Để văn hóa đọc đi vào đời sống

Thứ sáu - 22/04/2022 15:56
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách.
 
D2022042217
Chiến sĩ trẻ BĐBP Hà Tĩnh hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022. Ảnh: Minh Toàn

Con số trên đặt ra bao trăn trở. Văn hóa đọc đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách cá nhân, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển con người, cũng chính là sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Song làm thế nào để thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay thích đọc sách, yêu sách, trân quý sách vẫn là câu hỏi lớn.

Với sự bùng nổ của công nghệ, không thể phủ nhận văn hóa đọc của người trẻ đang chịu những tác động mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, người trẻ dễ dàng bị hấp dẫn bởi các trang mạng xã hội thay vì sách báo. Họ có thói quen đọc lướt, đọc nhanh thay vì nghiền ngẫm. Cùng với đó là xu hướng tìm kiếm các thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là âm thanh hay con chữ, được cá nhân hóa theo sở thích.

Theo chuyên gia văn hóa, hiện nay, đa phần người đọc không còn tìm tới đọc sách như một hình thức giải trí, thư giãn và suy tư cho những ý tưởng sáng tạo mà thường bị áp lực đọc để phục vụ công việc hoặc đó là nhiệm vụ mà họ phải thực hiện.

Dù vậy, chúng ta lạc quan khi thấy mô hình “thư viện số” trên internet đang dần thay thế thư viện truyền thống. Những khách hàng trẻ có xu hướng dành nhiều thời gian để sử dụng internet, sử dụng thiết bị di động để tiếp nhận thông tin. Việc đọc sách giờ đây có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Đây là tiền đề để ứng dụng công nghệ số phát triển hình thức audiobook (sách nói) và hình thành thói quen nghe đọc sách của người Việt.

Trong thời đại 4.0, xuất hiện ngày càng nhiều các diễn đàn đọc sách, giới thiệu, review (bình luận) sách trên nền tảng các mạng xã hội thu hút công chúng như: Docsachonline.vn; bookhunterclub.com; sachvui.com; tramdoc.vn... có đến hàng triệu người tham gia.

Các nhà xuất bản, hội văn học nghệ thuật cũng hoạt động sôi nổi thông qua các website. Kinh doanh, mua bán xuất bản sách qua thương mại điện tử phát triển mạnh trong những năm gần đây. Không ít người mê đọc sách đã hình thành thói quen mua sách qua các ứng dụng thương mại điện tử, như: Tiki, Shopee, Lazada... thay vì phải đến các nhà sách, hiệu sách.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam hiện có dân số trẻ, nếu hình thành thói quen đọc sách sớm thì dù đến tuổi trưởng thành, bận rộn thế nào cũng sẽ dành thời gian nhất định cho việc đọc.

Tuy nhiên, cần nhận thức rõ, việc xây dựng gốc rễ, bền lâu trong văn hóa đọc rõ ràng là một việc không thể áp đặt cứng nhắc bằng mệnh lệnh hành chính mà là cả một quá trình bền bỉ, lâu dài từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Sau 8 năm thực hiện Ngày Sách Việt Nam, chúng ta đã có những phong trào về văn hóa đọc, nhiều hoạt động khuyến đọc được tổ chức thông qua các hội chợ sách, giao lưu với tác giả, nhà xuất bản... Tại nhà trường, khu dân cư, các tủ sách, thư viện nhỏ cũng được xây dựng, song dường như những điều này mới chỉ là phần ngọn, chưa phải là gốc rễ.

Thói quen đọc sách phải được gieo trồng từ thời thơ ấu, nảy mầm và trở thành khát khao tự nhiên, sẽ theo ta suốt cuộc đời. Cùng với xã hội và nhà trường, gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ. Phải cho các bạn trẻ có không gian đọc sách, thời gian đọc sách để rồi hình thành thói quen đọc sách, từ đó mới có tình yêu đối với sách.

Có nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa đọc đi xuống một phần do việc tự đọc, tự học trong nhà trường bị xem nhẹ. Cùng với một loạt nguyên nhân được chỉ ra như hình thức xuất bản cũ kỹ, không đủ hấp dẫn, hệ thống thư viện lạc hậu...

Song nguyên nhân sâu xa chính là chưa lan tỏa được ý nghĩa của việc đọc sách và đã gán cho việc đọc sách quá nhiều thông điệp lớn lao khiến cho các bạn trẻ cảm thấy áp lực. Việc đọc không chỉ là phong trào mà phải là nhu cầu tự thân. Có lẽ như vậy, tình yêu với sách mới có thể được bồi đắp qua thời gian.
Thanh Thảo
Theo bienphong.com.vn


Link gốc: https://www.bienphong.com.vn/de-van-hoa-doc-di-vao-doi-song-post450054.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây