Lời kể kinh hoàng của nạn nhân thoát chết vụ chìm tàu giữa biển

Thứ sáu - 09/06/2017 22:16
Trong giây phút hoảng loạn, tám ngư dân may mắn thoát ra khỏi chiếc tàu bị chìm để trồi lên mặt nước, nhiều ngư dân bị kẹt trong khoang tàu chìm xuống đáy biển, một ngư dân đã tử vong. Trao đổi với PV, những người thoát nạn vẫn chưa hoàn hồn khi kể lại giây phút hãi hùng giữa biển khơi...

Bé ơi... con đâu rồi?

Vào lúc 0h30 ngày 17/9, sau nhiều giờ tìm kiếm, tàu SAR 272 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (gọi tắt là Trung tâm III) đã cập cảng Vũng Tàu đưa 4 người trong vụ tàu Sima Sapphire đâm chìm tàu cá TG 92819 TS vào bờ. Bốn ngư dân là ông Nguyễn Văn Nhiệm (61 tuổi), Nguyễn Văn Hồng (38 tuổi), Võ Văn Thanh (36 tuổi) cùng con ruột Võ Văn Bé (13 tuổi) được cơ quan chức năng đưa đến bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để cấp cứu và sơ cứu vết thương trên người. Bên cạnh đó, các ngư dân gồm: Đặng Thành Được, ông Huỳnh Văn Hải, ông Võ Văn Tiến, ông Nguyễn Văn Chiến cũng được cứu.

Mặc dù đã trở về đất liền nhưng nhiều người vẫn hãi hùng và không tin mình thoát khỏi cái chết. Trao đổi với PV tại bệnh viện Lê Lợi trong giọng nói run rẩy, ông Nguyễn Văn Thanh (quê Cà Mau) cho biết: "Vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra khi trên tàu có 16 người đi đánh cá xa bờ hai tháng nay. Chúng tôi đi đánh cá ở tọa độ 88,87 và đang trên đường vào đất liền. Tôi đang nằm ngủ thì nghe một tiếng đùng bên phải tàu. Lúc này, chiếc tàu bị gãy đôi, tôi và tất cả những người trên tàu bị văng xuống biển. Vùng vẫy mãi, tôi cũng ngoi được lên mặt nước thì lại bị cá bủa vây và bị nhiều thanh gỗ đập vào đầu".

Ông Thanh tiếp lời: "Vì bị tàu hàng đâm quá mạnh, tàu bị chìm dựng đứng xuống, lại bị lưới bủa vây quanh nên mọi người trên tàu cá mất cảm giác, không ai thấy ai. Lúc tàu Sima Sapphire lướt qua, chúng tôi chới với, gọi nhau và nghĩ mình không thể nào sống sót nổi. Không chỉ vậy, mọi thứ xung quanh tối mù mịt, sóng biển ập tới dồn dập. Nhưng sau đó, nhiều người cũng trồi lên mặt nước. Trong giây phút ấy, tôi phát hiện một đồng nghiệp là ông Ba Chiến tên thật là Nguyễn Văn Tú (SN 1962, ngụ TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) vẫn còn bơi trôi ngang qua mặt mọi người. Tuy nhiên, khoảng 20 phút sau đó, tàu Sima Sapphire quay trở lại, nhưng ông Chiến đã mất tích".

Tuy nhiên, điều ông Thanh chợt thấy nhói lên khi nhìn khắp nơi mà vẫn không thấy bóng dáng con mình nơi đâu. Ông Thanh cho hay: "Khi hai đoàn tàu đâm nhau, con tôi cũng như bao người khác lọt xuống khi nào không hay. Giây phút ấy, tôi mếu máo gọi tên con nhưng không thấy ai trả lời. Lần thứ hai, tôi kêu lên: "Bé ơi! Con đâu rồi?" thì nghe tiếng trả lời mờ nhạt của cháu ở phía xa. Lúc này, con trai tôi được ông Hồng (Nguyễn Văn Hồng, 38 tuổi - PV) ôm trên người. Nhưng sau đó, ông Hồng đuối hơi bảo con tôi buông ra. Nghe vậy, tôi vội vàng bơi qua nơi phát ra tiếng trả lời thì cậu con trai bé bỏng cũng vừa kịp bơi tới. Cứ thế, hai cha con tôi lần tìm nhau qua đống dây đang nổi lềnh bềnh".

Các ngư dân sống sót được cấp cứu tại bệnh viện Lê Lợi sau khi được đưa lên khỏi bờ.

Gạt đi những hàng nước mắt lăn dài trên đôi gò má sạm đen, ông Thanh nhìn sang cậu con trai của mình và nói: "Hai cha con tôi ôm lấy nhau và khóc nức nở, mặc cho những làn sóng vẫn ập vào như vũ bão. Tìm được con trong hoàn cảnh ấy, tôi mừng rỡ như vừa tìm lại được nguồn sống của mình. Nếu không có anh em giúp đỡ, thì không biết giờ này cha con tôi có còn được gặp nhau ở đây không. Tuy nhiên, lúc này tôi vẫn không quên các đồng đội của mình". Ngồi bên cạnh cha mình, cháu Nguyễn Văn Bé (13 tuổi, con trai ông Thanh) kể lại: "Con đi biển với cha hai năm nay, nhưng chưa bao giờ con thấy sợ như lần này. Lúc bị rớt xuống biển, con hoảng hồn gọi cha nhưng không thấy ai trả lời. Trong lúc đó, con nhớ mẹ và anh trai của mình vô cùng. Khi ngoi được lên mặt nước, con cố bám sợi dây cùng với chú Hồng được một lúc thì nghe tiếng cha gọi".

Nghẹn ngào tiễn đưa đồng nghiệp

Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ nguyên nhân

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến gia đình các nạn nhân; đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan tập trung công tác tìm kiếm nạn nhân, khắc phục hậu quả và làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn...

Ngồi bên cạnh Bé, ông Hồng chia sẻ: "Sau khi gặp anh Thanh, tôi và cha con anh ấy đu bám trên chiếc phao và bình nhựa đựng nhớt rơi ra từ tàu cá đi tìm mọi người. Sau đó, chúng tôi gặp được 5 người khác cũng bám được vào lưới cá và một số vật dụng trôi nổi xung quanh. Mặt khác, lúc này, chúng tôi phát hiện đồng nghiệp Ba Chiến mặt úp xuống nước, nổi lềnh bềnh cách chúng tôi vài mét. Chúng tôi gọi rất tô nhưng không thấy anh Chiến có động tĩnh gì. Lại đến nơi, mọi người mới biết anh Chiến đã chết. Khoảnh khắc ấy khiến chúng tôi nghẹn ngào khi phải tiễn đưa một đồng nghiệp của mình trong hoàn cảnh quá éo le. Gần một tiếng sau đó, đoàn tàu Sima Saphire quay lại và nhanh chóng vớt chúng tôi lên khỏi mặt nước".

Trong khi đó, ông Võ Văn Nhiệm (61 tuổi) cho hay: "Khi xảy ra tai nạn, tôi bị kẹt cứng trong cabin mà không có cách nào thoát ra được. Tại đây, tôi nghe tiếng gọi của mọi người đi tìm nhau. Tôi cố trả lời nhưng vẫn không ai nghe, mãi đến lúc nước ngập đầy cabin thì tôi mới tìm được đường ra và trồi lên mặt nước. Vừa lúc ấy, đoàn tàu gây tai nạn quay lại vớt mọi người lên, khiến chúng tôi hạnh phúc trong nước mắt...".

Ông Thanh cho biết: "Thời điểm tàu Singapore vớt chúng tôi lên là khoảng 3h sáng. Lúc này, tôi vắt thằng Bé ngang qua cái phao, dùng dây buộc ngang. Một tay tôi ôm eo ếch thằng Bé nằm trên phao, một tay ôm phao nhớt nổi lềnh bềnh. Lúc đèn pha của tàu hàng Singapore chiếu trên mặt biển sáng choang, chúng tôi vỡ òa như vừa tìm được vệt sáng của cuộc đời. Mọi người cứ í ới hỏi thăm nhau trên mặt biển. Sau khi quay trở lại và tiếp cận được chúng tôi, tàu hàng Singapore thả cứu hộ nhỏ xuống biển, rồi điều khiển vớt từng người trên mặt nước. Cuối cùng, họ đã đưa được 8 người sống sót trong vụ tai nạn lên tàu. Đi tàu cá từ năm 15 tuổi, nhưng tôi chưa bao giờ phải đối diện và trải qua những giây phút kinh hoàng như lần này".

Măt khác, ông Thanh cũng cho biết thêm: "Không ai kìm được nước mắt khi Bé gọi điện về cho mẹ và nói: "Mẹ ơi! Cha đây nè. Rồi cháu chuyển cho tôi nói chuyện với vợ. Tôi vội cất tiếng để trả lời vợ qua điện thoại: "Tôi vô tới bờ rồi đó nghen. Anh Sáu, anh Tư và bốn người nữa mất hết rồi, chỉ còn lại tám người sống sót mà thôi. Có bốn người đang được cấp cứu tại bệnh viện Vũng Tàu". Cứ thế, tất cả ngư dân được cấp cứu tại bệnh viện khóc nức nở, mỗi người quay đi một hướng trong giàn giụa nước mắt…

Theo THƠ TRỊNH (Người đưa tin)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây