Sinh năm 1985, do căn bệnh bại não mắc phải khi mới một tuổi, Lê Quang Lĩnh (TP. Hà Tĩnh) bị co cơ dẫn đến một tay gần như không thể làm gì, đôi bàn chân khó cử động. “Tôi được nghe kể lại rằng, khi biết kết quả chẩn đoán bệnh tình của tôi, bố mẹ chết lặng, suy sụp tinh thần. Dù bác sĩ đã kết luận, nhưng họ vẫn luôn hy vọng về một phép màu nào đó. Bố mẹ nén chặt nỗi đau vào lòng, vừa làm lụng mưu sinh vừa tìm cách chữa trị cho tôi. Thời gian cứ thế trôi đi, tôi đến tuổi đi học, bố mẹ quyết tâm cho tôi đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa, nuôi dưỡng ước mơ từng con chữ”, Lĩnh tâm sự.
Lê Quang Lĩnh vẽ chân dung Bác Hồ
Thế nhưng, ít năm sau, bệnh tình ngày càng nặng, tiếng nói không còn tròn trịa nữa, việc phát âm khó khăn, Lĩnh phải nghỉ học. Cứ ngỡ rằng cuộc đời của anh mãi chìm trong bóng tối nhưng tất cả đã thay đổi khi anh tìm thấy niềm đam mê với hội họa - bộ môn nghệ thuật anh được học ở Cung Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh. Bút vẽ, bảng màu, toan… là bạn đồng hành của Lĩnh trong hành trình vượt qua nỗi buồn, thoát khỏi mặc cảm, tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Mahatma Gandhi từng nói: “Sức mạnh không đến từ thể chất. Nó đến từ ý chí bất khuất”. Quả vậy, để có thể cầm được bút vẽ, Lĩnh phải rèn luyện cách cầm cọ, điều khiển những ngón tay di chuyển theo mong muốn của mình. Nhiều lúc say mê, ngồi vẽ quá lâu, cánh tay phải co rút lại, đau đớn tột cùng, nhưng anh không nản chí. Một bức tranh đơn giản với người bình thường chỉ mất khoảng một ngày, thì Lĩnh phải mất cả tháng vì anh chỉ vẽ bằng tay trái, với ba ngón tay còn lại. Thế nhưng, chưa bao giờ tâm hồn và cảm xúc của cậu bé Lĩnh lại được giải tỏa một cách mãnh liệt đến thế.
Niềm đam mê với bộ môn vẽ đã đưa Lĩnh đến khắp nơi trong tỉnh Hà Tĩnh, từ Nhà Văn hóa thiếu nhi, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du), rồi nhà các họa sĩ. Khi những bức tranh màu nước đơn giản không còn thỏa mãn được Lĩnh, anh may mắn được thầy Lê Anh Hải nhận làm học trò. Từ đó, anh bước chân vào thế giới hội họa thực thụ, làm quen với sơn dầu và tiếp thu những kiến thức nền tảng về hội họa.
Lê Quang Lĩnh nhớ lại: “Trong khoảng 3 năm, ngày nối ngày, dù nắng hay mưa, tôi đều đến nhà thầy luyện vẽ. Bàn tay của tôi ngày càng thành thạo hơn. Tư duy về hội họa của tôi ngày càng mở mang thêm nhiều kiến thức quý giá. Thầy Hải giới thiệu tôi với nhiều thầy cô giáo khác ở Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của mọi người, càng vẽ tôi càng say sưa, có những đêm tôi thức trắng để vẽ. Bức tranh đầu tiên tôi hoàn thành tuy còn giản đơn nhưng mang đến niềm hạnh phúc lớn lao”.
Cùng với thời gian, sự kiên trì, không ngừng học hỏi của Lĩnh đã được đền đáp. Anh đã đạt được nhiều giải thưởng về hội họa, trong đó có giải Nhất Cuộc thi vẽ tranh Alaxan - Chiến thắng nỗi đau năm 2006; giải Đặc biệt Cuộc thi tranh, ảnh về người khuyết tật do Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) tổ chức năm 2011; giải Nhì vẽ tranh trừu tượng với đề tài Mở cửa bước ra thế giới của Education First (EF), một tổ chức được thành lập năm 1965 tại Thụy Điển... Anh được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc trong phong trào Người tàn tật và trẻ mồ côi vượt khó giai đoạn 2005 - 2010.
Lê Quang Lĩnh đặc biệt thích vẽ phong cảnh
Năm 2012, 2013, Lĩnh dự triển lãm nhóm mỹ thuật chủ đề “Khát vọng” và “Ngày mới” trong chương trình Phát triển không gian văn hóa và chương trình Tình sông Hương tại thành phố Huế. Từ năm 2012 đến nay, Lĩnh đều có tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV Bắc miền Trung với nhiều tác phẩm giàu hình tượng nghệ thuật như: “Một góc thị xã”, “Lễ hội”, “Vui mùa”, “Lễ cầu mùa”, “Mùa nắng hạ”, “Luồng chạy cảm xúc”.
Năm 2013, Lê Quang Lĩnh được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, chuyên ngành Mỹ thuật và đến tháng 10.2019 anh được kết nạp Hội Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành Hội họa. Đó là niềm vui, tự hào của Lĩnh khi anh có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi các họa sĩ đi trước để từng bước hoàn thiện hơn về mặt chuyên môn, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp.
Trong nhiều chuyến tham gia trại sáng tác của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, Lĩnh luôn thể hiện nghị lực, khát khao được vẽ. Anh vẽ mọi thứ xung quanh, gia đình, làng xóm, những đứa trẻ, những số phận dung dị đời thường, và đặc biệt thích vẽ phong cảnh, những đồng lúa, bờ đê...
Làng trẻ em mồ côi ở Hà Tĩnh giờ như ngôi nhà thứ hai của Lĩnh khi anh thường xuyên đến đây dạy vẽ, chia sẻ, động viên để các em không cảm thấy thiệt thòi. Từ kinh nghiệm và những gì mình đã trải qua, anh muốn không chỉ truyền nghề mà còn cả truyền cảm hứng cho trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn và đang tìm một con đường để đi tới. Anh cũng từng chia sẻ mong muốn mở một phòng triển lãm tranh dành cho người khuyết tật. “Đây sẽ là nơi các tác phẩm nghệ thuật của người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận với khán giả yêu hội họa”.
Số phận không may mắn, nhưng tinh thần, nghị lực sống của Lĩnh trở thành tấm gương sáng cho nhiều người noi theo. “Tấm gương vĩ đại mà giản dị của Bác Hồ vẫn luôn song hành cùng mỗi bước tôi đi, là nguồn động viên tinh thần giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống để từ đó, tôi tiếp sức động viên những người cùng cảnh ngộ vượt lên số phận, trở thành người có ích cho xã hội...”, Lĩnh nói.