Quan xã tự nghĩ ra kiểu thu phí "lạ đời"?

Thứ bảy - 10/06/2017 13:00
Xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa đình chỉ việc thu phí “lạ” đối với các xe cơ giới thì xã Hương Vĩnh huyện này lại tiếp tục tái diễn. Phải chăng cơ quan chức năng đang buông lỏng quản lý?

Các xe ô tô chở hàng qua cổng chào xã phải nộp một khoản phí 100.000 đồng/chuyến (ảnh: TH)

Phải mua phiếu mới qua cổng làng

Sau khi Báo Infonet nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp (DN), cá nhân có phương tiện xe cơ giới tham gia tại xã Hương Vĩnh (huyện Hương Khê) về việc UBND xã này đề ra một loại phí không rõ ràng để ép các DN, cá nhân phải đóng. Cụ thể, mỗi xe ô tô, xe thồ… khi vào xã, muốn ra khỏi cổng chào phải nộp số tiền phí 100.000 đồng/chuyến xe.

Anh Nguyễn Văn V (trú tại TP.Vinh Nghệ An) giải thích, khi xe tôi thu mua keo tại xã, muốn ra khỏi cổng chào tôi thì phải nộp lệ phí. Cụ thể, phải mua tờ phiếu in sẵn mệnh giá 100.000 đồng/chuyến xe, phiếu đó gọi là phiếu thu phí. Còn phí gì thì tôi không biết, mà có biết thì cũng chả hiểu. Chỉ biết rằng có nộp tiền thì mới được ra khỏi cổng làng.

Muốn qua cổng chào xe chở hàng hóa phải dừng lại nộp phí cho công an xã (ảnh: TH)

Chiều 26/5, PV Infonet đã có mặt tại “trạm” thu phí cổng làng xã Hương Vĩnh để nắm bắt tình hình. Tại đây, hàng loạt các xe cơ giới ra vào cổng tấp nập. Cánh lái xe đều cho biết, cứ một chuyến xe ra khỏi cổng, phải mua ngay lá phiếu 100.000 đồng. Ai ra vào nhiều, vận chuyển nhiều thì tính đầu xe mà nộp phí.

Điều lạ, tại cổng làng không hề có một trạm thu phí hay sào chặn xe, chỉ thấy một chiếc cổng làng to sừng sững. Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng, chiều tối, có một đội công an xã túc trực tại vị trí, khi có xe qua cổng thì ra lệnh lái xe dừng lại, chìa ra (hoặc mua tờ phiếu) phí mệnh giá 100.000 đồng. Nếu không thực thi, buộc lực lượng công an giữ xe lại, không cho ra khỏi cổng làng.

Anh Nguyễn Văn A (trú tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, bất cứ một xe chở hàng nào, có trọng tải lớn muốn ra, vào xã thì phải nộp phí. Phí đó sẽ quy chuẩn thành một lá phiếu, tổng hợp các loại phí như, phí nộp tiền đường, cầu, bảo vệ tài nguyên, phí mua keo… với số tiền 100.000 ngàn đồng/chuyến xe.

Còn một người dân địa phương thì phản ánh, đâu chỉ xe ô tô vận chuyển tràm, keo phải nộp phí mà ngay đến anh xe thồ, xe kéo khi vào xã, qua cổng chào cũng phải nộp phí, bằng một tờ phiếu thu.

Đóng vai người đi mua phiếu?

Để biết số lá phiếu thu phí 100.000 đồng là phí gì, tờ phiếu đó hình thù thế nào? PV đã đóng vai người đi mua phiếu, lệ phí tại xã để nắm rõ vấn đề. 

Tại đây, chúng tôi gặp cán bộ kế toán, anh này chỉ cho tôi qua gặp ông Trần Bá Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh để trao đổi. Nhìn chúng tôi bằng ánh mặc nghi hoặc, ông Hùng hỏi "các cô ở đâu, vào đây vận chuyển hàng gì?". PV trả lời người Nghệ An, đến thu mua keo. Ngay lập tức vị Phó chủ tịch đáp, vậy cô mua bao nhiêu ha keo, chúng tôi sẽ quy ra số lượng xe mà tính phí.

Để hợp thức hóa phí nộp tiền đường, xã này đề ra cái tên "Phiếu thu phí bán keo" (ảnh: TH)

Tính bình quân một xe là 100.000 ngàn đồng. Nếu cô mua ít, thì không cần mua phiếu trước. Khi nào xe ra khỏi cổng chào thì chỉ cần gọi theo số điện thoại di động của tôi 0986.919… tôi sẽ cho người trực tiếp đưa phiếu, nộp tiền là được.

PV phân trần muốn mua phiếu trước, để thuận tiện đi lại, cũng như làm cơ sở để về thanh toán tiền tại cơ quan thì ông Hùng từ chối rồi bảo, mua số lượng ít thì không cần phiếu, “tiền trao cháo múc”, chuyến nào nộp phí chuyến đó. Ông nói thêm, phiếu thu phí đơn giản, giống như hóa đơn đi ăn nhà hàng, uống café, không có dấu đỏ? Khi tôi thắc mắc, 100 ngàn đồng là phí gì, ông nói đó là phí tài nguyên môi trường.

Khác với PV, ông P.V.T (55 tuổi, huyện Hương Khê), lái buôn thu mua keo cho biết, ông phải mua phiếu trước. Một lần mua 20 phiếu/2 triệu đồng. Cứ một chuyến xe ra, vào xé 1 phiếu. Một ngày có lúc đi 10 chuyến xe, xé mất 10 phiếu, mất đi 1 triệu đồng/ngày.

Để làm bằng chứng, ông T đưa cho tôi xem một xếp 20 lá phiếu (đã nộp phí qua cổng chào mất 9 phiếu) cùng hóa đơn thanh toán tại xã. Phiếu thu tiền ghi rõ “Phiếu thu lệ phí bán keo” ngày 4/5/2015, các tổ trực kiểm tra thu giữ phiếu quyết toán với Tài chính-ngân sách trong tháng trực. Mệnh giá mỗi phiếu 100.000 đồng/chuyến xe ra vào cổng.

Ông T cũng nói, lâu nay chúng tôi bức xúc vì xã đề ra loại phí ngớ ngẩn để “hành” các lái buôn. Phiếu thu lệ phí bán keo chẳng qua hợp thức hóa lệ phí tiền đường, tức phí đường bộ để che mắt “thiên hạ” mà thôi. Chúng tôi buôn bán, làm ăn tại địa phương thì phải nhắm mắt chấp thuận, nộp tiền cho xong. Chống lại thì chỉ thiệt thân?

Lá phiếu có mệnh giá 100 ngàn đồng là phí gì? Cán bộ xã bảo phí tài nguyên, người dân địa phương nói phí đường bộ, lái buôn lại bảo phí bán keo? Cuối cùng phí đó là phí gì? Cần một câu trả lời xác thực từ cơ quan chức năng huyện Hương Khê?

Do không lập sào nên khó quản lý?

PV đêm thắc mắc này, hỏi ông Dương Ngọc Anh, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hương Khê nói ngay, chả có loại phí nào có tên “phí bán keo” cả. Khả năng xã thu phí đường bộ. Tuy nhiên, về cấp quản lý nhà nước việc thu phí cá nhân thì chúng tôi không thuộc thẩm quyền.

Còn ông Đặng Tuấn Anh, Trưởng phòng Tài chính – kế hoạch huyện Hương Khê khẳng định, không có danh mục nào mang tên “Lệ phí bán keo”. Có thể đó là một loại phí mà xã tự nghĩ ra, nhằm mục đích thu ngân sách cho xã. Phí này xã chưa hề đề xuất lên huyện, thông tin này giờ phía huyện mới biết khi báo chí phản ánh. Nếu có thực tế chuyện xã tự động thu phí các xe cơ giới ra vào, chúng tôi sẽ cho đoàn về kiểm tra, xử lý nghiêm.

PV hỏi các lái xe ra vào cổng chào của xã Hương Vĩnh đều nhận được câu trả lời, tất cả xe ra, vào đều phải nộp phí (ảnh: TH)

Trước đó, tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê khi báo chí phản ánh việc xã này tổ chức chặn xe thu phí “lạ” trên đường làng với số tiền 150.000 đồng/chuyến xe, thì ông Ngô Xuân Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện trả lời, việc thu phí tại xã như thế là trái pháp luật. Huyện đã yêu cầu dừng ngay việc thu phí. Tổng số tiền thu được là bao nhiêu, sử dụng như thế nào, cần làm rõ, nếu trái pháp luật thì có thể truy tố. Ngay sau đó, việc thu phí tại xã Lộc Yên buộc phải chấm dứt.

Bản thân ông Đặng Tuấn Anh cũng phân trần, nếu xã đặt chốt, sào chắn thu phí xe qua lại thì dễ phát hiện, quản lý. Tuy nhiên, như hai xã Lộc Yên, Hương Vĩnh lại chỉ cho người đứng ra thu tiền thì rất khó cho huyện về nắm bắt thông tin và xử lý.

Khi mà việc thu phí “lạ” vừa chấm dứt tại xã Lộc Yên thì xã Hương Vĩnh vẫn tiếp diễn. Phải chăng cơ quan chức năng của huyện Hương Khê đang buông lỏng quản lý về các loại thuế, phí ở các xã?

Infonet sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Theo Trương Hoa  Infonet

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây