500.000 đồng, hát khản cổ
Thời gian gần đây, dịch vụ cho thuê loa karaoke hát với nhau nở rộ. Chỉ cần lên Google, gõ cụm từ “thuê loa karaoke”, trong 0,52 giây đã có 345.000 kết quả hiển thị các dịch vụ thuê mướn. Gọi vào số 091989… của một tiệm chuyên cho thuê loa kéo hát karaoke ở Q.Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, nhân viên chào mời: “Bên em có đủ các loại loa từ loa vali (loa kẹo kéo) đến cả dàn loa chuyên nghiệp phục vụ đám tiệc. Giá chỉ từ 500.000 đồng/buổi (4-5 tiếng). Chị có nhu cầu, em chở đến tận nơi”.
Theo nhân viên này, những ngày tết vừa qua, tiệm hầu như không có đủ loa cho thuê vì khách nào cũng thuê dài ngày. Còn hiện tại, lượng khách thuê chủ yếu vào những ngày cuối tuần. Thủ tục thuê rất đơn giản, khi loa được chở tới thì khách trả tiền thuê, đồng thời tiệm giữ kèm bằng lái, chứng minh nhân dân của khách để làm tin. Học sinh, sinh viên được giảm giá.
Trước đây, nhà nào có điều kiện mới dám sắm dàn karaoke, thỉnh thoảng mở hát cho vui nhà. Từ ngày có dịch vụ thuê loa di động giá “rẻ rề” này, ai cũng có cơ hội làm… ca sĩ. Buồn vui cũng gọi nhạc về hát. Nhậu vào là hát. Thậm chí, có nhà làm đám giỗ cũng kêu dịch vụ karaoke di động để phục vụ bà con.
Nắm được nhu cầu, nhiều hệ thống siêu thị điện máy tại TP Hồ Chí Minh cũng nhập hàng, trưng bày ngay sảnh ra vào để thu hút khách tham quan. Anh Lê Văn Thảo - quản lý một siêu thị điện máy ở Q.Tân Phú cho hay, giá một loa kẹo kéo chỉ từ 1 triệu đồng/cái, muốn âm thanh “ngon hơn” thì tầm 5-6 triệu đồng. “Số lượng người đến mua đầu năm 2018 tăng vọt, theo ghi nhận có khoảng 30-40 chiếc mỗi ngày, cuối tuần có thể lên tới 50-70 chiếc” - anh Thảo nói.
Rủ nhau đi trốn
Ngày chủ nhật cuối tuần, cứ tưởng được ở nhà nghỉ ngơi, không ngờ gia đình chị Thu Mai (ngụ chung cư Lê Thành, Q.Bình Tân) phải “đưa nhau đi trốn”. Chị thở dài: “Giữa trưa, bỗng nhiên nghe tiếng nhạc chát chúa rồi những tiếng hát gào thét đủ các thể loại. Dù đã đóng chặt các cửa nhưng tiếng nhạc vẫn “nhảy bổ” vào phòng nào là Đắp mộ cuộc tình, Đồi thông hai mộ, Duyên phận... Chương trình ca nhạc cứ thế đến nửa đêm. Vì vậy, cuối tuần chúng tôi đều đưa con cái đi tị nạn ở nhà bà con, khu vui chơi chứ ít khi dám ở nhà”.
Bi đát hơn là hoàn cảnh anh Nguyễn Văn Hùng (nhà gần khu chợ Cầu Ông Lãnh, Q.1), chiều nào anh cũng được thưởng thức hàng chục “sô” karaoke từ người dân yêu ca hát, đến các quán nhậu tổ chức “hát với nhau” ngay tại bàn. “Chịu không xiết, tôi phải bán nhà để tìm nơi yên tĩnh hơn cho cha mẹ già nghỉ ngơi, con cái tập trung học hành. Sinh hoạt gia đình náo loạn lên cũng từ ngày có cái loa karaoke di động mà ra” – anh Hùng bức bối. Hỏi sao không kiến nghị với cơ quan chức năng, anh lắc đầu bảo chỗ hàng xóm với nhau, mình làm vậy chẳng khác nào tự cô lập mình.
Bà Hoàng Thị Thu (58 tuổi, ngụ đường Võ Văn Kiệt, Q.5) bức xúc: “Nhiều người hát thường chĩa thẳng loa qua nhà hàng xóm, bật hết công suất chẳng khác gì tra tấn người xung quanh. Bức xúc là vậy, nhưng không ai dám nói vì sợ mích lòng nhau. Do đó, khi họ hát thì mình đóng cửa hoặc tự…sơ tán”.
Đầu năm 2018, đã có không ít vụ án mạng xảy ra có liên quan đến việc hát hò quá to. Cụ thể, ngày 28/2, tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, ông Nguyễn Viết Lộc (59 tuổi) thấy nhà hàng xóm hát karaoke mở nhạc quá to qua nhắc nhở mọi người hát nhỏ lại để nghỉ trưa. Khi quay trở về nhà, ông Lộc thấy nhạc vẫn không được hàng xóm mở nhỏ lại, nên rất bức xúc đã mang dao qua đâm hàng xóm khiến người này tử vong.
Ngày 7/3 vừa qua, Tổ công tác liên ngành của UBND xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang đến kiểm tra nơi tổ chức hát karaoke di động ồn ào. Khi cán bộ văn hóa xã và 2 công an viên mang máy ra đo độ ồn thì bị những người trong gia đình dùng gạch ống tấn công khiến 3 người trọng thương.
Luật có, khó phạt
Theo quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTN&MT, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (từ 21h đến 6h). Nếu hát karaoke phát ra tiếng ồn vượt mức cho phép thì sẽ bị xử phạt hành chính theo NĐ 155. Mức phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất lên đến 160 triệu đồng. Mặt khác, theo NĐ 167 thì hành vi “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.
Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Phong - Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường (TN&MT) quận Bình Tân, trên thực tế, hành vi hát karaoke rất khó xử phạt theo vì nó chỉ diễn ra tức thời, không liên tục. Nếu theo NĐ 155, chính quyền phải mời đơn vị có chức năng được Bộ TN&MT cấp phép đến đo, nhưng đơn vị này cũng phải có thời gian chuẩn bị, không thể xuống ngay được. Lúc lực lượng đến nơi có thể hành vi gây ồn đã không còn nữa.
Ông Trần Minh Tú - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức cho rằng, vấn nạn này chủ yếu do ý thức cộng đồng kém. “Vì khó phạt nên chúng tôi phải vận động tuyên truyền, phải làm áp lực liên tục với những hộ thường xuyên hát karaoke. Chúng tôi tổ chức các đoàn đi nhắc nhở, từ tổ dân phố, tổ hòa giải cơ sở, khu phố, đoàn thể… dần dần người dân tự ý thức. Hiện, trên địa bàn phường không có các quán hát với nhau, cũng như dứt khoát không cho người thuê micro hát trong hàng quán” - ông Tú chia sẻ.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ - Trưởng Văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Vũ tư vấn: “Để giải quyết tình trạng karaoke tự phát gây ồn không nên đặt nặng vấn đề xử phạt. Mức phạt nặng nhẹ không quan trọng bằng việc giáo dục, tuyên truyền, sử dụng sức mạnh tiếng nói cộng đồng. Ngoài việc tuyên truyền cho người dân ý thức, cần khuyến khích người dân thông tin đến ngay cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm, không nên vì tình làng nghĩa xóm mà chịu thiệt thòi. Việc cứ im lặng chịu đựng sẽ dần tích tụ, và gián tiếp gây ra những hậu quả đàng tiếc”.
Phản ảnh tiếng ồn: Gọi 028.38293653
Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này đã công bố số điện thoại nóng 028.38293653 để tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ảnh của người dân về tiếng ồn, trong đó có nguồn gây ồn từ karaoke. Ngoài ra, người dân có thể phản ảnh về tiếng ồn tại UBND phường, xã hoặc phòng TN&MT quận, huyện. Để có thể giải quyết các phản ảnh được chính xác, kịp thời, trong nội dung phản ảnh cần nêu rõ tên hoặc địa chỉ gây ồn, khoảng thời gian gây ồn...
Tiếng ồn có thể gây nhiều bệnh về hệ thần kinh
(BS Hoàng Văn Thế - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh)
Tiếng ồn tác động lên con người ở 3 khía cạnh: Che lấp âm thanh cần nghe, làm suy giảm phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi. Nếu sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn thì không chỉ gây tâm thần mà còn gây tổn thương đối với phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại… Đối với tiếng ồn 50 - 60 dBA nhưng phải nghe dai dẳng, liên tục cũng rất nguy hiểm. Cụ thể như sẽ bị stress, cáu giận, chóng mặt, đau đầu và có nguy cơ cao về bệnh thần kinh. Với trẻ em, tiếng ồn có thể khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học từ ngữ của chúng ngay từ những năm đầu đời. Tất cả những tác động này dẫn đến nhiều biểu hiện xấu về tâm lý, sinh lý, bệnh lý, ảnh hưởng hiệu quả lao động, nhất là đối với những cư dân đô thị.