Đau thương tuyệt vọng phủ kín xóm chài

Thứ bảy - 10/06/2017 01:20
Nước mắt chảy dài, xóm làng ngập chìm trong tang tóc. Từ thấp thỏm hi vọng, dân chài An Hòa đã khóc tức tưởi trong sự tuyệt vọng.

Khăn tang chồng khăn tang

Chiều 30/11, cả làng chài ở An Hòa cùng dõi mắt về phía biển Lạch Quèn. Ai nấy chờ đợi phút 2 thuyền viên sống sót trở về. Họ thắp lên những tia hy vọng cuối cùng, rằng những ngư dân còn lại cũng sẽ được cứu sống, để trở về đoàn tụ với vợ con, xóm làng.


 Anh Hồ Vĩnh Lai (Áo xanh hàng dưới cùng) đổ gục trước bàn thờ em trai trước giờ phát tang.

Nhưng, họ đã tuyệt vọng, không dám tin vào sự thật từ những lời kể nghẹn ngào của 2 thuyền viên trở về. Những quả tim như bị bóp nghẹt, quặn thắt trong nỗi đau mất mát.

Xóm chài nghèo phủ trắng khăn tang, những tiếng khóc đau đớn như ngấm vào da thịt. Thuyền viên Hồ Vĩnh Lai chỉ kịp nhìn vợ, ôm hai đứa con nhỏ trong chốc lát rồi tất tả qua nhà em trai bên cạnh. 

Vừa trở về từ cõi chết, anh đã phải đội khăn tang cho người em Hồ Vĩnh Thế. Anh ngồi sụp trước di ảnh em, khóc sụt sùi.

Hàng trăm người dân đã không cầm được nước mắt trước cảnh hai đứa con nhỏ của anh Hồ Vĩnh Thế đội khăn tang cha, được người thân dẫn tới trước bàn thờ.

Ngồi bên cạnh là bà nội Hồ Thị Lài (75 tuổi). Hai đứa con trai của bà gặp nạn, ông Trời đã giữ lại cho một đứa. Nhưng không vì thế mà mà nỗi đau vơi bớt!


Hai con nhỏ đội khăn tang trước bàn thờ anh Hồ Vĩnh Thế. Anh Thế đi để lại gia cảnh hết sức khó khăn. Chị Mai Thị Phượng và 2 con chưa biết sẽ sống ra sao trong những ngày sắp tới.

Anh Lai kể: “Cả 10 người bấu víu vào tấm xốp trôi dạt trên biển. Từng người cứ kiệt sức buông tay mà chìm xuống. Trước lúc chìm đi, chú Thế chỉ kịp kêu 3 tiếng ‘Anh Lai..!’. Tôi cũng chẳng kịp nhìn mặt chú ấy nữa!”.

Bà Lài, chị Mai Thị Phượng (vợ anh Thế) cùng bà con hàng xóm đã chết lặng khi nghe anh Lai kể lại. Bao ngày hi vọng, thấp thỏm đợi tin chồng, chị Phượng đã ngất xỉu đi trong tuyệt vọng.

Cách nhà anh Lai một quãng là nhà của bà Nguyễn Thị Hương, mẹ hai anh em Nguyễn Văn Trí và Nguyễn Văn Huỳnh. Bà Hương đã kiệt sức từ vài ngày qua, làng xóm thay nhau túc trực cấp cứu để bà gắng sức đợi con về. Nghe thông tin từ hai thuyền viên sống sót, bà đã chẳng còn sức mà khóc than hai đứa con nữa.

Chiều muộn 30/11, cũng như gia đình các thuyền viên mất tích khác, nhà bà Hương đã phát tang hai đứa con. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, nay mái đầu bà lại khăn tang chồng khăn tang. Cả căn nhà cấp 4 tồi tàn ảm đạm trong tiếng khóc xé lòng của bà con thân hữu.

Cả xóm làng An Hòa như ngập chìm trong tiếng khóc. Cùng một lúc có đến 5 cái tang, 5 phận người nghèo khổ chìm dưới lòng biển để lại nỗi đau đớn vô tận cho mẹ già, vợ trẻ cùng đám con thơ dại. Cả xóm chài nghèo đã phủ trắng màu khăn tang.

Khó trục vớt chiếc tàu gặp nạn

Trao đổi với VietNamNet ngày 1/12, ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Cty CP Vận tải biển thương mại Trường Thành cho biết, đơn vị đã điều 1 tàu cùng 10 người gồm cả thợ lặn chuyên nghiệp ra khu vực tàu cá gặp nạn.


Anh Hồ Vĩnh Lai với những vết xây xát trên mặt do vật lộn với sóng dữ để duy trì sự sống. Từ lời kể lại của anh và thuyền viên sống sót còn lại, gia đình 8 thuyền viên mất tích đã phát tang trong nước mắt nghẹn ngào.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ký hợp đồng với Trường Thành, đề nghị đơn vị này tham gia trục vớt chiếc tàu cá của ngư dân gặp nạn. 

“Chiều ngày 30/11, tàu và người của chúng tôi đã tiếp cận hiện trường, với phương án sẵn sàng lai dắt tàu cá vào bờ. Tuy nhiên, tàu của ngư dân đã không nổi lên một phần như trước nữa, mà đã chìm hẳn xuống biển.

Qua khảo sát, tàu NA 90249 TS đã chìm xuống biển ở độ sâu khoảng 70m. Ở không gian đó, thợ lặn của tôi rất khó để tiếp cận” – ông Thắng cho biết. Tuy nhiên, yêu cầu của tỉnh Nghệ An là phải cố gắng để trục vớt tàu cho ngư dân, vì hoàn cảnh của các hộ dân gặp nạn rất khó khăn.

Hiện tại, lực lượng cứu hộ của Trường Thành đã quay vào cảng Hòn La (Quảng Bình), chờ thời tiết ổn định mới triển khai các phương án trục vớt.

“Ở độ sâu đó, việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đang liên hệ, tìm và thuê một số thợ lặn có chứng chỉ quốc tế để tham gia trục vớt.

Nếu thời tiết ổn định và chúng tôi thuê được lực lượng, công tác trục vớt và lai dắt sẽ mất chừng 2 – 3 ngày. ( Chi phí trục vớt ước chừng 500 triệu đồng, bằng gần 1/3 số tiền đóng mới con tàu này – PV)” – ông Thắng cho biết thêm.

Sáng 2/12, thông tin từ văn phòng trực chiến, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An, hiện các lực lượng chức năng vẫn đang phối hợp tìm kiếm 8 ngư dân mất tích còn lại.

Xác định nguyên nhân vụ chìm tàu cá

Thuyền viên Hồ Vĩnh Lai, một trong hai người may mắn sống sót sau vụ chìm tàu cho biết, trước thời điểm xảy ra vụ việc, trên biển có gió mùa Đông Bắc mạnh chừng cấp 7, 8. Tàu bị gãy 1 sào trước bên đốc tàu.

Trước đó, theo thông tin từ Văn phòng Ban PCLB và TKCN Nghệ An, nguyên nhân ban đầu của vụ việc là do một phần lưới bị rơi xuống biển dẫn đến tàu bị nghiêng, nước tràn vào thân tàu. Anh Lai cho biết, thời điểm lúc nước bắt đầu tràn vào đến khi mọi người nhảy xuống biển kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ.

Trong khoảng thời gian ấy, các thuyền viên vừa cố gắng tát nước ra, vừa dùng bộ đàm (trên tàu không có máy Icom – PV) để kêu cứu, thông báo tọa độ nơi tàu gặp nạn.

Anh Hồ Vĩnh Lai cho hay, lúc ấy trên tàu chỉ có 2 cái áo phao mới, ngoài ra còn có một số phao cũ nhưng để ở phía trên, các thuyền viên chưa kịp lấy.

Khi trôi giạt trên biển, các thuyền viên bám váo tấm xốp, chuyền tay nhau 2 chiếc áo phao để mọi người lần lượt mang vào.

Trao đổi với các phóng viên chiều ngày 30/11, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Đồn phó Đồn Biên phòng 148 Quỳnh Thuận cho biết, đơn vị đã kiểm tra đầy đủ trang thiết bị của tàu, đảm bảo an toàn mới cho ra khơi.

Theo Cao Thái vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây