Ký ức hào hùng
Một ngày trung tuần tháng 3, tiết trời đất Tây Nguyên còn những cơn gió se se lạnh, tôi tìm về thôn 3, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột để gặp lại anh Trương Văn Hiền (SN 1968), một trong số ít những người lính may mắn sống sót sau trận chiến Gạc Ma cách đây 30 năm, ngày 14/3/1988.
Những ký ức về Gạc Ma - Trường Sa không bao giờ phai mờ trong tâm trí người cựu binh Trương Văn Hiền. |
Khi gặp nhau tôi mới biết, ngay sau khi tôi gọi điện, anh Hiền đã ra đứng đợi cách ngõ nhà mình 500m dù chân anh phải đi cà nhắc vì vụ tai nạn giao thông năm ngoái. Có lẽ anh háo hức khi biết có người muốn nghe những câu chuyện bi hùng nơi biển khơi của 30 năm trước.
Anh Hiền là người quê Hương Khê, Hà Tĩnh. Ngày 1/3/1986, anh nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn 6 Hải Đồ, Bộ tham mưu Hải quân. Đến ngày 10/3/1988, chàng lính trẻ được lệnh cùng đồng đội lên đường, làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa.
Khoảng 7h30 sáng 14/3/1988, khi anh Hiền cùng đồng đội trên tàu HQ 604 chuẩn bị đưa hàng hóa lên Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) thì bị quân địch bao vây, dùng pháo tấn công tới tấp. Trước sự tấn công bất ngờ và hung hãn của đối phương, chỉ trong phút chốc, tàu HQ 604 bị chìm, nhiều chiến sĩ của quân đội ta hy sinh, bị thương…
Về phần mình, anh Hiền cho biết, khi tàu HQ 604 chìm, anh đã bị thương ở tay, mắt và bơi giữa biển trong tuyệt vọng. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để chiến đấu, để xứng đáng với lời thề trước lúc ra đi. Thế nhưng, tương quan lực lượng lúc đó quá chênh lệch, đồng đội của tôi lần lượt ngã xuống. Khi tàu chìm, tôi bị thương, cố bơi giữa biển nhưng không nghĩ mình sẽ sống sót”, anh Hiền kể lại.
Cũng theo hồi ức của người cựu binh, khi gần kiệt sức, anh may mắn vớ được một mảnh gỗ vỡ ra từ tàu rồi cởi quần dài, buộc chặt mình vào đó và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, anh thấy xung quanh có rất nhiều lính Trung Quốc mới biết mình còn sống và đã bị bắt.
Sau khi rơi vào tay giặc, anh Hiền bị giam chung với 3 đồng đội tại một phòng biệt lập và liên tục bị tra khảo, đánh đập.
“Sau khi bị bắt, tôi mới biết mình đã lênh đênh trên biển 3 ngày, 2 đêm. Những ngày tháng trong tù, tôi thường mơ thấy mình đang chiến đấu trên đảo Gạc Ma bên cạnh đồng đội. Đến khi tỉnh dậy, tôi thấy hụt hẫng, đau xót đến vô cùng. Tôi khóc vì nhớ đồng đội, nhớ đến điên dại. Những tháng ngày trong tù là những ngày tủi nhục, uất hận nhất cuộc đời tôi”, giọng anh Hiền nghẹn lại.
Đến năm 1991, anh Hiền được về nước trong đợt trao trả tù binh. Về đến nhà anh mới biết, trong thời gian mình bị tù đày, gia đình ở nhà nhận được tin báo anh đã hy sinh và lập bàn thờ. Đến khi thấy anh hiện hữu bằng xương bằng thịt trước mặt, người thân ai nấy mừng mừng tủi tủi, ôm chầm lấy nhau nói chẳng nên lời.
Cuộc sống khó khăn
May mắn sống sót sau ngày 14/3/1988 định mệnh ấy, anh Hiền trở về quê với nhiều thương tích. Những khi trái gió trở trời, các vết thương lại tái phát, hành hạ thân xác người cựu binh. Theo Giấy chứng nhận bị thương năm 1994, anh Hiền bị trúng hai mảnh pháo vào ngực bên phải, hai mảnh vào chân trái, tay trái bị gãy, mắt trái bị thương, nhìn không rõ, tổng thương tật 12%.
Với mức thương tật như trên, anh Hiền không đủ điều kiện để hưởng chế độ thương binh. Do đó, anh đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng nhờ xem xét, mong muốn được giám định lại nhưng không được. Dù vậy, sau này anh cũng được hưởng chế độ tù đày với mức trợ cấp hơn 800 ngàn/tháng.
Anh Hiền kể về ký ức bi hùng của 30 năm trước. |
Không còn lành lặn, sức khỏe không đảm bảo để làm những công việc nặng nhọc như những người bình thường. Thế nên, vì cuộc sống khó khăn, vì mưu sinh, anh phải lên đường xa quê hương vào Đắk Lắk lập nghiệp, mong muốn thay đổi cuộc sống.
Nơi miền đất lạ không một ai thân thích, anh Hiền phải làm đủ thứ nghề từ hái cà phê, hái tiêu cho đến bốc vác, phụ hồ…để mưu sinh, trang trải cuộc sống. Năm 1995, anh Hiền bén duyên vợ chồng với chị Bùi Thị Phượng (SN 1970, người gốc Hòa Bình), cũng là một cô gái xuất thân từ gia đình nghèo khó.
Dù nghèo khổ nhưng hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, sống một cuộc sống êm đềm. Niềm vui của anh chị càng nhân lên khi hai đứa con (một trai, một gái) lần lượt chào đời. Nào ngờ, chị Phượng đổ bệnh thoát vị đĩa đệm, dây thần kinh ở xương chậu bị chèn ép khiến việc đi lại rất khó khăn và dần dần mất sức lao động.
Từ ngày vợ đổ bệnh, anh Hiền càng phải làm việc vất vả thêm gấp bội để lo cho gia đình nhỏ bé. Cũng vì thế, con trai đầu của anh Hiền đang học dở lớp 11 đánh rời ghế nhà trường để phụ giúp cha mẹ mưu sinh. Công việc mà em chọn là phụ hồ với tiền lương dao động từ 150-180.000đ/ngày.
Cảm thương trước hoàn cảnh của vợ chồng anh Hiền, năm 2013, một số cá nhân, tổ chức đã ủng hộ, xây dựng cho anh căn nhà cấp bốn. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, đắp đổi qua ngày nhưng vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan ngoãn là những thứ quý giá nhất, lớn lao nhất mà anh Hiền có được.