Cách đây 5 năm, người phụ nữ (30 tuổi, Hà Nội) đặt vòng tránh thai sau khi sinh hai con. Khoảng 6 tháng trước, chị cảm thấy mệt mỏi, đến viện khám mới phát hiện mang thai. Lúc này chị vẫn đang đặt vòng trong tử cung.
Chị được bác sĩ quản lý thai kỳ chặt chẽ, sinh mổ khi thai nhi 40 tuần. Sau khi bé trai chào đời khỏe mạnh, bác sĩ cũng lấy chiếc vòng tránh thai ra khỏi tử cung cho mẹ.
Bác sĩ bế em bé vừa chào đời cùng vòng tránh thai của mẹ. (Ảnh: BVCC)
Theo chia sẻ của BSCKII Hà Cẩm Thương - Phó khoa Sản khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - người trực tiếp phẫu thuật cho sản phụ, việc một em bé chào đời khi trong tử cung người mẹ vẫn còn vòng tránh thai là điều hiếm gặp. Em bé chào đời khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông là niềm hạnh phúc rất lớn của gia đình sản phụ và cả các bác sĩ.
Vòng tránh thai là phương pháp ngừa thai phổ biến và hiệu quả cao, nhưng không phải là tuyệt đối. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vòng, như vòng di chuyển khỏi vị trí ban đầu, vòng bị hư hỏng hoặc các yếu tố liên quan đến cơ thể người phụ nữ.
Trong trường hợp này, vòng tránh thai không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi do nằm bên ngoài túi ối, không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho bé.
Một số lưu ý sau khi đặt vòng tránh thai
Sau khi đặt vòng, phụ nữ nên duy trì việc đi khám phụ khoa theo các mốc 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Sau đó mỗi năm nên đi khám một lần để kiểm tra vị trí của vòng có đúng không, thời hạn của vòng cũng như tình trạng sức khỏe phụ khoa hiện tại.
Đến cơ sở y tế kiểm tra khi có những dấu hiệu bất thường. Chị em không để vòng tránh thai hết hạn trọng cơ thể. Tùy vào các loại vòng sẽ có thời hạn khác nhau, nên chú ý thời gian của vòng để đi thay mới nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực hiện đặt vòng tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt, đảm bảo điều kiện vô trùng.
Như Loan
Theo VTC News