Thượng tướng Hoàng Cầm là người thương binh mang thẻ số 001 và sổ phụ cấp thương tật mang số 001, cấp ngày 18-8-1958 do Bộ trưởng Bộ Thương binh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Vũ Đình Tụng ký.
Sau này, năm 1995, khi có nhà báo phỏng vấn Thượng tướng Hoàng Cầm về trường hợp bị thương đầu tiên của mình, ông cười khà khà bảo: “Thời đánh nhau tôi nhiều lần bị thương nặng, có một lần đã chết nửa tiếng đồng hồ, anh em khiêng chạy về, nhưng vẫn không chết… Tổng kết lại, tôi bị thương đến 5 lần, nên giờ sức khỏe không được tốt lắm. Bù lại, tôi là người đi nhiều, làm việc không biết mệt, ăn uống chẳng kiêng cữ gì nhiều. Sáng nào tôi cũng thức dậy tập dưỡng sinh cho khí huyết lưu thông”.
Ông không muốn kể nhiều về mình, nhưng đồng đội cùng đơn vị thì nhớ rất rõ. Lần bị thương đầu tiên của ông vào tháng 7-1947, Đại đội 250 của ông nhận lệnh hoạt động ở vùng địch hậu Mộc Châu (Sơn La). Một hôm nhận được tin quân Pháp từ Hòa Bình mở cuộc càn quét lớn vào Suối Rút, Đà Bắc, Đại đội 250 tổ chức phục kích. Đơn vị đang xuất kích thì địch nã một tràng súng máy, ông thấy nhói ở cánh tay phải và ngất đi. Đồng đội tưởng ông đã chết nên lấy chăn gói kín, chuẩn bị mang đi mai táng. May sao, ông tỉnh lại, anh em òa khóc và xin lỗi ông. Vết thương quá nặng, tay phải ông bị liệt, không cầm bút được. Ông tập viết tay trái và từ đó về sau, mọi kế hoạch, văn bản tác chiến trong cuộc đời chiến đấu của mình, ông đều phê bằng tay trái.
Thượng tướng Hoàng Cầm (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh khác. (ảnh tư liệu) |
Hoàng Cầm là vị tướng rất có duyên với những trận đánh lớn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) trực tiếp bắt sống tướng Đờ Cát. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, Hoàng Cầm là Tư lệnh Quân đoàn 4 đánh mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiêu điểm quan trọng nhất, ác liệt nhất trên đường đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn; rồi chịu trách nhiệm tiếp quản dinh Độc Lập cùng nội các Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hoà. Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, Tư lệnh Hoàng Cầm là vị chỉ huy cao nhất có mặt đầu tiên ở thủ đô Phnôm Pênh khi cùng Quân đoàn 4 tiến sáng giải phóng nước bạn khỏi ách diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Sary…
Là vị tướng lẫy lừng trận mạc, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội nhưng Thượng tướng Hoàng Cầm không bao giờ quên kỷ niệm ấu thơ cùng quá trình được Đảng dìu dắt, trưởng thành. Ông tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Hà Tây. Mẹ mất năm tôi bốn tuổi, đến năm mười hai tuổi thì mất cha. Nhà có bốn anh em, do hoàn cảnh như vậy, mỗi người phân tán lưu lạc một nơi. Tôi đi ở cho người ta rồi làm thuê hết nhà này sang nhà khác. Cuộc sống vô gia cư của một anh nhà quê không đồng dính túi, buộc tôi phải đi lính khố xanh cho Pháp. Hai năm ở Lai Châu, rồi Việt Minh tuyên truyền, tôi tham gia hoạt động cách mạng. Từ Cách mạng tháng Tám tôi vào Cứu quốc quân, Vệ quốc đoàn… Cho nên, tại một cuộc họp mặt nhân kỷ niệm ngày thành lập Trung đoàn 209, tôi đã nói rằng: Tôi, một người lính-người lính từ khi còn chưa biết tình yêu là cái gì, đến nay đã trở thành một cụ già, chưa có lúc nào tôi cảm thấy ân hận vì sự lựa chọn đường đã đi của mình. Quân đội là trường học lớn-phải nói là trường đại học tổng hợp. Nếu có phép mầu cho tôi trở lại tuổi hai mươi, tôi vẫn dứt khoát chọn: Cuộc đời binh nghiệp!”.
Bên cạnh cuộc đời binh nghiệp vẻ vang, Thượng tướng Hoàng Cầm còn có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Ông kể, sau tháng 8-1945, ông về thủ đô Hà Nội, ông có quen một cô gái Hà Nội bán hàng tạp hóa. Hai người dự định tổ chức đám cưới, nhưng vì quân Pháp bao vây ráo riết, cô gái ấy đành ở lại Hà Nội. Ông lên Việt Bắc kháng chiến, sợ cô gái chờ đợi sẽ khổ, nên ông quyết định cắt đứt quan hệ. Đến sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, thấy ông đã 34 tuổi mà chưa có vợ, đồng chí Kim Ngọc (“cha đẻ” của khoán hộ gia đình trong nông nghiệp, nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú), mới “mai mối” ông với cô nhân viên ngành thuế có tên Thành Kiều Vượng- người bạn đời chung thủy của ông sau này. Ông bà cưới nhau năm 1955. Cả gia đình ông đều là lính. Bà nhà cũng là đại uý về hưu. Các con ông, nhiều người là sĩ quan cấp cao trong quân đội. Khi bà nhà sinh nhật tuổi 60, ông đã làm thơ tặng bà: “Đời em là một giấc mơ/Mơ chồng thắng trận, mơ cờ đảng viên/Chiến tranh mấy mươi năm liền/Mà em vẫn giữ bình yên như người/Đến nay tuổi đã sáu mươi/Năm con bảy cháu mừng vui bên bà/Tuổi em là tuổi con gà/Tuổi anh con khỉ nhưng mà đẹp đôi/Tuy rằng tóc bạc da mồi/Chúng ta vẫn giữ lứa đôi vẹn tròn/Còn trời con nước còn non/Có dân có đảng ta còn sống lâu”.
Ông làm khá nhiều thơ, để nhớ lại những đồng đội một thời trận mạc, để ngợi ca quê hương độc lập, tự do. Những người có may mắn được công tác với ông nói rằng, ông tiêu biểu cho một thế hệ tướng lĩnh tài năng của dân tộc, không chỉ có trái tim nồng nàn yêu nước mà luôn có một trái tim nghệ sĩ.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn