Với túi nước khổng lồ 38 triệu mét khối treo lơ lửng trên cao trình 72m, không có tràn xả lũ, thủy điện Hố Hô được ví như quả “bom”, luôn tiềm ẩn nguy cơ khiến hàng vạn hộ dân thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và xã Hương Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình) ngập chìm trong biển nước nếu đập vỡ. Từ sau vụ suýt vỡ đập của trận lũ năm 2010 đến nay, mỗi khi mưa lũ về, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh cùng dân cư sống dưới miền hạ du lại như ngồi trên đống lửa.
14MW điện có hơn nửa vạn dân?!
Vì lợi nhuận kếch sù nên chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây, hệ thống công trình thủy điện trên cả nước mọc lên như nấm; hàng ngàn hecta rừng đầu nguồn bị tàn phá; môi trường bị hủy hoại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái và đời sống dân sinh. Cũng từ “cao trào” nơi nơi làm thủy điện nên công trình thủy điện Hố Hô được lãnh đạo, ngành chức năng hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh chấp bút thỏa thuận cho xây dựng mà chưa tính đến hậu quả. Sự chấp thuận quá chóng vánh đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của hàng vạn dân cư vốn sống bình yên từ bao đời nay ven hạ du sông Ngàn Sâu.
Kể từ năm 2007, thời điểm công trình thủy điện Hố Hô xuất hiện, dòng sông Ngàn Sâu thay đổi hoàn toàn. Mùa nắng, lòng sông cạn trơ đáy do thủy điện tích nước; mùa mưa lại dồn dập xả lũ gây nên những trận đại hồng thủy. Một lãnh đạo huyện Hương Khê vẫn chưa hết bàng hoàng khi nói về trận xả lũ năm 2010: Năm đó, lũ về dồn dập bởi mưa xối xả suốt hai ngày đêm. Nước lũ kéo theo cây cối khiến các cánh cửa van xả lũ bị tê liệt, cả tháp nước khổng lồ cuồn cuộn vượt đập trên 1 mét. Nguy cơ vỡ đập trong gang tấc. Hàng vạn dân cư dưới chân đập được lệnh sơ tán cấp tốc. Trước tình thế này, Quân khu 4 đã huy động hàng trăm chiến sỹ cùng hàng tấn thuốc nổ chờ lệnh nổ mìn, phá xả lũ hai vai đập để thoát nước. Cũng trong lúc này, lực lượng cứu hộ đã “gỡ tắc” được hai cánh cửa van, hàng triệu mét khối nước ào ào đổ xuống gây nên tiếng nổ lớn, thoát nguy cơ vỡ đập. Tuy đập không bị vỡ nhưng chỉ trong giây lát, làng mạc phía hạ du ngập chìm trong biển nước, nhà cửa, ruộng vườn bị lũ cuốn phăng...
Ông Lê Đức Khang, Trưởng ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản huyện Hương Khê, khẳng định: Sự cố thủy điện Hố Hô xả lũ năm 2010 gây sạt lở nghiêm trọng cho các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy và Phương Mỹ. Để khắc phục được sự cố trên cần nguồn vốn đầu tư khoảng 325 tỷ đồng nhằm xây kè chống sạt lở. |
Ông Trần Xuân Lý, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch (Hương Khê), nói: “Khi nghe tiếng nổ lớn ở Hố Hô, dân chúng hốt hoảng chưa kịp trở tay thì nước lũ đã ập vào nhà. Khi lũ rút, chúng tôi mới phát hiện cả cỗ máy húc nặng hàng chục tấn đang thi công nơi chân đập bị lũ cuốn trôi hàng chục cây số về nằm bên bờ sông. Sức tàn phá của việc xả lũ năm ấy thật khủng khiếp. Đấy là chỉ mới xả lũ chứ nếu vỡ đập thì thiệt hại về người và tài sản sẽ không thể tưởng tượng nổi!
Những hệ lụy…
Trở lại xã Hương Hóa, chúng tôi có cuộc tiếp xúc với nhiều người dân các thôn Trung Lĩnh, Bắc Lĩnh và Tân Đức. Khi nhắc đến trận xả lũ kinh hoàng năm 2010, cụ Đinh Hữu Nhân vẫn còn nguyên vẹn cảm giác sợ hãi. Cụ Nhân nói: “ Tôi năm nay 80 tuổi, gắn bó gần hết đời người ở đây nhưng chưa bao giờ thấy trận lũ nào lớn như thế. Từ trước đến nay, mỗi mùa mưa lũ về, mặc dù nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn nhưng cứ thế theo sông về với biển, chưa bao giờ mò vào làng chúng tôi. Thế nhưng, từ khi thủy điện Hố Hô tích nước, rồi khi xả lũ thì đã nhấn chìm tất cả. Nước lũ gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, lấn sâu vào đất liền hàng chục mét, cuốn trôi 25ha đất sản xuất nông nghiệp và vùi lấp 15 ha đất canh tác màu mỡ của hàng trăm hộ dân hai thôn chúng tôi”.
|
Ba gia đình ở xóm Ngọc Bội bị lũ cuốn trôi nhà cửa do bờ sông lở sâu vào hơn 40m. |
Chị Trần Thị Nguyệt, ở thôn Tân Đức, than thở, trong số 25ha đất sản xuất bị lũ cuốn trôi thì nhà chị có gần 1 mẫu đất chuyên sản xuất hai vụ lạc xen ngô và 1 vụ đậu xanh, mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Từ vụ thủy điện Hố Hô xả lũ, toàn bộ diện tích đất sản xuất bị lũ cuốn trôi, gia đình rơi vào cảnh túng đói. Cả nhà đi làm thuê tứ xứ để kiếm sống qua ngày. Thế nhưng thủy điện chẳng hề đền bù cho gia đình một đồng nào. Nhiều lần chị và bà con trong thôn làm đơn kêu cứu khắp nơi nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng!
Chủ tịch UBND xã Hương Hóa Trương Quang Thân cho biết thêm, trong số 50ha đất bị vùi lấp có 25ha đất sản xuất màu mỡ không thể hồi phục được. Diện tích này mỗi năm sản xuất được 2 vụ, giá trị thu nhập đạt 40-60 triệu đồng/ha. Đất sản xuất bị mất, nông dân xã miền núi Hương Hóa vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Ông Trần Xuân Lý, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, ngán ngẩm nói: “Ban giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô khắc phục sự cố bằng cách lắp còi hú báo động cho một số vùng hạ du, để khi đập vỡ, sẽ rú còi báo động cho dân biết mà chạy…”. |
Ông Cao Viết Quế, Trưởng thôn Trung Lĩnh, kể: “Thôn có 10 hộ bờ sông đã lở vào tận mép nhà, riêng hộ anh Đinh Hợi mất đến 1000m2 đất vườn với hàng chục cây bưởi Phúc Trạch, hàng trăm cây dó bầu”.
Ghé xã Hương Trạch, tìm hiểu về những hệ lụy kể từ ngày có thủy điện Hố Hô, ông Phan Văn Nhân, Trưởng thôn Ngọc Bội vội vã kéo chúng tôi ra bờ sông Ngàn Sâu. Đứng bên đoạn sông bị lở nham nhở khoét sâu vào trong làng hơn 40m, ông nói: “Khi chưa có thủy điện Hố Hô, chỗ giữa sông kia là làng của chúng tôi. Thế nhưng, kể từ trận lũ năm 2010, khi thủy điện Hố Hô ào ạt xả lũ, túi nước khổng lồ thốc về cuốn trôi tài sản, ruộng vườn, kéo theo là đất vườn của trên chục hộ dân. Nhà của chị Nguyễn Thị Huệ, anh Nguyễn Văn Long, Nguyễn Sỹ Kỳ… bị lở tận móng, phải bỏ của chạy lấy người. Vườn nhà ông Hán Duy Tùng bị lở chiều dài 70m, chiều rộng 50m, cuốn trôi 30 cây bưởi, 20 cây mít cổ thụ. Cứ đà này, nếu khúc sông không được kè thì chắc chắn mùa lũ tới nhà tôi cũng xuống sông luôn”.
Chủ tịch UBND xã Hương Trạch Trần Xuân Lý buồn bã nói: “Bây giờ mỗi khi mùa lũ đến chúng tôi cứ nơm nớp lo âu, không biết di dời dân đi đâu. Nếu nhỡ sự cố vỡ đập xảy ra, chúng tôi là địa phương gánh chịu thảm họa nặng nhất”.
Mong ước... một lời nguyền!
Đấy là lời khẩn cầu của hầu hết dân chúng sống khắc khoải, lo âu dưới hạ du đập thủy điện Hố Hô. Bởi nếu cho họ một điều ước, họ sẽ chọn điều ước đó bằng một lời nguyền, không còn nhà máy thủy điện Hố Hô để cuộc sống được bình yên trở lại.
Thủy điện Hố Hô có địa hình khá đặc biệt, thân đập chắn ngang giữa hai vách núi, vì thế nên không thể bố trí được tràn xả lũ như những công trình thủy lợi, thủy điện khác. Ở các công trình khác, khi nước đạt đến cao trình thiết kế, nước sẽ được thoát qua tràn xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cho công trình. Tuy nhiên, đối với Hố Hô, khi lũ đổ dồn về, nếu các cửa van không mở kịp, lũ sẽ tràn băng qua mặt đập, đỉnh lũ sẽ vượt quá tần suất trên cao trình 72m, gây xói lở thân đập, nguy cơ vỡ đập là rất cao. Theo quan sát của chúng tôi, đến thời điểm này, công trình vẫn chưa cải thiện được hệ thống tràn xả lũ, vẫn nguyên với thiết kế cũ.
Với thực tế trên, việc tắc cánh cửa van xả lũ, dẫn đến nước lũ tràn qua mặt đập, gây nguy cơ vỡ đập luôn có thể xảy ra. Những lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Nguyện vọng tha thiết của bà con sống trong vùng hạ du, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh là, nếu không thể đảm bảo an toàn hồ đập, thì tốt nhất, đừng tích nước!
Nguyện vọng tha thiết của bà con sống trong vùng hạ du, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh là, nếu không thể đảm bảo an toàn hồ đập, thì tốt nhất, đừng tích nước! |
Theo Anh Bình kinhtenongthon.com.vn