Theo chân người bản địa dẫn đường, nhóm phóng viên ngang qua con suối nhỏ rồi bước sang một con đường mòn, dốc thẳng đứng để lên khu vực “lâm tặc” đại náo, nơi người dân vẫn quen gọi nơi đây là Hung Tro.
Con đường nhỏ nhưng len lỏi vào tận rừng sâu, đi được một lúc, người dẫn đường phải hú lên một tiếng để nếu có người trên rừng phóng gỗ xuống, họ sẽ nhận biết có người đi vào và dừng lại.
Đường mòn sâu hoắm do lâm tặc vận chuyển gỗ
Hơn 3h vượt con đường nhỏ dốc, nhóm phóng viên bắt đầu nghe thấy những tiếng máy cưa vang lên giữa đại ngàn, càng tới gần càng nghe rầm rộ…
Tiến sâu vào trong, nhóm phóng viên giật mình khi chứng kiến cảnh hàng chục cây gỗ cổ thụ (cây nhỏ nhất đường kính cũng đến 80cm, cây lớn đường kính tính vằng mét) bị hạ gục, nằm ngổn ngang giữa đại ngàn.
Sâu hơn nữa, hàng chục cây gỗ lớn bị xẻ thành những phách gỗ vuông lớn, thập chí có những cây vừa được đốn hạ thân vẫn còn ứa nhựa,…. Theo kinh nghiệm của người dẫn đường, những gốc cây bị đốn này đều thuộc nhóm gỗ quý, có giá trị kinh tế cao như lim, táu, trường... Quang cảnh khu rừng phòng hộ nơi biên giới thật chẳng khác nào một “đại công trường” khai thác gỗ!
Rất nhiều gốc cây có đường kính cả mét bị “lâm tặc” triệt hạ
Những phách gỗ vuông vức bằng đường cưa chuyên nghiệp
Lập đoàn kiểm tra, có cứu được rừng thiêng?
Xem những hình ảnh rừng bị tàn phá được phóng viên ghi lại, ông Đinh Thanh Xuân - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa thừa nhận: “Những hình ảnh phá rừng thuộc tiểu khu 124 thuộc ban quản lý, sau khi nhận được phản ánh chúng tôi chỉ đạo công tác kiểm tra”.
Theo ông Xuân, do điều kiện của người dân đang khó khăn nên “có thể họ tự ý vào rừng chặt xây để về làm nhà hoặc bán lấy tiền. Khi vào kiểm tra thì không bắt gặp nhưng khi không có lực lượng thì họ khai thác. Mặt khác, họ dùng máy cưa nên rừng bị tàn phá rất nhanh, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý của ban”.
Vị Giám đốc BQL rừng Minh Hóa phủ nhận thông tin về việc có “đầu nậu” đứng sau liên hệ với người dân địa phương vào khai thác và sau đó thu mua gỗ khai thác được.
Trong khi đó, ông Bùi Anh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa khẳng định rằng, “huyện rất quan tâm đến khu rừng phòng hộ và đã tổ chức nhiều đoàn liên ngành kiểm tra”. Tuy nhiên, vị Chủ tịch huyện chưa nắm được tình trạng rừng phòng hộ bị tàn phá, sau khi tiếp nhận hình ảnh từ phóng viên, huyện sẽ tổ chức đoàn vào kiểm tra và có phương án xử lý.
Phản ánh sự việc đến ông Phạm Hồng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, ông Thái thừa nhận những hình ảnh mà phóng viên đã ghi lại thì “không thể sai được” và cho biết sẽ thành lập đoàn liên ngành vào kiểm tra, khi có kết quả sẽ có báo cáo cụ thể và xử lý nghiêm theo mức độ vi phạm.
Đoàn người gùi gỗ đi ra khỏi khu rừng
“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết rừng bị phá!”
Còn nhớ, tại Hội nghị Tăng cường công tác bảo vệ rừng được tổ chức ngày 14/10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Không thể xảy ra phá rừng trên địa bàn anh, xã, huyện, tỉnh anh mà không biết, cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết rừng bị phá!".
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị cần đánh giá đúng thực trạng của công tác bảo vệ và phát triển rừng nhất là những hạn chế, yếu kém, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực, khả thi để bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên. Từ đó, các ngành, địa phương phải chỉ ra trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng.
"Chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng, rồi quyết tâm chỉ đạo của tỉnh uỷ, uỷ ban rất lớn, nhưng nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, mà cấp uỷ chính quyền chưa đề cao vai trò trách nhiệm chỉ đạo trong vấn đề này"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh việc bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng.
"Không thể xảy ra phá rừng trên địa bàn anh, xã, huyện, tỉnh anh mà không biết, cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết rừng bị phá!" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong Hội nghị bàn về công tác bảo vệ rừng. Trong ảnh là một trong số những thân cây gỗ quý vừa bị đốn hạ tại Rừng phòng hộ Minh Hóa
Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Các địa phương tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và bán quyền phát thải các bon, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên. Từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất rừng, nhất là phòng hộ đầu nguồn, ven biển.
Trở lại sự việc phá rừng đang diễn ra ở rừng phòng hộ Minh Hóa cho thấy, khu rừng này là rừng tự nhiên thuộc lâm phận quản lý của Lâm trường Minh Hóa - rừng phòng hộ Kvàng đã được đóng cửa rừng từ lâu và nghiêm cấm mọi hình thức khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng lâm sản trong rừng này… Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, trong một khoảng thời gian, khu rừng bị xâm phạm, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép ra ngoài nhưng lực lượng bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn?
Và trong khi chờ cơ quan liên quan “lập đoàn kiểm tra” thì bên trong khu rừng phòng hộ tự nhiên kia, những cây gỗ đại thụ, quý hiếm có thể vẫn bị đốn ngã, cảnh gùi gỗ từ rừng ra ngoài vẫn đông như trẩy hội… Máu rừng vẫn chảy? Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước nhân dân về tình trạng này?
Báo Đời sống và Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn