Lịch sử Mười lời thề danh dự của quân nhân Việt Nam

Thứ bảy - 10/06/2017 02:21
Mười lời thề danh dự của quân nhân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử của Quân đội ta. Từ Hà Nội đến Trường Sa vẫn luôn âm vang lời thề quyết chiến quyết thắng.
Lễ chào cờ trên tàu của các chiến sỹ Hải quân

Nếu ai được một lần tham dự một buổi chào cờ của các đơn vị quân đội sẽ không thể nào quên được cảm giác các mạch máu như giãn ra để dòng nhiệt huyết chảy tràn ra khắp cơ thể khi được nghe những người lính hô vang “Xin thề". Ở đâu có bóng dáng người lính, ở đó có âm vang của những lời thề sắt son.
 

Mười lời thề danh dự của quân nhân là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, trở về chiến khu Việt Bắc, nơi lần đầu tiên Mười lời thề danh dự của quân nhân vang lên. Vào ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Hồ Chủ tịch ủy nhiệm lãnh đạo. Đội biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên.

Ngày 22/12/1944, dưới lá cờ đỏ sao vàng, 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã tuyên thệ Mười lời thề danh dự

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về thời khắc lịch sử này như sau: “Giữa mùa đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây thẳng tắp. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lần đầu tiên tập họp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm. Đại diện Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Mán, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội. Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc”.

Sau lời tuyên bố của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đại diện của Liên tỉnh ủy đọc thư chúc mừng, đại diện các tổ chức nông dân, thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương cũng lên chúc mừng Đội bằng những lời lẽ cảm động, đầy tin tưởng và thương yêu. Kế đó, lễ tuyên thệ của Đội diễn ra. Mười lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp soạn vang lên lần lượt cùng những cánh tay vung lên đầy sắt đá. Mười lời thề đó cũng là nguồn gốc của Mười lời thề danh dự của quân nhân hiện nay…

Sau này, khi trả lời phỏng vấn một nhà báo Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “bật mí”: “Tôi đã soạn lời thề danh dự gồm mười điểm, dựa theo lời thề danh dự của FFI (Forces francaises de l'Intérieur, nhóm kháng chiến Pháp chống lại quân chiếm đóng Đức trong Thế chiến thứ hai) và của quân giải phóng Nam Tư”.

Mười lời thề danh dự hiện nay so với Mười lời thề danh dự mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp soạn thảo về cơ bản nội dung vẫn được giữ nguyên, chỉ thay đổi một vài chỗ về hình thức và một số nội dung không còn phù hợp. Điều này chứng tỏ tầm nhìn bao quát từ quá khứ đến tương lai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trải qua gần 70 năm nhưng Mười lời thề vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó, vẫn ngày đêm nhắc nhở mỗi người lính trong mỗi hành động đời thường cũng như khi đối mặt với kẻ thù luôn nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà Đảng, nhân dân giao phó.

Qua nhiều giai đoạn thực hiện, hiện nay trong toàn quân thống nhất việc đọc Mười lời thề danh dự được thực hiện ngay sau khi kết thúc Quốc ca, người chiến sĩ được giao nhiệm vụ sẽ tiến lên đứng trước lá cờ Tổ quốc và dõng dạc đọc Mười lời thề, sau mỗi lời thề là tiếng hô vang “Xin thề” hào hùng của cả hàng quân. Trước và sau khi đọc Mười lời thề, người đọc phải thực hiện động tác chào cờ.

Không chỉ người chiến sĩ được giao nhiệm vụ phải khắc cốt ghi tâm Mười lời thề danh dự mà bất kỳ ai đã là quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam đều phải thuộc từng câu từng chữ. Hàng năm có đều có các cuộc tập huấn quân sự và việc đọc Mười lời thề luôn luôn là một nội dung quan trọng.

Theo suốt cuộc đời mỗi người lính là những âm vang của Mười lời thề danh dự. Chúng ta hãy cùng đọc lại Mười lời thề danh dự của quân nhân qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử.

Mười lời thề danh dự của đội viên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân:

Chúng tôi đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sỹ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Xin thề:

1. Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.

2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.

3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.

4. Lúc nào cũng khẩn trương hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sỹ tiên phong giết giặc cứu nước.

5. Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.

6. Khi ra trận, nếu bị quân địch bắt được thì dù cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.

7. Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.

8. Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng, hay rơi vào tay quân thù.

9. Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: "không lấy của dân" – "không dọa nạt dân"- "không quấy nhiễu dân" và ba điều nên: "kính trọng dân" – "giúp đỡ dân" – "bảo vệ dân", để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước.

10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và Quốc thể của Việt Nam.

Mười lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam (từ 1976 đến nay):

Chúng tôi, quân nhân trong quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc:

1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

“Xin thề”

2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác.

“Xin thề”

3. Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước Xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khô hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí " Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

“Xin thề”

4. Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.

“Xin thề”

5. Nêu cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, làm tròn nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

“Xin thề”

6. Luôn luôn cảnh giác tuyệt đối giữ bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Nếu bị địch bắt dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai.

“Xin thề”

7. Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí.

“Xin thề”

8. Ra sức giữ gìn vũ khí trang bị, quyết không để hư hỏng hoặc rơi vào tay quân thù. Luôn nâng cao tinh thần bảo vệ của công không tham ô, lãng phí

9. Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba điều nên: Kính trọng dân - Giúp đỡ dân - Bảo vệ dân

Và ba điều răn: Không lấy của dân - Không dọa dân - Không quấy nhiễu dân

Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí.

“Xin thề”

10. Giữ vững phẩm chất tốt đẹp và truyền thống quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân, luôn tự phê bình và phê bình, không làm điều gì hại tới danh dự của quân đội và quốc thể nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Xin thề”

Video Lễ chào cờ và đọc 10 lời thề danh dự của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn:




Theo Sô ha/ VTV


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây