“Bắc cầu mà noi…”

Thứ bảy - 10/06/2017 14:55
Một cây cầu phục vụ hàng nghìn lượt người qua lại mỗi ngày; còn một cây cầu xây xong để chơi. Âu cũng là bài học về cung cách làm việc của những quan chức thời nay!
Cổng Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội là địa điểm có lượng người và xe qua lại rất đông. Thêm vào đó là số người đến khám chữa bệnh cùng người nhà đi theo phục vụ sang đường tấp nập suốt ngày. Tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên. Trước cảnh ngộ ấy, một bệnh nhân đang chữa trị tại Bệnh viện K đã viết bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, xin xây lắp một cây cầu vượt cho người dân sang đường. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cho kiểm tra và yêu cầu TP Hà Nội triển khai ngay dự án xây cây cầu vượt ở đây.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã khẩn trương thực hiện chỉ đạo ấy. Và ngày 23/7/2015, cây cầu vượt đã đưa vào phục vụ người dân, người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện K. Nhiều người dân phấn khởi khi có cây cầu này bởi hiệu quả kịp thời và thiết thực của nó.

Những cây cầu như thế khẳng định việc đầu tư đúng mục đích, mang lại quyền lợi cho nhiều người dân. Nhưng hiện nay, còn nhiều địa phương đã phạm sai lầm khi xây dựng những cây cầu kém hiệu quả, lãng phí tiền bạc của Nhà nước. Tiêu biểu là cầu Khe Tây (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Một cây cầu treo trị giá 3,5 tỉ đồng, hạn sử dụng 25 năm nhưng chỉ phục vụ cho 2 hộ dân. Thật là điều không thể chấp nhận!

Cầu vượt trước cổng Bệnh viện K Thanh Trì

Hai năm nay, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Giao thông Vận tải dành ngân sách để xóa cầu tạm, cầu khỉ ở những địa bàn khó khăn về giao thông, nơi nhân dân phải qua sông, qua suối trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng. Dựa vào chủ trương đó nên lãnh đạo xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh đã xin cấp trên cho xây cầu Khe Tây. Nhưng do những điều khuất tất của chính quyền địa phương và sự quan liêu của cấp có thẩm quyền phê duyệt nên mới “đẻ” ra cây cầu này.

Khi địa phương làm báo cáo đề xuất xây cầu Khe Tây thì đưa ra con số “ảo” là hằng ngày có 500 lượt người qua lại và có 42 hộ dân được hưởng lợi từ cây cầu.

Nhưng thực tế thì con số 500 lượt người qua cầu Khe Tây một ngày đêm là không có căn cứ. Số liệu này do xã Sơn Thọ và các ban, ngành liên quan “tự nghĩ ra”. Và ngay cả danh sách 42 hộ dân hưởng lợi từ việc xây cầu cũng có những bất thường.

Báo cáo của đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: “Trước mắt, có 26 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp và sau này là 42 hộ. Lưu lượng người qua lại theo biên bản làm việc ngày 1/1/2014 giữa đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty CP TVTK GTVT4) với đại diện chính quyền địa phương (huyện Vũ Quang và xã Sơn Thọ) là 500 lượt/ngày đêm”.

Một cán bộ ban quản lý dự án (Sở GTVT Hà Tĩnh) khẳng định, không có đoàn kiểm tra nào vào tận nhà người dân để nắm thông tin; thay vào đó, chỉ dựa vào văn bản giải trình của xã Sơn Thọ và huyện Vũ Quang rồi báo cáo lên trên. Còn ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thì thừa nhận với báo chí, dù trực tiếp vào khảo sát hiện trường hai lần nhưng ông “chỉ thẩm định vị trí đặt mố cầu chứ không tham gia thẩm định về mặt kinh tế - xã hội”.

Ông Bùi Đức Đại, Phó giám đốc Sở GTVT dẫn đầu một đoàn vào kiểm tra nhưng cũng không đi đến tận nơi mà chỉ nghe ông Nguyễn Đình Dũng, Phó chủ tịch xã Sơn Thọ báo cáo “người dân thường xuyên đi qua cầu treo”. Người dân trong xã nói với lãnh đạo sở GTVT và xã Sơn Thọ rằng, họ không biết chuyện xây dựng cầu treo và cũng không ký tên vào danh sách hưởng lợi từ việc xây cầu nào cả. Và chính từ thông tin đó mới lộ ra sự giả dối nữa của lãnh đạo xã về bản danh sách 42 hộ dân hưởng lợi cây cầu. Cầu xây xong từ tháng 6 thì đến tháng 7 xã mới có bản danh sách gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Và cái danh sách 42 hộ dân được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp cho báo chí thì 42 chữ ký này nét bút rất giống nhau!

Khi sự việc vỡ lở, ông Phạm Quốc Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Quang nói rằng: “Trên cho thì nhận thôi. Nếu huyện đầu tư thì câu chuyện hoàn toàn khác. Địa điểm xây cầu này chưa cấp bách”. Và đến bây giờ, các nhà khảo sát, thiết kế kiểm tra lại, cộng với ý kiến của người dân ở đây thì mới nhận ra rằng: Địa hình xã Sơn Thọ chỉ thích hợp xây cầu tràn!

Thế là đã rõ, chỉ vì lợi ích cục bộ của một nhóm cán bộ địa phương mà “nướng” 3,5 tỉ đồng ngân sách vào cây cầu treo Khe Tây để bỏ phí, không có người qua lại. Đó là hậu quả của căn bệnh cấp dưới báo cáo láo, cấp trên thì quan liêu, xa rời thực tế.

Từ xa xưa, các cụ ta đã có câu: “Bắc cầu mà noi, ai bắc cầu mà lội”.

Chuyện hai cây cầu mang ý nghĩ trái ngược nhau: Một cây cầu phục vụ hàng nghìn lượt người qua lại mỗi ngày; còn một cây cầu xây xong để chơi. Âu cũng là bài học về cung cách làm việc của những quan chức thời nay!

Theo Petrotimes.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây