|
Bắt được bọn cướp chó, người dân đốt trụi phương tiện của chúng mà không chờ sự phán xét của pháp luật. Ảnh nld.com.vn |
Tôi hình dung cảnh người ta vung những thanh "đại đao" nặng trịch, sắc lẻm đó để chém xả vào da thịt lẫn nhau mà rùng cả mình. Tàn độc, sắt máu như thế lẽ ra chỉ có trong phim bạo lực hoặc về chiến tranh thời trung cổ thôi chứ, sao nó lại tồn tại ngang nhiên giữa thời này, xã hội này? Có phải bạo lực đang ngày một leo thang, ngày một trắng trợn?
Ví dụ rõ nhất là nạn cướp chó. Từ nhiều năm nay, do không bị trừng phạt thích đáng, những kẻ trộm chó đã biến thành cướp chó, hoạt động ngang nhiên miền quê nào, tỉnh thành nào cũng có. Ban đầu chỉ là lừa thắt cổ những con chó đi rông ngoài đường mang đi. Rồi khi người dân phản ứng lại, rộ lên những vụ cả làng ùa ra đánh kẻ trộm chó thì chúng cũng nâng cấp sự hung hãn.
Chúng đi thành nhóm, mang theo ớt bột, lựu đạn, kiếm, mã tấu, súng. Chúng có đường dây chế tạo súng bắn điện từ bình ắc quy xe máy (để bắn chó và bắn luôn người ngăn cản), có hệ thống quán ăn tiêu thụ chó cướp được. Người nào ngăn cản, chúng đe dọa sẽ quay lại xử bằng được.
Lục lại báo chí, tôi thống kê khoảng vài chục người đã bị bọn cướp chó bắn chết. Có những vụ thương tâm như vụ cả ba thanh niên bị bắn dẫn đến tử vong cùng lúc ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM mới giữa tháng sáu vừa qua.
Vậy là bạo lực nối tiếp bạo lực. Bây giờ khi bắt được bọn cướp chó, người ta không chỉ đánh bị thương nữa. Người ta ùa vào đánh chúng kỳ chết. Cái xe đi ăn cướp cũng bị đổ xăng đốt trụi. Thậm chí có vụ kẻ cướp chó bị đánh chết rồi thiêu xác luôn trong đêm mà không biết ai xuống tay, sáng ra người đi làm đồng chỉ còn nhìn thấy cái xác bên cạnh cái xe máy và hung khí cháy đen co quắp.
Không chờ pháp luật nữa, với những vụ cướp chó, nhiều người dân sẵn sàng vi phạm pháp luật để "thế thiên hành đạo". Vụ cả làng làm đơn nhận là thủ phạm đánh chết trộm chó ở Quảng Trị vào cuối năm ngoái dẫn đến sự bối rối cho các cơ quan tố tụng là một ví dụ rõ nét.
Còn rất nhiều những sự việc tương tự.
Dường như ngày càng nhiều cá nhân tự cho phép mình đẩy lùi những giao ước xã hội. Người dân vi phạm pháp luật ngang nhiên hơn. Số vụ công an bị phát hiện dùng nhục hình với nghi can nhiều hơn. Số người thực hiện pháp luật trơ tráo ra giá và nhận hối lộ công khai hơn. Nhiều quan chức phát ngôn những câu nói thiếu suy nghĩ hơn. Xã hội như đang quay cuồng về thái cực xấu, ngày một xấu nhanh hơn và trầm trọng hơn. Pháp luật dường như ngày càng kém hiệu lực hơn.
Không thể tránh né mối liên hệ chặt chẽ giữa những vụ tham nhũng ngày càng khổng lồ với thực trạng xã hội ngày càng tan nát. Khi người dân (hoặc cấp dưới) so sánh hành vi vi phạm của mình với mức độ tham nhũng của các quan chức cỡ lớn thì họ tự trấn an rằng mình chẳng thấm vào đâu, thậm chí sẽ khôn ngoan hơn nếu tranh thủ gỡ lấy ít lợi lộc cho bản thân. Khi người dân bắt đầu nghi ngờ rằng pháp luật phục vụ tốt hơn cho người giàu có và thế lực thì họ sẽ thiên về dùng nắm đấm và hung khí thay cho cậy nhờ luật pháp.
Nhưng không một ai trong xã hội, kể cả người giàu có và thế lực lại còn được an toàn, khi cái ác leo thang.