Đám đông "lên đồng" ném đá sư ông

Thứ bảy - 10/06/2017 16:34
Liệu "đám đông" có biết, dù các nhà sư có làm gì, thì việc xúc phạm và miệt thị một nhà sư hay bất cứ một ai, cũng có thể biến "đám đông" ấy trở thành tội phạm?
Báo Lao động đang có loạt bài về những ông sư ở Hưng Yên ăn thịt, uống rượu và có những thói quen sinh hoạt giống như… người bình thường. Đó là chuyện không thường thấy ở những nhà sư. Và như thường lệ, những ông sư trở thành mục tiêu “ném đá” của đám đông trong cơn "lên đồng" bởi cảm giác bị phản bội niềm tin.

Những lời bình luận nặng nề, thậm chí là thóa mạ dành cho các ông sư được đăng tải công khai phía dưới bài báo như một sự mặc định rằng, hành vi trần tục của các ông sư là sai trái, đáng bị lên án, phỉ nhổ. Sẽ có rất nhiều người đọc đồng tình với những bình luận đó bởi không biết rằng, những lời lẽ như vậy hoàn toàn có thể cấu thành tội “làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự.

Ảnh minh họa

Những ông sư ở Hưng Yên, trước hết cũng là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, họ được bảo vệ bởi luật pháp Việt Nam. Bởi thế, những lời lẽ có tính chất miệt thị, xúc phạm dành cho họ là không thỏa đáng. Là những công dân bình thường, chuyện ăn uống, sinh hoạt của các ông sư không trái pháp luật. Trên cương vị là người tu hành, họ cũng không vi phạm pháp luật. Luật pháp không điều chỉnh việc ăn uống sinh hoạt của các nhà sư.

Trong một xã hội mà khái niệm thượng tôn pháp luật vẫn còn xa lạ với số đông, khi người ta nuôi dưỡng một niềm tin lâu ngày, cho dù niềm tin đó đúng hay sai, thì bất cứ điều gì khác với niềm tin đó cũng sẽ bị coi là một sự phản bội. Những ông sư được định hình trong tiềm thức dân gian là những sứ giả của Đức Phật, được mặc nhiên được coi là những đấng, bậc phi phàm. Vậy nên, khi những ông sư sinh hoạt như người thường có nghĩa là họ đã chứng minh niềm tin của đám đông là sai lầm. Đó là một tội tày trời! Khác gì Galileo dám nói rằng trái đất quay khi tòa án dị giáo thời trung cổ chưa muốn tin vào điều đó?

Những ông sư bị đám đông "lên đồng" ném đá bởi một tội lỗi mà họ không hề mắc, bởi họ tin vào những điều không giống với đám đông. Giống như Galileo, nhưng họ bị đối xử bất công hơn. Galileo bị tòa án dị giáo trừng phạt, bởi tòa án dị giáo đó là đại diện cho luật pháp mà những người như Galileo phải tuân thủ. Những ông sư thì vô can trước luật pháp Việt Nam, và Phật pháp mà họ tuân thủ cũng không có chế tài đối với hành vi của họ. Nhưng họ vẫn bị “ném đá” bởi đám đông dư luận. Một cuộc “ném đá” không nhân danh bất cứ một điều gì, ngoài niềm tin.

Nhân danh niềm tin của mình để làm nhục người khác bằng lời lẽ thóa mạ là một sự vô lối. Bởi, dẫu có tin rằng những ông sư phải phi phàm và thanh tịnh thì đó là việc của mỗi người. Những ông sư ở Hưng Yên không ép buộc người khác phải thành kính, tin yêu, không bắt người khác phải tin mình phi phàm.

Những ông sư, đơn giản chỉ là những người đi tu, và xét ở một góc độ thực tế thì việc tu hành của họ cũng chỉ giản đơn là cung cấp một dịch vụ tâm linh có lợi nhuận từ niềm tin của cộng đồng. Vì thế, một cách công bằng, nếu cộng đồng không tin tưởng vào dịch vụ do họ cung cấp thì có thể tẩy chay, không đến ngôi chùa đó mà cầu khấn điều gì. Giản dị như chúng ta vẫn tẩy chay một nhà hàng mất vệ sinh mà giá thì quá đắt.

Theo Phạm Trung Tuyến Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây