Ngư dân xã Xuân Hội chuẩn bị ngư cụ ra khơi bám biển. |
Ngồi lắc lư trên tàu khoảng 5 giờ đồng hồ, sau khi quan sát con nước, luồng cá, Thuyền trưởng Lê Văn Sơn quyết định cho tàu chạy chậm và bắt đầu đánh bắt hải sản. Theo anh Sơn, ở đây cách đất liền hơn 20 hải lý, khoảng 25 độ Bắc. Một thuyền viên tên Thành cho biết, thông thường, một chuyến đi của tàu có khi 7-10 ngày, nhưng hôm nay có các anh đi cùng nên anh em quyết định đi gần hơn và thời gian cũng rút ngắn.
Giữa biển nước mênh mông, mọi vật đều trở nên nhỏ bé. Thuyền viên mỗi người mỗi việc, tất bật bủa lưới dưới sự điều khiển của thuyền trưởng.
Tranh thủ thời gian hiếm hoi, anh Sơn tâm sự: “Gia đình chúng tôi theo nghề biển đã hàng chục năm, từ đời ông cha. Ra khơi bám biển lúc trời yên biển lặng, may mắn thì không vấn đề gì, nhưng khi có sự bất trắc như: tàu bị hư hỏng, gặp tàu lạ, thời tiết xấu, sóng to,… thì rất nguy hiểm”. Cuộc nói chuyện bị cắt ngang vì điện thoại đổ chuông… Nghe xong, anh Sơn cho biết, anh Lê Đình Thông (thuyền trưởng một thuyền khác - PV) thông tin ở vùng biển họ đang đánh bắt có nhiều loại cá giá trị kinh tế cao nên thông tin cho mọi người biết để đến khai thác. Tiếp tục câu chuyện, anh Sơn cho hay, từ khi thành lập đội tự quản ANTT trên biển thì mọi người xích lại gần nhau hơn, yên tâm hơn khi ra khơi bám biển. Khi nào ra khơi cũng có 2-3 tàu đi cùng, hỗ trợ nhau. Ví dụ, nếu 1 tàu bị hư hỏng, không thể sửa chữa được thì đã có tàu khác dắt về; khi thiếu nước ngọt, xăng dầu,… đều được tàu đi cùng chia sẻ; thông tin cho nhau về tình hình ngư trường nên việc tổ chức đánh bắt hải sản hiệu quả hơn.
Được biết, hiện xã Xuân Hội có đoàn tàu khá hùng mạnh, với 27 chiếc, công suất từ 320 CV trở lên. Thời gian qua, để gắn kết giữa các chủ tàu với nhau, số tàu này được chia làm 13 đội, thường xuyên ra khơi bám biển. Chủ tịch UBND xã Xuân Hội Võ Văn Tùng khẳng định: “Từ khi thành lập đến nay, các đội đã hoạt động và hỗ trợ nhau rất hiệu quả”.
Trong quá trình ra khơi đánh bắt hải sản, nhiều tàu thuyền đã không ít lần gặp sóng to, gió lớn, hay máy móc trục trặc gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của các ngư dân. Ông Lê Hồng Ngọ - Phó ban tự quản ANTT trên biển xã Xuân Hội cho biết: “Khi đi tàu, nếu thuyền trưởng, thuyền viên lơ là, thiếu kiểm tra đường ống làm mát cho máy, hay do sử dụng lâu ngày nên đường ống bị ô-xy hóa, lỏng tuy-ô…, tàu có thể bị chết máy. Lúc đó, nếu không có các đồng nghiệp đến sửa chữa, lai dắt về đất liền thì sẽ rất nguy hiểm. Đó là chưa kể những khi gặp phải tàu lạ. Khi thấy một tổ 2-3 tàu thì các tàu lớn cũng không dám làm gì, nếu đơn lẻ, khó thoát khỏi bị tấn công”.
Không chỉ hỗ trợ, bảo vệ nhau mà trong quá trình bám biển, ngư dân xã Xuân Hội cũng đã nhiều lần thông tin cho các lực lượng chức năng như: BĐBP, cảnh sát biển, công an về sự xuất hiện của các tàu thuyền nước ngoài, tàu lạ hoạt động trên vùng biển nước ta… Ngoài ra, Ban tự quản ANTT trên biển của xã còn tổ chức hòa giải những xích mích, mâu thuẫn nảy sinh giữa các thành viên, giữa tổ này với tổ khác khi khai thác trên biển hay khi neo đậu; kịp thời thông tin những trường hợp vi phạm luật biển, giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết.
Sau 2 ngày đi biển cùng ngư dân, thuyền vừa cập bến thì ông Ngọ nhận được tin thuyền của gia đình Thanh Hoa (xã Xuân Hội) bị chết máy trên biển Xuân Liên. Ngay lập tức, ông Ngọ cùng một thanh niên tức tốc chạy thuyền ra để ứng cứu và lai dắt vào bờ. Việc làm của các thành viên trong Ban tự quản ANTT trên biển xã Xuân Hội đã làm cho ngư dân trong xã cũng như các xã lân cận yên tâm hơn khi bám biển. Thiếu tá Lê Xuân Diệu - Phó trưởng Công an huyện Nghi Xuân khẳng định: “Đội tự quản ANTT trên biển xã Xuân Hội đi vào hoạt động đã góp phần rất quan trọng đảm bảo ANTT trên biển cũng như đất liền”.
Việc đảm bảo ANTT trên biển đã và sẽ góp phần tích cực vào sự bình yên và phát triển của quê hương, đất nước.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn