Khát nước sạch giữa lòng thị trấn
Nhìn những chiếc ao nhỏ với dòng nước đục ngầu, bên trên là những cây bèo tây, bụi bẩn, rong rêu nổi lềnh bềnh… không ai nghĩ rằng đó đang là nguồn nước sinh hoạt quý giá của nhiều dân nằm giữa thị trấn Nghèn.
Bước chân vào xóm Phúc Xuân, một trong 5 xóm đang hàng ngày phải dùng nguồn nước đó để sử dụng trong sinh hoạt, chúng tôi không khỏi rung mình khi người dân đang lấy nước từ một cái hồ nhỏ trước nhà để rửa bát, hay múc từng thau nước bẩn đó để rửa rau, tắm giặt…
Chiếc ao nhỏ cung cấp nước sinh hoạt cho cả gia đình nhà chị Hằng
Chị Hằng, một người dân sống ở đây cho biết, “chiếc hồ nhỏ thế thôi nhưng là nguồn nước không thể thiếu cho gia đình chị cũng như những người dân ở đây”.
Theo chị Hằng, con mương dùng để phục nguồn nước thủy lợi phục vụ trong nông nghiệp vốn được đào thủ công, không được bê tông hóa, không có nắp che đậy bên trên nên người dân đã tận dụng để dẫn nước vào chiếc ao nhỏ của nhà mình để sử dụng vì không có nguồn nước nào khác. Đã vậy trâu bò, gà vịt được người dân chăn thả tràn lan ngoài đồng, khiến nguồn nước đã bẩn nay càng bẩn hơn.
Chị Hằng cho hay “lúc bình thường đã bẩn, lúc vào vụ mùa, người ta phun thuốc trừ sâu nó ngấm vào nước còn ô nhiễm nặng hơn nữa. Vào mùa khô, gia đình nào cũng chỉ có một bể nhỏ để đựng nước mưa, hết nước cũng đành lấy nước đó vào ăn uống. Ban đầu thấy bẩn nên sợ nhưng không có nước nên vẫn phải dùng, dùng nhiều thành quen”.
Bể lọc được xem là hiện đại nhất xóm của gia đình ông Hợi
Ông Ngô Đức Hợi, một trong những gia đình được xem là có nguồn nước sử dụng sạch nhất xóm nói: “Người ta lấy nước thủy lợi về là để thế dùng luôn, còn gia đình tôi phải một bể lọc phía dưới là cát và đá, hạn chế được phần nào bụi bẩn, cũng như bùn đất, thế là may mắn lắm!”
“Trước đây gia đình ông cũng đã đào, khoan mấy cái giếng nhưng đào nông thì không có nước, mà đào sâu thì nước nhiễm phèn quá nặng nên không tài nào sử dụng được, đành phải phụ thuộc vào nguồn nước mặt tự nhiên thôi”, ông Hợi nói thêm.
Tình cảnh của nhà chị Hằng, ông Hợi cũng là tình cảnh của hơn 750 hộ với khoảng 3500 nhân khẩu ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc.
Không có nguồn xây nhà máy cấp nước?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng thiếu nước sạch không chỉ diễn ra ở xóm Phúc Xuân mà ở Xuân Thủy 1, Xuân Thủy 2, Hồng Vinh, Cồn Phượng (thị trấn Nghèn) cũng chịu cảnh tương tự. Ông Nguyễn Thái Dương – Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn cho biết, “đây đang là một vấn đề nhức nhối của địa phương, hiện tại có 5/18 khối phố thiều nước sạch, nguyên nhân cũng do Công ty cấp nước Can Lộc không đủ ngân sách để đáp ứng nhu cầu người dân”.
“Địa phương cũng đã làm rất nhiều tờ trình với mong muốn xin được vốn đầu tư từ các dự án nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Nói thật chứ người dân dùng nước bẩn như vậy rất nguy hiểm, trong khi đó nhà máy nước sạch lại chỉ mới chạy được 50% công suất”, ông Dương nói.
Theo vị Chủ tịch thị trấn thì đây đang là một vấn đề trăn trở của địa phương, khi mà chính quyền đang cố gắng xây dựng độ thị loại 4, nước sạch là một tiêu chí quan trọng.
“Nếu không xin được nguồn ngân sách, dự án nào thì địa phương phải trích ngân sách cùng với sự đóng góp của người dân để mang lại nguồn nước sạch cho bà con sử dụng. Nhưng như thế là quá vô lý, khi người dân và địa phương chung tay vào làm còn nhà máy nước chỉ việc thu tiền sử dụng nước hàng tháng”, ông Dương phân tích.
Giải đáp những vấn đề này, ông Phạm Quang Sơn – Phó Giám đốc Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh cho rằng, phía Công ty đã đầu tư nhiều dự án nên đang rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, nhà máy cấp nước Can Lộc đang sử dụng hệ thống ống nhựa PVC nên đang cần phải thay thế.
Ông Sơn cho biết, phía đơn vị cấp nước cũng đang muốn để phát triển nhưng vì đây hoàn toàn là nguồn vốn của Nhà nước, trong khi ngân sách chi về nhỏ giọt nên không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Còn nếu địa phương và nhân dân nếu làm được thì rất tốt, phía Công ty sẵn sàng bán nước qua đồng hồ tổng để địa phương và nhân dân tự quản lý, như vậy sẽ đơn giản hơn nhiều.
Theo quan điểm của ông thì “nếu nhân dân có nhu cầu sử dụng nước sạch thì giữa địa phương và xí nghiệp cần phải làm việc để tìm ra hướng giải quyết. Phía địa phương sẽ kêu gọi nguồn đầu tư còn Công ty sẽ hỗ trợ một phần nào đó”.
Hy vọng với những nỗ lực tích cực của địa phương và được sự hỗ trợ của phía Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh, người dân nơi đây sớm có được nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ, điều mong mỏi bấy lâu nay của hơn 3500 nhân khẩu nơi đây.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn