Nước thải từ nhà máy Trường An tràn qua cả bể lắng tuồn ra ngoài môi trường
Có mặt tại khối phố Tiền Tiến (phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh) thời điểm sau Tết Nguyên đán 2018, nơi có nhà máy giấy Trường An đóng chân. Phía sau nhà máy, hệ thống xả thải chình ình, chỉ cách nhà dân 1 con đường bê tông nhỏ vì thế ngày ngày người dân phải “giáp mặt” với hệ thống xả thải này.
Theo người dân địa phương, nhà máy giấy này đã tồn tại và sản xuất hàng chục năm nay. Ban ngày, tiếng ồn phát ra từ máy móc khiến cuộc sống người dân không khi nào được yên ổn. Mỗi khi nhà máy sản xuất nhiều, nước thải, phẩm màu tràn cả ra ngoài môi trường, bốc mùi hóa chất nồng nặc. Phía dưới chân tường có hệ thống đường ống dẫn nước chằng chịt nhưng nước thải vẫn được dẫn ra bằng 1 mương máng nhỏ, có màu hồng đỏ, bốc mùi khó chịu. Bức tường ngăn cách giữa nhà máy với khu dân cư chỉ lưng chừng nên khói, bụi, mùi hóa chất dễ dàng phát tán vào khu dân cư.
Ông Trần Hậu Bản (khối phố Tiền Tiến), cách nhà máy Trường An hơn 5m bức xúc phản ánh: Ở đây chúng tôi phải hứng chịu tiếng ồn, khói, bụi, mùi hôi thối bốc lên hàng ngày. Đây là một sai lầm của chính quyền về vấn đề quy hoạch, đã có nhà máy nhưng vẫn sắp xếp cho dân ở xung quanh, không có khu công nghiệp riêng biệt vì thế người dân nơi đây phải “sống chung với ô nhiễm” bao lâu nay.
“Chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền phường, thành phố và qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đề nghị di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư rất nhiều lần nhưng đến giờ vẫn chưa có phương án giải quyết cụ thể”, ông Bản bày tỏ.
Cũng theo ông Bản, khi dân phản ánh, nếu nhà máy khắc phục bằng cách xây hàng rào chắn, cải tạo khu vực xả thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho dân thì dân còn chịu được. Đằng này nhà máy không hề quan tâm đến việc nâng cấp, cải tạo hệ thống xả thải, đảm bảo môi trường, khiến người dân càng bức xúc hơn.
Sống gần nhà máy giấy Trường An lâu ngày, người dân ở đây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là người già và trẻ em. “Chúng tôi lớn tuổi rồi có thể chịu được, chỉ sợ con em sau này sẽ bị ảnh hưởng. Mỗi ngày xả ra 1 – 2 lần, mùi nước thải bốc ra như mùi amoniac, chúng tôi phải đóng cửa suốt ngày không dám mở”, anh Nguyễn Đức Long phản ánh.
Hệ thống nước thải của công ty TNHH Trường An sau khi được xử lý sơ sài dẫn ra môi trường bên ngoài, lẫn vào nước thải sinh hoạt người dân thành phố Hà Tĩnh. Những vùng đất sản xuất của người dân phường Nguyễn Du, Thạch Quý, Tân Giang…của thành phố Hà Tĩnh, nơi nước thải này chảy qua cũng không thể sản xuất được.
Giám đốc Công ty TNHH Trường An Lê Văn Quế cho hay, công ty thuê đất thời hạn 50 năm với UBND tỉnh Hà Tĩnh và được xây dựng vào những năm 1996 – 1997. “Nhà máy đến trước, dân về ở sau, thấy nhà máy ô nhiễm mà dân vẫn đến ở, giờ kêu thì việc của dân”, ông Quế nói. Về hệ thống xả thải, ông Quế khẳng định có hệ thống xả thải đảm bảo quy định về môi trường.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, Chủ tịch UBND phường Thạch Quý Điệp Văn Minh cho biết: Những năm trước, Công ty TNHH Trường An sản xuất mạnh, mỗi ngày làm 3 ca, gây ô nhiễm môi trường nên người dân phản ánh, kiến nghị lên chính quyền rất nhiều lần.
Mấy năm gần đây, công ty cắt giảm sản xuất nên có đỡ hơn. Hàng năm Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đều đến kiểm tra Công ty TNHH Trường An, phạt hành chính vì vi phạm môi trường và yêu cầu công ty phải khắc phục về nước thải, thau rửa bể lắng lọc…
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ nay đến năm 2020, không chỉ công ty Trường An mà các công ty khác cũng phải chuyển ra khỏi khu vực dân cư. Bản thân công ty này cũng đề nghị quy hoạch vùng khác để chuyển nhưng hiện tại tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Như vậy, do lỗi của việc quy hoạch nên nhà máy sản xuất giấy Trường An nghiễm nhiên nằm giữa lòng thành phố hàng chục năm, ngay cạnh khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của hàng chục hộ dân. Mặc dù tồn tại đã lâu, dân kiến nghị nhiều nhưng chính quyền Hà Tĩnh vẫn chưa có kế hoạch cụ thể khiến người dân càng bức xúc hơn.
Hạnh Nguyên
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn