Cảnh sát đường thủy kiểm tra phương tiện để chở trẻ em đi học
Trong những năm gần đây, đuối nước ở trẻ em đang có chiều hướng gia tăng, theo báo cáo trong 10 năm có trên 30.000 trẻ em ở mọi lứa tuổi bị tai nạn đuối nước. Nhiều vụ đuối nước rất thương tâm, làm nhiều em chết một lúc, điển hình vụ mới đây nhất xảy ra ngày 30-7 tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh làm 2 em Lê Thu Thảo (12 tuổi) và Võ Thị Bảo Ngọc (13 tuổi) cùng một số bạn rủ nhau ra ao tôm gần nhà tắm. Không may Thảo và Ngọc sẩy chân rơi xuống hố sâu và bị nước cuốn trôi. Trước đó 10 ngày, tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, khi vợ chồng anh chị Trần Thị Huệ (SN 1986) và Đặng Văn Sửu (SN 1982) vắng nhà, 3 người con của anh chị Huệ là Trần Thị Thu Hoài (8 tuổi); Đặng Trần Tuấn Anh (5 tuổi) và Đặng Thị Thùy Giang (3 tuổi) rủ nhau ra sông Ngàn Sâu tắm bị nước cuốn trôi và đã tử vong.
Cả nước có 701 xã, phường, thị trấn, 3.133 trường học với tổng số 72.467 trẻ em đến trường bằng phương tiện thủy; 1.128 bến thủy, 1.828 phương tiện thường xuyên chở trẻ em đi học. Tình trạng bến và phương tiện không đảm bảo các điều kiện an toàn để chở trẻ em đi học còn diễn ra khá phổ biến.
Trẻ em chưa đủ tuổi điều khiển các phương tiện giao thông còn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa và ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trẻ em tham gia giao thông trên các phương tiện chở khách ngang sông, phương tiện chở người của gia đình thường hay đùa nghịch làm mất trọng tâm phương tiện dẫn đến chìm đắm. Ngày 23-7, nhóm học sinh ở TP.Vinh, Nghệ An rủ nhau xuống hồ nước trong chùa Phong Phạn (thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tắm nhưng không may ba em Trần Ninh Đức Anh, Nguyễn Hoàng Thịnh, Lê Quang Tuấn (16 tuổi, học sinh trường THPT Lê Viết Thuật, TP.Vinh) bị sẩy chân chết đuối...
Thời gian tới, Cảnh sát giao thông đường thủy sẽ triển khai nghiêm túc Chương trình hành động “Vì an toàn trẻ em trên sông nước” ở tất cả các địa phương gắn liền với Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” nhằm từng bước đưa văn hóa giao thông vào cuộc sống, đồng thời có những hoạt động cụ thể, thiết thực giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em.