ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, trước khi nhập viện 2 tuần, bệnh nhân bị sốt liên tục.
Sau khi đi khám tại các bệnh viện, điều trị nhưng không hiệu quả, bệnh nhân vẫn sốt dai dẳng. Đến ngày thứ 10 sốt, bệnh nhân bị khó thở do viêm phổi nặng.
Ngay sau khi xác định bệnh nhân sốt kéo dài, viêm phổi do bị ấu trùng mò đốt, bệnh nhân đã được điều trị thuốc đặc hiệu, nhưng do tình trạng viêm phổi nặng không tiến triển nên được chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Theo BS Cấp, trong những năm trước đã có người tử vong vì côn trùng đốt. Vị trí côn trùng đốt thường rất kín như: Nách, chân tóc, vùng kín…Nhiều người chủ quan với vết côn trùng đốt, không để ý nên để lại hậu quả.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện sau khi sốt dai dẳng cả chục ngày điều trị không khỏi bệnh.
Bác sĩ Cấp cho biết, côn trùng cắn và đốt có thể chia thành 2 nhóm: độc và không độc. Nhóm côn trùng gây độc chúng tiêm chất độc tố qua vòi của chúng, gây đau đớn. Trong khi côn trùng không độc cắn da để hút máu, thường gây ngứa dữ dội.
Vết côn trùng đốt trên người bệnh nhân
Hầu hết khi mọi người bị côn trùng cắn hoặc đốt đều gây ra một phản ứng nhẹ. Côn trùng độc đốt thường gây ra một cảm giác châm chích hoặc đau, tấy đỏ và sưng tại chỗ. Ngứa thường không phải là một mối quan tâm. Một số người nhạy cảm với nọc độc của côn trùng, cảm giác đau nhói, có thể gây ra một phản ứng dị ứng trầm trọng được gọi là sốc phản vệ, có thể dẫn đến phù nề, khó thở và ngứa phát ban toàn thân. Điều này có thể đe dọa tính mạng cần phải được quan tâm và điều trị kịp thời.
Côn trùng cắn không độc gây ít triệu chứng hơn, nhưng ngứa, khó chịu cường độ cao (da nổi sẩn mề đay). Tại các vết cắn có thể xuất hiện màu đỏ, có thể là nốt bỏng giộp. Chỗ da này dễ bị vỡ tạo nên vết thương hở gây nhiễm trùng và sẽ lâu lành.
BS Cấp khuyến cáo, trong hầu hết các trường hợp côn trùng cắn đốt, thường chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ như đau ngứa, sưng đỏ… và sẽ tự khỏi trong vài giờ mà không để lại di chứng. Một số rất ít bị cắn nặng, có phản ứng lan tỏa với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức, cần rửa sạch vùng bị cắn đốt, chườm lạnh...
Bệnh nhân bị côn trùng đốt ở ngực
Nếu ngòi còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra (có thể dùng nhíp nhổ, móng tay...), không để nguyên vòi trong da vì sẽ làm chất độc tiết ra nhiều. Nếu côn trùng còn bám thì có thể dùng một cây nhang hay một điếu thuốc cháy dở hơ sát vào chúng. Cũng có thể dùng các chất như cồn, xăng, dầu nóng... nhỏ một giọt vào chúng.
Bên cạnh những phản ứng tại chỗ, với một số người còn có thể bị dị ứng toàn thân như phù môi, mắt, nổi mày đay, co thắt phế quản, sốt… Nặng nhất là sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng. Những phản ứng này bắt buộc phải điều trị trong bệnh viện. Nếu để quá 6 giờ sau khi bị cắn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn