“Hạ cánh không an toàn” là cụm từ được sử dụng khá nhiều trong thời gian gần đây, nhưng không phải với nghĩa một cuộc “tai nạn giao thông” nào xảy ra. Mà cụm từ này được hiểu là việc “quan chức” về hưu nhưng phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra khi còn đương chức.
Có thể điểm lại một vài vụ việc liên quan đến chuyện quan chức “hạ cánh không an toàn” như: ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Liên quan đến sự cố Fomosa nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bị cảnh cáo; hai nguyên Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai bị xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011- 2015, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự cũng bị cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy và xóa tư cách nguyên chủ tịch Hà Tĩnh... và mới đây nhất là ông Lê Quang Thung nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật…
![]() Cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam vừa bị khởi tố khi đã nghỉ hưu. Ảnh: vietnamnet.vn |
Các “quan chức” kể trên có thể khác chức vụ, quyền hạn… khi còn đương chức nhưng lại có điểm chung là đều bị phát hiện những sai phạm khi đã nghỉ hưu. Nghỉ hưu không phải là khoảng thời gian thanh thản, an nhàn tuổi già sau mấy chục năm đi làm.
Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 đã có quy định nguyên tắc xử lý tham nhũng: "Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện". Tuy nhiên dường như chúng ta vẫn chưa có “tiền lệ” xử lý “người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu” như Luật đã quy định cho đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017 với vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng.
Bắt đầu từ việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng dường như đã mở ra một tiền lệ xử lý người vi phạm ngay cả khi đã nghỉ hưu.
Những sai phạm của quan chức được phát hiện và xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước kể cả khi đã nghỉ hưu sẽ xóa bỏ quan niệm “tư duy nhiệm kỳ”, “hạ cánh an toàn”. Quan chức không thể cậy khi còn đương chức, quyền sinh quyền sát nằm trong tay mà coi thường pháp luật, để xảy ra những sai phạm rồi sẽ “vô can” khi hết quyền chức và nghỉ hưu. Nghỉ hưu không được coi là mốc thời gian xuê xoa kiểu “ốm tha, già thải” mà bỏ qua những sai phạm. Chính bởi nhiều người có quan niệm khi quan chức về hưu, không còn quyền lực trong tay nên không cần xử lý nên có thể đã khiến những tháng ngày cuối nhiệm kỳ mắc hàng loạt sai lầm; bổ nhiệm ồ ạt vây cánh, con cháu, vun vén của cải cho cá nhân bằng mọi cách để khi rời xa quan trường đem ra hưởng.
Việc xử lý sai phạm của quan chức ngay cả khi đã về hưu đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc cho những cán bộ đương nhiệm. Rằng một khi đã làm sai thì trước sau gì bản thân cũng phải chịu trách nhiệm. Sai phạm không thể tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi, càng không phải là hạt cát hay hạt bụi lẫn vào đâu đó và có thể dễ dàng bị phủi đi, bị quên đi, cho qua.
Còn một điều sâu xa nữa, nếu những sai phạm của các “quan chức” nếu không bị phát hiện và đưa ra ánh sáng thì trong mắt quần chúng nhân dân và nhiều người, có thể họ vẫn cho rằng đó là những vị quan tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao khi còn đương chức. Và rất có thể dù đã nghỉ hưu nhưng trong mắt nhiều người họ vẫn được “nể trọng”. Nhưng khi những sai phạm được đưa ra công luận thì sự phẫn nộ, “búa rùi dư luận” dường như trở thành hình phạt cũng không kém phần nặng nề dành cho các cựu quan chức.
Các vụ việc xử lý các cán bộ vi phạm trong thời gian qua đã thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị trong công tác chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Từ người có vi phạm trong quá khứ dù đang đương chức, người đã được luân chuyển, đến người đã về hưu… đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhân dân, để xóa bỏ cụm từ “hạ cánh an toàn”, để khẳng định không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng.
![]() Ảnh minh họa/congannghean.vn |
Vẫn biết không ai vui mừng khi phải nhìn những người từng là quan chức bị kỷ luật, xóa bỏ tư cách, khai trừ hay cách chức… nhưng nếu không xử lý nghiêm khắc, dung dưỡng, thỏa hiệp với cái sai là tiếp tay cho sai phạm, cho tham nhũng, cho những ung nhọt để mức độ sai phạm ngày một tăng tiến.
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Từng đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm, và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa”.
Tổng Bí thư cũng khẳng định sự nghiêm khắc trong việc xử lý vi phạm: Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn