Hơn 1 tháng trôi qua việc tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân bị chủ cơ sở thẩm mỹ Cát Tường làm chết, sau đó ném xác xuống sông Hồng vẫn chưa có kết quả.
Sẽ tìm kiếm ở 5 vị trí khả thi nhất
Nhiều nhà khoa học đã vào cuộc sử dụng máy địa bức xạ để tìm kiếm thi thể. Đến ngày 9/12, sau 8 ngày dò tìm ở dưới nước và trên cạn, họ đã phát hiện ra 52 vị trí khả nghi có xác.
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, người tham gia tìm thi thể chị Huyền cho biết, ở dưới nước, ông bắt đầu tìm kiếm từ khu vực cầu Long Biên xuôi dòng sông Hồng xuống đến huyện Thường Tín, Hà Nội. Trên bờ, ông tìm theo lộ trình bác sĩ Tường khai từ chỗ chở xác chị Huyền (thẩm mỹ Cát Tường) đến vị trị vứt xác (cầu Thanh Trì).
“Trên bờ chúng tôi tìm thấy 2 vị trí khả nghi gần cầu Vĩnh Tuy. Còn dưới nước chúng tôi tìm được 50 vị trí khả nghi có xác. Từ giờ đến cuối tuần, chúng tôi sẽ tập hợp xử lý số liệu và đưa ra 5 vị trí khả thi nhất gửi sang bên công an. Họ sẽ lên phương án tìm kiếm 5 vị trí này. Chúng tôi là nhà khoa học nên chỉ có nhiệm vụ tìm ra những vị trí khả nghi nhất”, Tiến sĩ Bằng nói.
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng dùng máy địa bức xạ tìm kiếm thi thể chị Huyền (ảnh trái)
Ông Bằng cho rằng, xác chị Huyền bị vùi lấp ở dưới lớp cát đáy sông chứ không nằm trơ ở trên đáy sông do vậy nếu cứ dùng phương pháp mò tìm thì phí tiền, phí sức, không hiệu quả. Phương án hiệu quả nhất là nên thuê máy xúc cát đào bới ở những vị trí khả thi. Cách tìm kiếm này ông Bằng cũng đã đề xuất lên phía cơ quan công an.
“Qua 8 ngày tìm kiếm, dựa vào vị trí máy địa bức xạ báo chúng tôi có thể kết luận, chắc chắn xác của chị Huyền đang nằm ở dưới sông. Giờ phần việc còn lại, chúng tôi phải ngồi phân tích, và đưa ra được những vị trí có khả năng xác chị Huyền nằm ở đó. Như vậy việc tìm kiếm thi thể của gia đình nạn nhân, cơ quan chức năng sẽ nhanh và có hiệu quả hơn” chủ máy địa bức xạ nói.
Gia đình nạn nhân sẽ thuê máy xúc cát tìm kiếm thi thể
Trao đổi với phóng viên sáng ngày 10/12, ông Phạm Đức Quang, cậu ruột chồng nạn nhân Huyền cho hay, từ trước đến nay phía cơ quan công an và nhà khoa học vẫn tìm kiếm độc lập, gia đình không được biết. Tuy nhiên, kết thúc cuộc tìm kiếm, ông Bằng cũng có liên hệ với gia đình ông trao đổi về quá trình tìm kiếm của mình.
Về phía cơ quan công an, sau khi họ có được kết quả những vị trí khả thi từ nhà khoa học cung cấp. Nếu họ có phương án tìm kiếm ngay và cần gia đình phối hợp trong quá trình tìm kiếm thì gia đình luôn sẵn sàng.
Theo ông Quang, trong thời gian tới nhà khoa học đưa ra 5 vị trí khả thi mà phía cơ quan chức năng không có phương án tìm kiếm thì gia đình ông sẽ chủ động thuê máy xúc cát ở lòng sông tìm ở những vị trí ấy.
Gia đình nạn nhân tham gia tìm kiếm thi thể ở khu vực sông gần cầu Thanh Trì
“Gia đình chúng tôi quan niệm chỉ cần có một tia hy vọng nhỏ cũng phải tìm kiếm thi thể cháu Huyền. Hiện tại tôi đã liên hệ với lãnh đạo bên Cảng Hà Nội thuê máy xúc cát. Nghe đâu, mỗi lần máy thả gầu xuống sông cũng múc lên được hơn 1 khối cát. Nếu gia đình sử dụng phương pháp này cũng sẽ nhanh và hy vọng sẽ tìm thấy thi thể cháu Huyền”, ông Quang chia sẻ.
Trong mấy ngày gần đây, nhà khoa học tìm kiếm thi thể chị Huyền, ông Quang cũng đi theo và chứng kiến phương pháp tìm kiếm bằng máy địa bức xạ của ông Bằng. Ông Quang nói rằng, đến thời điểm hiện tại phương án tìm kiếm của ông Bằng vẫn là tin cậy nhất. Bởi vì trước đó cũng có nhiều nhà ngoại cảm tìm kiếm giúp cho gia đình nhưng rồi chẳng biết thực hư ra sao.
Ông Quang cũng thừa nhận, chiếc máy địa bức xạ cũng có một số điểm còn hạn chế như cho kết quả trong một môi trường rộng, không thể xác định được rõ đâu là thi thể cháu Huyền. Cái nữa, máy phát hiện cả những dấu tích tồn dư của những cái xác đã từng đi qua đoạn sông tìm kiếm nên hơi khó khăn.
“Nhưng dù sao tôi vẫn nghĩ, phương pháp tìm kiếm trên vẫn có cơ sở khoa chứ không giống như việc một số nhà ngoại cảm chỉ dẫn việc tìm kiếm. Đôi khi gia đình tôi vẫn hoang mang, mơ hồ”, ông Quang nói.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn