Năm 2018: Gọng kìm pháp lý vì môi trường sống an toàn

Thứ năm - 03/05/2018 01:08
LTS. Nhìn lại năm 2017, môi trường tiếp tục là một vấn đề bức xúc lớn của người dân. Tình trạng ô nhiễm do xả thải, sự xâm hại thiên nhiên làm suy giảm đa dạng sinh học ở nhiều vườn quốc gia, rừng đặc dụng... là những thách thức trong quá trình phát triển. Dự báo năm 2018 sẽ là năm bùng nổ xu hướng xây dựng các dự án du lịch, nghỉ dưỡng khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên. Trước thực trạng đáng báo động này, nhân dịp đầu năm 2018, Người Đô Thị mời các nhà khoa học và chuyên gia chính sách thảo luận về sự cần thiết đưa ra những giới hạn của việc khai thác thiên nhiên nhằm gìn giữ một môi trường sống an toàn cho hiện tại và tương lai.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), cho rằng có 5 vấn đề nổi bật khi nhìn lại môi trường sống năm 2017, qua quan sát từ thực tiễn, dư luận và chính sách của Nhà nước.

5 sự kiện tác động đến môi trường 

Ông Dũng nói: “Năm nay chúng ta tiếp tục chứng kiến các hệ lụy xã hội phức tạp, tiềm ẩn các rủi ro chính trị gắn liền với thảm họa môi trường biển miền Trung có liên quan đến Formosa; hay thậm chí ở quy mô nhỏ như tranh chấp sử dụng đất ở Đồng Tâm, Hà Nội, bất chấp các nỗ lực can thiệp mạnh mẽ từ phía chính quyền.

Thứ hai, là thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do lũ quét, ngập lụt, bão. Hệ lụy này, không chỉ do thiên tai hay biến đổi khí hậu, mà còn do các nguyên nhân chủ quan đã được nhấn mạnh nhiều năm nay: hệ thống rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy giảm, các dòng chảy tự nhiên của sông suối bị chặn bởi các công trình thủy điện, yếu kém trong vận hành xả lũ liên hồ chứa.

Thứ ba, các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM ngày càng phải đối mặt với môi trường sống đang trở nên kém hơn, do ô nhiễm không khí ở mức độ cao, triều cường dâng, thực phẩm bẩn; trong khi vấn đề xử lý rác thải nông thôn, làng nghề vẫn tiếp tục là các vấn nạn chưa thể giải quyết có hiệu quả.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới - quần đảo Cát Bà. Với quy hoạch hiện nay của Hải Phòng, dự kiến năm 2018 sẽ có rất nhiều dự án dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn được xây dựng rải khắp khu vực. Ảnh: LQ

Thứ tư, tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng và đa dạng sinh học trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng phòng hộ ven biển, đang đứng trước sức ép suy giảm do xu hướng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đại trà, kém bền vững và kém minh bạch trong quá trình quy hoạch và ra quyết định, như trường hợp Sơn Trà, Cát Bà và vùng duyên hải miền Trung...

Thứ năm, các lựa chọn đầu tư phát triển chiếm dụng nhiều đất như công nghiệp ven biển, nông nghiệp tập trung, thậm chí kể cả năng lượng tái tạo như điện mặt trời, cũng tiềm ẩn nguy cơ về tranh chấp quy hoạch, mâu thuẫn sử dụng đất và bất ổn xã hội trong tương lại do không đảm bảo an toàn về môi trường - xã hội”.

Xu hướng tất yếu

Dự báo năm 2018 sẽ là năm bùng nổ xu hướng xây dựng các dự án lớn về dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng ở những nơi vốn được xem là khu vực bảo tồn và gìn giữ. Vậy, nên nhìn nhận như thế nào về xu hướng này? Nó có phải là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội hiện đại?  

Ông Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra quy hoạch rừng: Tôi cho rằng, các dự án lớn về du lịch và nghỉ dưỡng dựa vào các giá trị thiên nhiên tăng là xu thế chung, vì giảm được một phần lớn vốn đầu tư, khi tài nguyên thiên nhiên là vốn có sẵn. Không cần đầu tư, nó đã có giá trị rất cao về cảnh quan, sinh thái, môi trường, về tính chất đặc trưng, đặc thù... Nếu làm bài toán đầu tư của con người để có được các giá trị tự nhiên đó thì sao? Phải mất hàng triệu năm, tự nhiên mới tự hoàn thiện để mang lại những giá trị vốn có, và cái giá trị đó không thể nói có tiền là có được. 

Vậy các nhà đầu tư dựa vào những giá trị này có phải là người thông minh không? Tất nhiên có, vì họ lợi dụng được những giá trị thiên nhiên đó, và họ biết rằng có nhiều tiền đến đâu cũng không tạo ra được các giá trị này. 

Lý do thứ hai, các giá trị tài nguyên thiên nhiên, bản thân chúng có thể tự duy trì, tái sinh, tái tạo, nên các nhà đầu tư hầu như không cần mất quá nhiều tiền và thời gian để tái đầu tư. Chỉ cần bảo vệ tốt là tài nguyên thiên nhiên phát huy giá trị, nên mang tính bền vững cao. 

Thứ ba, tình trạng đô thị hóa càng ngày càng tăng, các khu công nghiệp ngày càng mọc lên nhiều dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề. Điều này tất yếu dẫn đến tăng nhu cầu con người đi du lịch tại những nơi có môi trường trong lành, có sinh thái, cảnh quan tự nhiên hấp dẫn. 

Hiện nay, các chính sách của Nhà nước đã mở hơn và đang khuyến khích phát triển du lịch dựa vào giá trị tài nguyên thiên nhiên. Tôi cho rằng, những chính sách đó không sai, bởi con người là một trong những sản phẩm của tự nhiên và có quyền được hoà mình vào thiên nhiên, được chiêm ngưỡng và hưởng thụ những giá trị thiên nhiên ban tặng. Những giá trị thiên nhiên đó phải được khai thác và sử dụng cho nhu cầu của con người. Tuy nhiên, để sử dụng thế nào cho hợp lý, bền vững thì còn nhiều vấn đề phải bàn và nhiều việc phải làm.

Ông Nguyễn Việt Dũng: Đầu tư, phát triển du lịch đại trà hay du lịch sinh thái là một xu hướng tất yếu ở Việt Nam, dựa trên các lợi thế so sánh về điều kiện thiên nhiên cũng như đời sống kinh tế và mức độ tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở Việt Nam đang có xu hướng lạm dụng tài nguyên - chuyển giao một phần tài sản công là các khu di sản thiên nhiên, vườn quốc gia cho các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư kinh doanh du lịch, bất động sản, với nhiều thiếu sót về tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, sử dụng đất, từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư. 

Năm qua, bên cạnh cái tên Formosa Hà Tĩnh, bãi rác Hòn Rọ (Ninh Hòa, Khánh Hòa), rác Đa Phước,... nhiệt điện than Vĩnh Tân tiếp tục là một trong những cái tên nằm trong danh sách đen về vấn đề môi trường. Ngoài những ô nhiễm do xỉ than gây ra, thì vấn đề đổ bùn cát nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống khu bảo tồn Hòn Cau gần nhà máy đã để lại bài học, và đánh dấu sự thay đổi lớn trong nhận thức của xã hội và nhà hoạch định chính sách về vấn đề bảo vệ môi trường. Ảnh: LQ

Các diễn ngôn về phát triển du lịch sinh thái - văn hóa chỉ trên văn bản sau đó được thay thế bằng phát triển bất động sản và du lịch đại trà để thu lợi kinh tế nhanh nhất. Đó là lựa chọn phát triển kém bền vững, từng bước lạm dụng và chuyển hóa tài nguyên công thành tài sản tư nhân. Tình trạng này phản ánh không chỉ sự yếu kém của quản lý nhà nước, mà còn cho thấy một hệ thống quản trị tài nguyên - môi trường và phát triển thiếu minh bạch, hiệu quả. 

Quản lý phân mảnh, luật pháp chồng chéo 

Ngăn chặn việc lạm dụng tài nguyên đã được thảo luận trong quá trình sửa đổi nhiều bộ luật về môi trường như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng... Vậy, trong xu hướng phát triển trên, vào năm 2018, vấn đề quan trọng nhất cần nhìn nhận lại là gì, để tránh vấn nạn các dự án xâm hại tài nguyên thiên nhiên quốc gia, gây ô nhiễm môi trường như trong thời gian qua, và có thể xảy ra trong thời gian tới? 

Ông Nguyễn Quốc Dựng: Trước khi Luật Lâm nghiệp (tên trước đây là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng - PV) được thông qua, có nhiều thảo luận về vấn đề lạm dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch và nghỉ dưỡng. Chúng ta không thể “không quản được thì cấm”, mà cần có các giải pháp hài hoà giữa bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Tôi cho rằng, trong giai đoạn tới, về quản lý vĩ mô, cần phải thống nhất quản lý tài nguyên giữa các bộ ngành, làm rõ trách nhiệm các cấp trong quản lý tài nguyên. Hiện tại có nhiều bộ ngành liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, thậm chí là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng trách nhiệm của các bộ này về tài nguyên thiên nhiên chưa rõ, còn chồng chéo. 

Từ ngày 1.1.2018, bộ Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, rất quan trọng đối với các vấn đề về môi trường, mà trước đây không có, hoặc có nhưng rất mờ nhạt, và đồng thời chưa xử lý được một pháp nhân nào có hành vi hủy hoại, tàn phá hoặc làm ô nhiễm môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Về lâu dài cần nghiên cứu bổ sung các bộ luật riêng đối với bảo tồn thiên nhiên, trong đó có bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học (trên cạn, dưới nước), bảo tồn các giá trị địa chất, cảnh quan... Những quy định về luật này đã có trong Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản mới được phê duyệt, hay đã có trong Luật Đa dạng sinh học, thậm chí cũng có đâu đó trong Luật Di sản văn hóa... Nhưng vì vấn đề bảo tồn thiên nhiên chỉ là một phần nhỏ trong các bộ luật trên, nên mức độ quan tâm chưa xứng với tầm quan trọng của chúng, chưa kể đến sự chồng chéo và vướng mắc trong thực thi. 

Về cơ sở khoa học và thực tiễn, cần phải đánh giá đầy đủ nhu cầu phát triển du lịch dựa vào giá trị tài nguyên thiên nhiên từ quốc tế và nội địa, để dự báo cho tương lai và có hoạch định dài hơi hơn về phát triển loại hình này. Quan trọng hơn nữa là cần nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện hệ thống các giá trị tài nguyên thiên nhiên có tiềm năng phát triển du lịch. Cùng với dự báo nhu cầu phát triển du lịch để xác định những khu vực nào nên khai thác du lịch, những khu vực nào cần dự trữ cho tương lai. 

Tôi cũng nhấn mạnh, phải khái niệm lại du lịch sinh thái, và phải có những định hướng đúng đắn hơn phát triển các mô hình này. Đồng thời cần xác định quy mô phù hợp của các khu du lịch, mức độ và các tiêu chí xây dựng các công trình nhân tạo trong các khu vực có giá trị tự nhiên cần phải bảo tồn. 

Ông Nguyễn Việt Dũng: Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua tháng 11.2017, nhưng từ đầu tháng 1.2019 mới có hiệu lực thực hiện. Trong khi đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, kiến nghị sửa đổi một số quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường và có thể cả Luật Đa dạng sinh học, Luật Thuế bảo vệ môi trường, tài nguyên... Như vậy, năm 2018 Chính phủ và các bộ ngành sẽ phải tiếp tục thúc đẩy quá trình thể chế hóa, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật nói trên. Đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ hóa, tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, văn bản dưới luật nói trên vẫn là một thách thức khó khăn. 

Để tránh môi trường, tài nguyên tiếp tục bị xâm hại, chúng ta chờ đợi vai trò chỉ đạo, điều phối liên bộ liên ngành hiệu quả hơn của Chính phủ, trong quá trình xây dựng, giám sát và ban hành các chính sách, pháp luật liên quan. Các tuyên bố chính trị của lãnh đạo đất nước “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” và quyền môi trường quy định trong Hiến pháp 2013 cần trở thành nguyên tắc cốt lõi, được áp dụng rõ ràng, cụ thể trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách. Các lợi ích kinh tế to lớn từ bảo tồn, khai thác dịch vụ môi trường, hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước, đa dạng sinh học, hấp thụ carbon cần được tính toán, lồng ghép trong các lựa chọn và thiết kế chính sách môi trường và phát triển. Quá trình nói trên cần đảm bảo công khai, minh bạch, huy động được sự tham gia đầy đủ của khối tư nhân/doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng khoa học.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông (IPS): Tôi nhận thấy, vấn đề môi trường hiện nay, từ liên quan đến rừng, đất đai, sông ngòi, năng lượng,... đều ngày càng phức hợp. Tuy nhiên nó lại đang ở trong tình trạng phân mảnh thể chế. Hiện bộ ngành chỉ thực thi trong phạm vi riêng của bộ ngành đó. Nhưng những vấn đề phức hợp không thể giải quyết được bằng những đầu mối riêng rẽ như hiện nay. 

Vai trò Chính phủ ở đây rất quan trọng. Cần có một thiết chế tập trung quyền lực cao hơn và trách nhiệm cá nhân về cho Thủ tướng. Ví dụ, ở các nước có Văn phòng Thủ tướng, và đó là một thiết chế quyền lực để Thủ tướng giao văn phòng này điều phối một nhóm vấn đề đối với liên bộ ngành. Các ủy ban trực thuộc Thủ tướng được thành lập, là cánh tay nối dài, giúp việc cho Thủ tướng, và có quyền thực thi trực tiếp, đứng trên bộ ngành để điều phối. Hiện nay, Chính phủ không có đầu mối điều phối chung như thế. Văn phòng Chính phủ hiện chỉ là một cơ quan hành chính, không có vai trò gì về quyền lực để thống nhất các đầu mối và điều phối. Khi làm rồi, đụng sự, thì Chính phủ lại phân về một đầu mối bộ nào đấy. Đây là cái rất dở về mặt thể chế, thành ra không có một cơ quan nào có quyền lực để giải quyết các vấn đề mang tính phức hợp.

Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự doanh nghiệp vi phạm 

Trong quá trình phát triển, tất yếu sẽ khó tránh khỏi quyền lợi được đảm bảo về môi trường sống trong lành của người dân bị xâm hại. Cơ chế nào cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại được bảo vệ, đảm bảo quyền lợi của mình? 

Ông Nguyễn Quang Đồng: Vấn đề ở đây là thực thi và giám sát. Thông tin hồ sơ các dự án cần được công khai rộng rãi và đưa những thông tin đấy vào giám sát. Địa phương hiện nay đã có rất nhiều cơ chế giám sát. Các chức năng phản biện, giám định xã hội và giám sát của Mặt trận tổ quốc, của mạng lưới Hiệp hội Khoa học kỹ thuật địa phương; chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân địa phương, các tổ chức xã hội,... Vậy cần huy động nó như thế nào cho hiệu quả. Nhưng cái quan trọng cuối cùng vẫn là công khai thông tin. Hiện nay, thứ người ta thiếu nhất là thông tin. 

Cùng với dự báo nhu cầu phát triển du lịch để xác định những khu vực nào nên khai thác du lịch, những khu vực nào cần dự trữ cho tương lai, cần đánh giá những tác động trước mắt và lâu dài của du lịch tới tài nguyên thiên nhiên.

Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM: Từ ngày 1.1.2018, bộ Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, rất quan trọng đối với các vấn đề về môi trường, mà trước đây không có, hoặc có nhưng rất mờ nhạt, và đồng thời chưa xử lý được một pháp nhân nào có hành vi hủy hoại, tàn phá hoặc làm ô nhiễm môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Tôi rất kỳ vọng môi trường sống của người dân sẽ tốt hơn, với điều kiện người dân là những người quan sát, giám sát việc thực thi pháp luật của Nhà nước. 

Theo Luật Hình sự năm 2017, một pháp nhân nào đó gây ô nhiễm môi trường, hoặc nhập từ nước ngoài về những loại làm ảnh hưởng môi trường,... thì sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc. Ví dụ pháp nhân có thể bị tòa tuyên phạt tiền; tạm đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động trên một lĩnh vực nhất định; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu sau khi gây thiệt hại; buộc tháo dỡ công trình xây dựng không giấy phép hoặc không đủ giấy phép; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh...

Sơn Trà: từ năm 2003-2011, ngoài một số dự án như Intercontinental Da Nang, Biển Đông Resort... được xây dựng và đưa vào hoạt động đã lâu, thì ít nhất 10 dự án khu nghỉ mát, du lịch, biệt thự, trang trại,... gần đây cũng đã được cấp cho các doanh nghiệp xây dựng và tổ chức khai thác ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh LQ

Những pháp nhân đó, dù là bất kỳ ai, tư nhân, thuộc tập đoàn nhà nước hay nước ngoài, đều phải chịu sự điều chỉnh của Luật Hình sự. Những hoạt động du lịch dịch vụ sử dụng vốn có sẵn của thiên nhiên, nếu có hành vi nào làm ảnh hưởng tới môi trường, vi phạm pháp luật, pháp nhân đó phải đứng trước vành móng ngựa. Cá nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự, có thể là giám đốc, tổng giám độc, phụ trách công việc trực tiếp...

Tiếng nói của các tổ chức xã hội, đặc biệt là người trẻ, cần được “trao quyền” hơn như thế nào trong bối cảnh và thực trạng môi trường Việt Nam hiện nay? 

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE): Vừa qua, CHANGE tổ chức Trại Thủ lĩnh khí hậu Việt Nam, chọn ra 28 bạn thủ lĩnh môi trường xuất sắc từ 15 tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam, để tập huấn, trao quyền cho các bạn, để các bạn có thể tự xây dựng và thực hiện những dự án môi trường, biến đổi khí hậu ở chính địa phương mình sinh sống. Nhưng tôi nghĩ, nếu địa phương nơi các bạn đang muốn thực hiện dự án của mình, lại không ủng hộ các bạn, thì phong trào môi trường của các bạn cũng sẽ lại dần xẹp, dù các bạn có “máu lửa” đến đâu. Tôi tin khi Chính phủ, chính quyền địa phương ủng hộ các tổ chức xã hội nhiều hơn, hợp tác với họ trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, trao quyền cho giới trẻ địa phương, thì chính cộng đồng, và môi trường chung của tất cả mọi người, sẽ được hưởng lợi. 

Lê Quỳnhthực hiện
Theo guoidothi.net.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây