phía ngoài cổng UBND tỉnh, hai hàng học sinh đội mưa cầm di ảnh Đại tướng. Các em tâm sự, chưa bao giờ tận mắt thấy Đại tướng về quê, lần đầu đón Đại tướng cũng là lần Đại tướng mãi ra đi.
Dòng người đội mưa chờ viếng tại UBND tỉnh Quảng Bình
Các em học sinh mặc áo mưa cầm di ảnh Đại tướng.
Cụ Đào Vĩnh Tâm (Bảo Ninh, Đồng Hới) đến từ 6h sáng chờ viếng Đại tướng. Cảm động hơn khi một phần thân thể cụ đã để lại chiến trường, đi lại khó khăn, trời mưa rét nhưng cụ vẫn đến xếp hàng chờ viếng.
Cụ chia sẻ: “Tôi rất đau lòng, quân đội mất đi người anh cả, xuất sắc và lỗi lạc. Tôi đến đây để được thắp nén nhang thơm kính viếng hương hồn Đại tướng kính yêu”.
Cụ Đào Vĩnh Tâm (Bảo Ninh, Đồng Hới) mặc dù đi lại khó khăn do một phần thân thể để lại chiến trường nhưng vẫn tới từ 6h sáng.
9h10: Bên ngoài Nhà tang lễ (số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội), một không khí xúc động, nghẹn ngào bao trùm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Đoan (Thành phố Vinh - Nghệ An) vượt qua hàng trăm km, đi xe ô tô từ 22h đêm để kịp có mặt tại Hà Nội từ sáng sớm. Khi đặt chân đến nhà tang lễ Quốc gia, cảm xúc trong ông không biết nói gì hơn ngoài sự xúc động và cảm xúc nghẹn ngào.
Ông Đoan cho biết: "Ông tham gia quân đội từ năm 1954-1976, vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường. Hình ảnh vị Đại tướng đã theo tôi trên từng trận đánh. Đã ngoài 70 tuổi, được đến đây đã là may mắn với tôi. 15h chiều mới được vào viếng, tôi vẫn sẽ đợi để được viếng Đại tướng lần cuối cùng".
Ông Đoan (Thành phố Vinh - Nghệ An) vượt qua hàng trăm km, đi xe ô tô từ 22h đêm để kịp có mặt tại Hà Nội từ sáng sớm.
Bà Lê Thị Kim Loan (Hà Đông - Hà Nội) mang đôi câu đối ca ngợi tấm gương đạo đức của Đại tướng. Cha mẹ bà Loan từng hoạt động cách mạng cùng Đại tướng. Từ khi còn nhỏ, bà đã được cha mẹ kể rất nhiều câu chuyện xúc động về Đại tướng.
Cách đây không lâu, bà Loan đã sáng tác bài thơ bày tỏ sự kính trọng, ngưỡng mộ của Đại tướng. Hình ảnh Đại tướng và nụ cười hiền hậu trong lần gặp cách đây 8 năm luôn được cô lưu giữ nguyên vẹn trong tim.
Bà Loan mang theo bức ảnh quý giá mà bà được chụp chung cùng Đại tướng trong lần gặp năm 2005.
Một màn hình LED khá lớn đã được dựng lên trước khu vực nhà tang lễ Quốc gia để truyền trực tiếp những hình ảnh bên trong cho nhân dân theo dõi. Mỗi người một miền quê nhưng trên gương mặt đều đỏ hoe, ngấn lệ. Hình ảnh lễ viếng trong tiếng nhạc trầm buồn khiến không khí xúc động bao trùm.
9h32: Đoàn Tổng Cục chính trị vào viếng.
9h23: Đoàn Bộ tổng tham mưu vào viếng Đại tướng
Video các cơ quan, đoàn thể vào viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ
Trong thời gian này, tại tỉnh Quảng Bình, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng diễn ra tại UBND tỉnh.
Đoàn đại biểu Quốc hội- Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình vào viếng
Đoàn viếng huyện Lệ Thủy, quê hương Đại tướng
Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị làm Lễ viếng
Hội cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình vào viếng Đại tướng
9h8: Đoàn tùy viên quân sự các nước vào viếng Đại tướng.
Lãnh đạo các bộ, ngành bên linh cữu Đại tướng (Ảnh: TTXVN)
Các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội chia buồn với thân nhân Đại tướng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thắp hương viếng Đại tướng
8h43: Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn đầu Đoàn Đại biểu thành ủy HĐND, UBND Mặt trận Tổ quốc TP.HCM vào viếng Đại tướng.
8h34: Ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội dẫn đầu Đoàn Đại biểu thành ủy HĐND, UBND Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội vào viếng Đại tướng.
8h10: Đoàn các nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh vào viếng Đại tướng.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào viếng Đại tướng
8h02: Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu vào viếng.
7h49: Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào viếng. Dẫn đầu đoàn là ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
7h43: Đoàn đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu vào viếng Đại tướng.
Đoàn đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu.
7h35: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào viếng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đoàn vào viếng Đại tướng
7h30: Tại Quảng Bình, quê hương Đại tướng, lễ viếng được tổ chức tại Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ông Lương Ngọc Bính, bí thư tỉnh ủy, dẫn đầu đoàn đại biểu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào viếng Đại tướng.
Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình do ông Lương Ngọc Bính dẫn đầu vào viếng Đại tướng.
Tiếp sau là Đoàn đại biểu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4.
Tại tỉnh TT-Huế: Sáng nay, tại Hội trường lớn Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên – Huế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh TT-Huế, các ban ngành trực thuộc Ban Trị sự, cùng chư Tôn đức Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử đại diện các ban ngành đoàn thể Ban Trị sự đã đến dâng hương tưởng niệm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phật giáo Huế dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Buổi lễ đã được diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính, đầy xúc động và tiếc thương trước sự ra đi của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Một vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam.
Tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, quê nhà của Tướng Giáp, đúng 7h30 Ông Phạm Hữu Thảo, Huyện ủy viên, Phó chủ tịch huyện Lệ Thủy, Trưởng ban tổ chức lễ tang tại nhà lưu niệm Đại tướng, dẫn đầu đoàn Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Huyện Lệ Thủy vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn đã dành một phút mạc niệm.
7h29: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vào viếng.
7h23: Đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Lễ viếng
Giáo sư Vũ Khiêu cũng có mặt tại lễ viếng
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có mặt chuẩn bị thắp hương cho Đại tướng
7h17: Tại Nhà tang lễ, Ban tổ chức đọc danh sách các đoàn vào viếng Đại tướng trong sáng nay.
Người nhà Đại tướng đeo băng tang trước giờ lễ viếng
Ban tổ chức Lễ tang vào viếng Đại tướng
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban tổ chức Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đoàn viếng
7h00: Tại Quảng Bình, quê hương Đại tướng, các cơ quan ban ngành trong tỉnh đã có mặt đông đủ để chuẩn bị cho lễ viếng.
Sáng nay, Quảng Bình lại có mưa nhưng người dân vẫn có mặt tại UBND tỉnh để viếng Đại tướng.
Bên trong UBND, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, đoàn nghi lễ quân đội đã sẵn sàng cho lễ viếng.
Đoàn Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình mang vòng hoa vào viếng Đại tướng
Đoàn thanh niên tỉnh Quảng Bình cầm di ảnh đứng trước Ủy ban nhân dân tỉnh
Tại TPHCM: Ngay từ sáng sớm, tại Hội trường Thống Nhất đã có rất đông các đoàn đại biểu và nhân dân chờ vào viếng Đại tướng.
Dòng người nối dài như vô tận
Một nữ chiến sĩ bật khóc
6h00: Thân nhân Đại tướng đã có mặt tại nhà tang lễ. Nhiều người dân đã tập trung ven đường, lực lượng quân đội, cảnh sát giao thông, đoàn thanh niên đã được huy động thêm. Cánh cổng nhà tang lễ được mở.
6h00, thân nhân Đại tướng đến nhà tang lễ
Người dân gửi hoa vào viếng tại nhà riêng Đại tướng, số 30 Hoàng Diệu
5h00: Công an, quân đội, thanh niên tình nguyện được hỗ trợ thêm. Phía trước cổng nhà tang lễ, các chiến sĩ quân đội đứng thành hàng ở hai bên. Người dân đã bắt đầu đến nhà tang lễ. Trên các tuyến phố lân cận, các phương tiện vẫn được lưu thông qua lại.
4h30: Quân đội được tăng cường hỗ trợ an ninh lễ viếng. Phía bên trong nhà tang lễ, công nhân đã dọn vệ sinh sạch sẽ, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng.
Mặc dù 7h30 sáng nay (12/10), Lễ viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp mới chính thức bắt đầu, nhưng ngay từ sáng sớm, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ viếng đã được hoàn tất.
Cô Thủy (Nghệ An) và ông Nguyễn Khắc Phúc (Hà Nội) đến viếng hương hồn Đại tướng
Bên trong Nhà tang lễ
4h15 phút, lực lương an ninh được huy động, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại Lễ viếng Đại tướng.
Đội thanh niên tình nguyện bắt đầu xếp hàng để đảm bảo trật tự
Đội quân nhạc sẵn sàng cho lễ viếng
*Tiếp tục cập nhật
*Tiếp tục cập nhật
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn