Những người lao công ẩn mình trong ngày phụ nữ Việt Nam

Thứ bảy - 10/06/2017 15:49
Trong khi cả nước đang vui mừng chuẩn bị chào đón ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 thì những người lao công lại lặng lẽ với công việc của mình, thu gop lại những gì tàn dư còn đọng lại trong những ngày lễ.

Chị lao công miệt mài quét rác trong đêm tối.


Cơn gió đầu mùa se lạnh, điều đó cũng khiến cho mọi người chạy trên đượng muốn nhanh chóng trở về căn nhà nhỏ thân thương của mình để được sưởi ấm. Nhưng với những người làm công tác vệ sinh đường phố thì đó chính là lúc họ phải phá tan cái lạnh giá bên ngoài để bắt đầu công việc của mình.


Mỗi sáng mai thức dậy, đi qua những con đường quen thuộc vắng bóng lá cây, rác bẩn nhưng ít ai biết rằng, sự hi sinh thầm lặng của những người làm dâu trăm họ ấy, vì tận tâm với việc của phố phường mà có những nghĩa vụ không thể làm tròn trong gia đình.

Đối với những cô lao công, vào những dịp nghỉ lễ mọi người quây quần bên gia đình hoặc tổ chức những chuyến đi chơi, những buổi tiệc linh đình, và sau khi những ngày lễ kết thúc thì thứ có thể được xem là nhiều nhất có lẽ là rác. Khắp con đường ngõ ngách, trên cách bồn hoa cây cảnh rác bẩn tràn ngập khắp nơi.

Hình ảnh các chị lao công quét rác không kể đêm, ngày, lúc mưa gió hay khi trời đổ nắng chang chang, giữa sự ồn ào, bụi bặm của đường phố hay những im lặng đáng sợ về đêm… khi cả thành phố hối hả với những bộn bề đời thực hay chìm sâu trong giấc ngủ dài, đâu đó, trên những con đường những người lao công vẫn lặng lẽ kéo xe dọn rác tản đi khắp nơi. Họ âm thầm dọn sạch đường phố, tỉ mẩn nhặt từng cọng rác dính bết vào vỉa hè, lòng đường rồi vui vẻ ra đi khi thấy phía sau mình là một quãng đường tinh tươm, thoáng sạch.

Đặc thù công việc của họ là như vậy, cặm cụi trên đường phố khi người người nhà nhà đang đi chơi. Nhưng giá như mỗi người để ý hơn, rác xả ít đi, thì có lẽ công việc quét dọn sẽ bớt cực nhọc, mệt mỏi hơn rất nhiều.

Đối với các chị, những bông hoa lớn nhất dành tặng cho mình vào ngày phụ nữ 20/10 có lẽ là mong muốn ý thức của mọi người cao hơn, để đường phố luôn được sạch sẽ và công việc hàng ngày của các chị sẽ đỡ vất vả hơn phần nào.

Nhìn hình ảnh những chị lao công quét rác lọt thỏm giữa dòng xe cộ, những chuyến xe buýt tấp nập người lên xuống, những chiếc taxi đón trả khách vô tội vạ, những chiếc xa máy vội vàng chạy ngang qua...., chúng ta mới thấy thêm sự gian nan nhọc nhằn của nghề quét rác.

Các chị đã không quản ngày đêm, lặng thầm quét dọn trên mọi ngả đường, các con hẻm, các khu dân cư trong thành phố. Nhưng họ cũng chính là những người gặp không ít rủi ro và khó khăn, phức tạp khi phải thức khuya, dậy sớm. Nhìn những công việc tưởng chừng như đơn giản đó nhưng không hề dễ dàng, những chiếc chổi tre nặng trịch, hay mùi hôi thối của rác cứ bốc lên nồng nặc. Ấy vậy mà công việc mệt nhọc đó không những ít được ai quan tâm để ý đến đã đành, thậm chí họ còn kỳ thị, chê bai cái chị, cho rằng đây là công việc bẩn thỉu, nhớp nhúa.

Những chiếc xe đầy rác được các chị tập kết lại để mang đi tiêu hủy.

Chị L. một người làm công việc quét rác đã 14 năm nay cho biết, khác với những nghề nghiệp khác được ăn mặc đẹp đẽ, quần áo sạch sẽ khi ra đường, chứ các chị lúc nào cũng trùm kín trong những bộ đồ bảo hộ cũ kỹ. Vì làm việc đã lâu, mình cũng quen dần chứ khi mới bắt đầu hàng ngày phải tiếp xúc đủ với các loại rác có hôm về nhà chị không thể ăn được cơm, thậm chí tắm rửa sạch sẽ rồi mà cũng cảm giác vẫn chưa hết mùi.

Lau ngang giọt nước mắt chị kể, đó là chưa kể khi mình mới bắt đầu làm công việc này, đi ra ngoài con cái cũng không dám nói với bạn bè mẹ mình làm việc gì vì sợ bị các bạn cười chê, xa lánh. Bên cạnh đó là những căn bệnh nghề nghiệp như: viêm mũi, đau khớp, đau mắt…Dù mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo nhưng các công nhân vệ sinh môi trường vẫn vui vì được góp sức làm đẹp phố phường. Bình minh bắt đầu hé sáng, lại một ngày mới nữa bắt đầu lúc đó mới là lúc mà chị được thay ca.

Khi hỏi đến ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 gần đến chị có dự định hay gia đình tổ chức gì không khi khắp mọi nẻo đường tràn ngập hoa, mọi người thay phiên nhau nhận các lời chúc, thì chị Hương một nữ lao công khác cho hay, đối với các chị việc sớm hoàn thành công việc để về lo cuộc sống gia đình thế là vui rồi khi mà công việc của chị cũng không có gì thay đổi

Đúng đối với những con người làm việc chân tay như các chị thì chồng con không nhớ đến thì họ cũng không bao giờ biết đến những ngày lễ là gì, những bó hoa hay món quà đối với họ quả thật là quá mơ mộng.

Tôi chợt nhận ra, không chỉ riêng với các chị làm công việc lao công vất vả mà riêng người mẹ của mình những người làm công việc chân tay mệt nhọc, chắc trong đời cũng chưa một lần được nhận một bó hoa hay một món quà gì, là một người nông dân thật thà chất phát mẹ chỉ biết chăm lo cho cuộc sống gia đình chồng con, để rồi các ngày lễ mẹ cũng chỉ biết lẳng lặng cho qua như bao ngày bình thường khác.

Theo Diễm Phước Đời sống & Tiêu dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây