Tự hào một vùng địa linh
Nổi tiếng là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, Chùa Hương Tích ngự trên một trong bảy ngọn núi đẹp nhất của dãy Ngàn Hống, không chỉ nổi tiếng với các huyền thoại thiêng liêng mà còn là danh thắng đẹp, làm say đắm lòng người. Câu chuyện về công chúa Ba Diệu Thiện - con vua Trang Vương nương náu tu hành, trở thành Phật Bà Quan Âm Bồ Tát che chở cho chúng sinh qua khỏi bể khổ là một huyền tích đẹp, đầy tính hướng thiện, hấp dẫn du khách.
Dấu tích “Phúc Giang thư viện” lưu giữ hàng trăm bản sách bằng gỗ và “Trường Lưu học hiệu”, trường học tư thục đầu tiên của nước ta đã đào tạo nên bao nhiêu hiền tài gắn với tên tuổi nhà văn hóa Nguyễn Huy Oánh. Người Trường Lưu hôm nay tuy không còn hát ví phường vải, không đi chợ Quan, không đọc sách gỗ nhưng vẫn giữ cốt cách, phong độ của những người lấy đạo học làm lẽ sống ở đời.
Cùng với di sản văn hoá cha ông để lại, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhân dân Can Lộc cũng khẳng định truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên trung, anh dũng. Đến nay, các khu di tích cách mạng trên đất Can Lộc còn lưu giữ vẹn nguyên tinh thần ấy. Khu di tích lịch sử Xô Viết - Nghệ Tĩnh (Ngã ba Nghèn) là nơi ghi lại những chứng tích lịch sử Cách mạng năm 1930 - 1931. Từ tháng 5/1930 đến năm 1931 đã có hơn 40 cuộc biểu tình ở cả huyện và tổng với hàng ngàn người tham gia, trong đó tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh ngày 01/8/1930 của hơn một ngàn người ở cả hai vùng Thượng và Hạ Can Lộc kéo về huyện đường đòi lại công điền, công thổ, đòi quyền tự do dân chủ.
Nằm trên tuyến đường 15 lịch sử, Ngã ba Đồng Lộc là bản hùng ca cách mạng về tinh thần quả cảm, sự hy sinh không tiếc máu xương của lớp lớp thế hệ TNXP Hà Tĩnh. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tuyền tuyến lớn miền Nam. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích đường Trường Sơn.
Ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Hiện nay huyện Can Lộc có 65 di tích được xếp hạng (15 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh). Các di tích lịch sử - văn hóa hiện còn lưu giữ nhiều đạo sắc và văn hóa cổ, đây là biểu tượng cho sự giao hòa, đan xen giữa văn hóa dân gian với văn hóa bác học... điều này, tạo nên một nét riêng, thể hiện cốt cách, tinh thần của Can Lộc trong sự nghiệp đổi mới”.
Chiếc nôi nuôi dưỡng hiền tài
Nổi danh là vùng đất "địa linh - nhân kiệt", trong thời kỳ phong kiến Can Lộc có khoảng 40 vị đỗ đại khoa (tiến sĩ) và rất nhiều danh nhân văn hóa như: Thám hoa Đặng Bá Tĩnh (đời nhà Trần), danh tướng Đặng Tất và Đặng Dung (thời Hậu Trần), Quốc tử giám Tế tửu Phan Viên (1421-?), Thượng thư kiêm Sử quán Tổng tài Đặng Minh Khiêm, Đặng Chiêm, Tiến sĩ Nguyễn Hành,Trấn quốc Thượng tướng quân Tuy thọ Hầu Trần Phúc Tuy, Quan tổng trị thống lĩnh đạo Nghệ An Trần Đình Tương, Đội trưởng quản Phủ Trịnh Trần Tất Thục, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Đô đốc Phan Văn Lân, Đại Tư mã Ngô Văn Sở (danh tướng nhà Tây Sơn), danh tướng Ngô Phúc Vạn, nhà văn hóa Hà Tông Mục, Thượng thư Hà Tông Trình, Đình nguyên, Hoàng giáp Vũ Diễm, Tể tướng Dương Trí Trạch, Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, nhà thơ Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Đình nguyên Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính, chí sĩ Ngô Đức Kế, nhà yêu nước Võ Liêm Sơn, chí sĩ Nguyễn Trạch, nhà cách mạng Đặng Văn Cáp,...
Như mạch nguồn chảy mãi, thời nào, Can Lộc cũng đóng góp cho đất nước những bậc hiền tài, tuấn kiệt. Trong văn chương, nhà thơ Xuân Diệu mãi là một tên tuổi sáng giá, trong đấu tranh cách mạng có nữ anh hùng La Thị Tám. Trên lĩnh vực khoa học có Giáo sư vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Tứ, Giáo sư toán học Phan Đình Diệu, GS.TS.NGND Trần Văn Huỳnh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất); GS.TS Nguyễn Thụ (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội); Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ; Trung tướng, Phó Giáo sư Trần Văn Độ (Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao), Thiếu tướng, Giáo sư Lê Năm (Giám đốc Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác), doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Giáo sư TSKH toán học Nguyễn Tử Cường... và nhiều chính khách, nhà khoa học, doanh nhân khác.
Trong giai đoạn hiện nay, phát huy truyền thống hiếu học, Can Lộc tiếp tục xây dựng nền giáo dục phát triển toàn diện. Trong 5 năm qua, Can Lộc có 11.254 học sinh giỏi huyện, 691 học sinh giỏi tỉnh, 49 học sinh giỏi quốc gia… Năm học 2015 - 2016, em Nguyễn Huy Trường Nam, người con của quê hương Can Lộc, của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu nổi tiếng, là người Hà Tĩnh đầu tiên giành học bổng vào Đại học Harvard, cái nôi đào tạo nên những nhà khoa học hàng đầu thế giới ...