Khu tập thể BVĐK Hà Tĩnh (cũ) với 11 dãy nhà cấp IV gồm 130 gian được xây dựng từ trước năm 1980, trên địa bàn tổ dân phố 13, phường Bắc Hà. Sau khi BVĐK tỉnh chuyển về địa điểm mới tại số 75, đường Hải Thượng Lãn Ông, khu vực này được bố trí cho các cán bộ nhân viên thuộc Sở Y tế, BVĐK tỉnh. Những hộ gia đình ở đây tiếp nhận và sinh sống từ năm 1991 đến nay.
Dãy nhà cấp 4 khu tập thể BVĐK Hà Tĩnh cũ.
Sau khi nhận được công văn số 1044/UBND-QLĐT của UBND TP Hà Tĩnh ban hành ngày 12/5 về việc ngưng sử dụng các dãy nhà cấp 4 khu tập thể BVĐK Hà Tĩnh cũ, tuy nhiên vì thời gian di dời quá gấp nên hầu hết các hộ gia đình đang sinh sống ở đây rất lo lắng và đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết một số vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh của đa số cán bộ công chức có thu nhập thấp đang sinh sống ổn định ở đây.
Trong đơn kiến nghị, những hộ gia đình ở đây đều nhất trí với chủ trương, đường lối của UBND TP đề ra. Tuy nhiên, công văn di dời mà các hộ dân ở đây nhận được qua cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Hà Tĩnh vào ngày 12/5 nhưng thời gian yêu cầu di dời hạn cuối là 30/6/2017 (nếu không sẽ lập phương án cưỡng chế). Theo nhiều hộ, thời gian yêu cầu mà UBND TP đưa ra là quá gấp gáp, khiến họ khó khăn trong việc tìm chỗ ở mới để ổn định cuộc sống cũng như việc học hành của con em. Họ mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện thêm thời gian để họ sắp xếp, tìm chỗ ở mới.
Đơn kiến nghị của các hộ dân sinh sống tại khu tập thể BVĐK Hà Tĩnh cũ.
Những hộ gia đình sinh sống tại đây hàng năm đều tự bỏ kinh phí ra để nâng cấp, sữa chữa (nhà ở, công trình vệ sinh, hệ thống điện nước, mương thoát nước...) đến nay vẫn đang đảm bảo công năng sử dụng. Nếu yêu cầu di dời thì mong các cấp chính quyền có phương án hỗ trợ một phần kinh phí.
Tất cả các hộ CBCNV sinh sống tại khu tập thể đều có thu nhập thấp, đời sống khó khăn nên việc mua đất, làm nhà trong hoàn cảnh hiện tại đều không thể thực hiện được.
Chia sẻ với PV Báo Xây dựng, bác Phạm Văn Duân, người đã sinh sống 26 năm ở khu tập thể này cho biết: “Hầu hết những gia đình sống tại đây đều là những cán bộ, công nhân viên không đủ điều kiện kinh tế để mua nhà, đời sống khó khăn, nhờ có những căn hộ khu tập thể như thế này, giúp chúng tôi có nơi chốn đi về, yên tâm làm việc và cống hiến. Chủ trương của UBND TP trong việc giải tỏa những căn nhà chung cư cấp 4 để làm thay đổi bộ mặt của thành phố, chúng tôi đều nhất trí. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, chúng tôi bỏ chi phí tu bổ xây dựng công trình đường điện, mương thoát nước, công trình vệ sinh. Bỏ ra một số tiền tu bổ, nay có công văn yêu cầu di dời trong thời gian quá ngắn khiến chúng tôi không biết xoay xở thế nào. Chỉ mong các cấp, các ngành tạo điều kiện cho chúng tôi có thêm thời gian cũng như hỗ trợ một phần kinh phí để chúng tôi có điều kiện di dời đến nơi khác”.
Anh Đặng Hải, người đã gắn bó với khu tập thể gần 19 năm cũng lo lắng: “Đại diện các hộ gia đình đang sinh sống ở đây đã gửi đơn kiến nghị, bày tỏ những yêu cầu về quyền lợi chính đáng của các hộ dân và mong nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, sớm có phương án giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý nhưng đến thời điểm này, mong muốn của chúng tôi vẫn chưa được đảm bảo. Chúng tôi chỉ nhận được công văn qua Cổng thông tin điện tử của đơn vị chủ quản là Sở Y tế Hà Tĩnh, công văn đến nhưng không thấy cán bộ phường đến vận động, giải thích, hướng dẫn cũng không thấy có ý kiến gì về hỗ trợ sau di dời khiến chúng tôi hoang mang và bức xúc”.
Chị Xuân thì lại mang một nỗi lo riêng: “Ở đây hơn 13 năm, hộ khẩu đã đăng kí tại phường, con cái học hành ổn định, đùng một phát, UBND TP có công văn buộc phải di dời để giải tỏa dãy nhà. Chúng tôi không kịp trở tay, nhất là khi đi tìm chỗ mới cần phải có thời gian, rồi ổn định cuộc sống nhất là việc học hành của các cháu. Chủ trương đường lối thì chúng tôi hoàn toàn nhất trí và tuân theo, nhưng chỉ mong chính quyền thành phố cho thêm ít thời gian để chúng tôi sắp xếp lại”.
Chủ trương của thành phố về việc di dời, giải tỏa những khu tập thể đã xuống cấp, góp phần chỉnh trang đô thị, thay đổi diện mạo thành phố là chủ trương đúng đắn và hợp lý. Có an cư thì mới lạc nghiệp, tuy nhiên đối với các hộ gia đình đang cư trú ở đây, họ hầu hết đều là những cán bộ công nhân viên chức có thu nhập thấp, chưa có điều kiện kinh tế để mua đất, làm nhà. Vì vậy, gỡ thế nào để dân khỏi rối, khỏi hoang mang, lo lắng đang là một vấn đề đặt ra cho chính quyền thành phố Hà Tĩnh.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn