Hình ảnh hoang vắng, xuống cấp của quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế khiến nhiều người dân xót xa, tiếc nuối.
Được biết, công trình này do sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình làm chủ đầu tư với tổng số tiền trên 1.500 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng năm 2010, nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
![]() |
Tượng đài Đinh Tiên Hoàng xuống cấp ở Ninh Bình. |
Vậy mà chỉ sau hơn 5 năm, quảng trường này đã bắt đầu xuống cấp và quan trọng hơn, chẳng có bóng người nào vào tham quan, du lịch. Thay vào đó là hình ảnh kim tiêm vứt chỏng chơ ngay bậc thềm dẫn lên khu tượng đài.
Xung quanh khu vực này cỏ dại mọc um tùm, che lấp cả một số hạng mục. Đặc biệt, điểm nhấn của quảng trường là tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng có trọng lượng 100 tấn, cao 9,9m cũng đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Trước phản ứng của dư luận xã hội, ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND TP.Ninh Bình giải thích trên Tuoitre.vn: “Chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra công trình ở quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế chứ không phải bỏ đấy. Chỉ những chỗ thi công chậm hay chưa thi công thì cỏ mới mọc thôi”. Lý giải nguyên nhân chậm trễ, ông Thứ cũng cho biết: “Nguyên nhân là do ngân sách Trung ương chưa bố trí được vốn nên chuyển về địa phương mới chậm trễ trong thi công. Hiện tại, dự án vẫn còn thiếu nhiều vốn và chưa biết đến thời điểm nào mới có thể hoàn thành”.
Thế nhưng ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (bộ VH-TT&DL) phản ánh: “Theo những thông tin tôi nắm được thì nguyên nhân dẫn tới chậm trễ là do sự “nhùng nhằng” giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường (đơn vị bỏ tiền ra đầu tư, xây dựng tượng đài Đinh Tiên Hoàng). Do doanh nghiệp tư nhân bỏ kinh phí xây dựng nên có nhiều cái không bình thường, thậm chí lấn át cả những đơn vị quản lý. Cũng do vậy mà có những việc làm không đúng quy trình, vì thế mới dẫn tới câu chuyện ở trên”.
Điều đáng nói ở chỗ, trường hợp những quảng trường bị bỏ hoang, xuống cấp không phải hiếm, thậm chí khá phổ biến. Hiện tại, khu tượng đài nhà yêu nước Phan Đình Phùng (xóm 3, thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 30 tỉ đồng và khởi công xây dựng từ đầu năm 2009 cho tới bây giờ vẫn chưa hoàn thiện. Không những thế, công trình đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.
Ngay từ lối vào khu tượng đài, rất nhiều gạch đá ngổn ngang và đã có dấu hiệu bong tróc. Nhiều vết nứt, sụt lún xuất hiện tại các hành lang, cỏ dại mọc đầy xung quanh do công trình bị “đắp chiếu”. Trước đó, hàng loạt những tượng đài khác cũng “đua nhau” xuống cấp như: Tượng mẹ Việt Nam anh hùng (Quảng Nam), tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (Lai Châu), tượng đài bị sét đánh vỡ vì không có cột thu lôi (Quảng Ninh), tượng Phật đang xây thì bất ngờ đổ sập (Thái Bình)...
Vậy mà, ngày 23/11 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch vận động kinh phí để xây dựng tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912 -1936. Được biết công trình này khởi công xây dựng từ tháng 5/2015 với tổng kinh phí hơn 146 tỉ đồng. Công trình này sẽ nằm trọn trong khuôn viên rộng gần 6ha trên đồi Đắk Nur (phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa) và do sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông làm chủ đầu tư. Theo dự toán ngân sách Nhà nước tỉnh Đắk Nông năm 2015, tổng thu ngân sách toàn tỉnh dự kiến là 1.305 tỉ đồng. Làm một phép tính đơn giản thì kinh phí xây dựng tượng đài trên chiếm hơn 1/10 tổng thu ngân sách của tỉnh/năm.
TS. Đinh Hồng Hải (viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phân tích: “Việt Nam không có truyền thống làm tượng đài mà chỉ có tượng thờ, tượng trang trí. Việc xây tượng đài bắt đầu du nhập vào nước ta từ giai đoạn thuộc Pháp và hưng thịnh bắt đầu từ những năm 1960, theo truyền thống của Liên Xô (cũ) với rất nhiều tác phẩm ca ngợi chiến thắng, tượng lãnh tụ hoặc mang ý nghĩa quốc gia... Việc này được coi là có ý nghĩa xã hội tốt.
Tuy nhiên, trong hơn 10 năm trở lại đây, tượng đài được xây dựng ồ ạt theo phong trào, mang tính dự án, chạy theo tiến độ nhưng thiếu đi ý nghĩa biểu tượng và xã hội. Vì cơ quan chức năng đang lúng túng trong quy hoạch và thiếu quy trình xây dựng tượng đài nên nhiều công trình không có mục đích rõ ràng (chỉ chung chung là có ý nghĩa chính trị, xã hội, văn hoá). Tôi lấy ví dụ như việc xây tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam.
Do không xác định được quy mô từ ban đầu nên khi bản thiết kế tượng đài khổng lồ được đưa ra, chúng ta vẫn phải chạy theo vì đó là dự án. Mặc dù ý tưởng có thể không sai nhưng quy trình thực hiện sai dẫn đến hậu quả nói trên”.
Nhiều người hiện nay đang ngộ nhận giá trị của tượng đài phải tỉ lệ thuận với độ hoành tráng của nó. Tuy nhiên tiến sỹ mỹ học Thế Hùng cho rằng tượng đài có tầm vóc không thể hiện bằng kích thước lớn mà bằng tư tưởng, ý nghĩa biểu tượng. Hiện tại, chúng ta thừa tượng đài kém chất lượng nhưng lại thiếu tượng đài xứng tầm, có giá trị thực sự với xã hội”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn