CLB ca trù Nguyễn Công Trứ đang từng ngày
góp phần quảng bá giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể
đại diện của nhân loại
Cổ Đạm - cái nôi của ca trù
Đến Nghi Xuân vào một ngày đẹp trời, được sự chỉ dẫn tường tận của anh Nguyễn Long Thiên, Phó trưởng Phòng văn hóa- thông tin huyện, chúng tôi có dịp được tìm hiểu nhiều về nghệ thuật ca trù. Anh Thiên vốn được thừa hưởng niềm đam mê ca trù từ người cha của mình ( ông Nguyễn Ban, Hội trưởng Hội văn hóa nghệ thuật, Nguyên giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Nghi Xuân), đồng thời cũng là người tỏ ra am hiểu về ca trù Cổ Đạm giãi bày: "Trong kho tàng văn hóa xứ Nghệ, huyện Nghi Xuân là một địa danh có nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian như: Vè, hò, ví, dặm, diễn tích Trò Kiều, hát tuồng (hát bội), hát ru ngâm Kiều, Sắc bùa nhưng được nhiều người, nhiều vùng, nhiều thời biết đến và trân trọng đó là ca trù Cổ Đạm. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, ca trù xuất hiện từ thời Triệu Đà, thời Lý Trần và hưng thịnh nhất là giai đoạn hậu Lê bước sang vương triều nhà Nguyễn. Ca trù - một loại hình văn nghệ sinh ra từ dân gian phát triển đi vào cung đình, trở thành một lối chơi phong lưu, tao nhã, đã trải qua nhiều triều đại. Rồi lại từ cung đình phổ biến ra chốn dân gian tạo nên những áng văn thơ tuyệt bút”.
Tương truyền, "đất tổ” của ca trù là xã Cổ Đạm. Chuyện kể rằng, xưa dưới chân núi Hồng Lĩnh có một chàng trai tên là Đinh Lễ vốn học rộng tài cao nhưng không màng công danh khoa cử mà chỉ thích ngao du sơn thuỷ với tiếng hát cây đàn. Có lần chàng đi sâu vào Ngàn Hống gặp được hai vị tên là Lã Đồng Tân và Lý Thiết Quài, được tiên ông cho một mẩu gỗ ngô đồng và bản vẽ cây đàn. Về nhà, chàng theo mẫu làm thành cây đàn gọi là đàn đáy, khi cất lên, chim, cá cũng ngơ ngẩn lắng nghe. Với cây đàn, chàng đi khắp nơi dạy cho nhân gian những điệu hát làm say đắm lòng người mà ngày nay vẫn gọi là ca trù. Có lần chàng đến châu Thường Xuân (Thanh Hoá). Viên quan châu ở đây tên là Bạch Đình Sa có nàng con gái tên gọi Bạch Hoa, tuổi đã tròn đôi tám mà chưa biết nói. Khi nghe tiếng đàn Đinh Lễ, cô gái đang ăn cơm liền lấy đũa gõ vào mâm theo nhịp tiếng đàn. Quan châu cho mời Đinh Lễ vào nhà đàn hát và khi dứt tiếng đàn, Bạch Hoa cất lên được tiếng nói. Cho là duyên kỳ ngộ, Bạch Đình Sa tác hợp cho hai người nên đôi lứa. Đinh Lễ đưa Bạch Hoa về Cổ Đạm dạy đàn hát cho trai gái trong vùng. Từ đó đất này thịnh hành lối hát gọi là ca trù. Về sau cả hai đều không bệnh về trời. Dân Cổ Đạm lập đền thờ, phong làm tổ sư của ca trù.
Từ Cổ Đạm, ca trù được lưu truyền khắp nơi. Dù được phổ biến và thịnh hành qua nhiều đời vua chúa nhưng ca trù Cổ Đạm vẫn có những nét riêng khác biệt khó lẫn với những vùng, miền khác như: hát nhanh và đanh hơn; tiết tấu rõ hơn và không luyến láy; ngưng nghỉ nhiều, cách lấy hơi nhàn nhã, thư thái hơn; phần đệm đàn, phách cũng có sự khác biệt, phách ca trù Cổ Đạm đánh gọn, giòn, ngắn gọn hơn xứ Bắc. Và ngày 1-10-2009, khi UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể, thì di sản này trở thành niềm tự hào của người Việt. Dẫu vậy, gánh nặng lại đặt lên vai những người làm công tác văn hóa, bởi ca trù khác với những loại hình nghệ thuật khác do nó quá kén chọn người nghe.
Nỗi lo mai một
Sách xưa ghi chép: "Những ngày mở hội ca trù, tế tổ đào nương, giai nhân tài tử các nơi đua nhau về Cổ Đạm thi tiếng đàn, tiếng hát, cảnh tưng bừng, nhộn nhịp không thua kém gì ở Thăng Long” (Vũ Ngọc Khánh. Ba trăm năm lẻ. NXB Văn hóa, 1988). Ấy thế mà nay ca trù đang cần "bảo vệ khẩn cấp”...
Được hình thành lâu đời, phổ biến rộng rãi và có giá trị lớn lao là vậy nhưng ca trù Cổ Đạm vẫn không tránh khỏi sự mai một theo thời gian. Chứng kiến không khí ở CLB ca trù Nguyễn Công Trứ vào những ngày chuẩn bị cho Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Bắc Trung bộ năm 2013 khá nhộn nhịp. Mỗi khi cất lên tiếng phách, tiếng đàn, lời ca thì các ca, kép như đắm mình vào một thế giới chỉ có âm nhạc. Cứ ngỡ những ca nương kia không vướng bận với nỗi lo cơm áo gạo tiền…Nhưng thực tế phũ phàng hơn tôi tưởng. Ca nương Dương Thị Xanh tâm sự: "Chúng tôi phải đi làm để nuôi ca trù, chứ ca trù không thể nuôi được chúng tôi. Nhiều lúc bỏ tiền túi ra để mua trầu, cau, nước nôi...phục vụ cho các kỳ sinh hoạt CLB chúng tôi không tiếc, chỉ tiếc là không giữ chân được các thành viên, không thu hút được nhiều người tham gia”.
Về cái nôi của ca trù Cổ Đạm, tôi cố tìm một nghệ nhân thuộc thế hệ đời trước, với mong muốn được nghe những "báu vật sống” ngân lên những lời ca cổ đã từng một thời làm đắm say những bậc quý nhân quân tử. Nhưng nghe chừng rất khó khăn. Hiện tại, cả xã chỉ còn 2 nghệ nhân lớn tuổi là cụ Phan Thị Nga và Trần Thị Gia, cả 2 cụ nay đều đã gần 90 tuổi. Có lẽ do tuổi cao sức yếu nên các cụ không còn minh mẫn cho lắm và khó cất lên tiếng hát ca trù như xưa. Điều lấy làm day dứt là dường như loại hình nghệ thuật này vẫn chiếm giữ một cõi thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Cổ Đạm, song có những lý do bất khả kháng mà ca trù dần phai nhạt ngay tại chính quê hương của nó.
Anh Trần Văn Đài - Phó chủ nhiệm CLB ca trù Cổ Đạm chia sẻ: "Vì lòng đam mê và mong muốn giữ lại nét văn hóa quý giá của quê mình, vợ chồng chúng tôi đã nhận nhiệm vụ khôi phục lại ca trù. Lúc mới thành lập, CLB có khoảng 42 thành viên với đầy đủ 3 thế hệ nhưng hiện nay chỉ còn vỏn vẹn 18 người, CLB quy định sinh hoạt vào tối thứ 7 hàng tuần nhưng rất khó để tuân thủ mà chỉ sinh hoạt theo mùa vụ, lúc nông nhàn, mùa hè hoặc có hội thi thì mới tổ chức tập diễn được”. Theo anh Đài, CLB đã đào tạo được khá nhiều người thành thạo nhưng chỉ được một thời gian là họ đi xa làm ăn, kiếm kế sinh nhai, lấy chồng, đi học...nên CLB dần ít người đi.
Còn bà Trần Thị Cảnh - Phó giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Nghi Xuân cho hay: "Cái tâm của những người tham gia CLB ca trù Nguyễn Công Trứ và Cổ Đạm là mong muốn lưu truyền và phát triển môn nghệ thuật này, nhưng càng ngày chúng tôi càng lo mất đi cái di sản quý giá của ca trù, vì nó ít được quan tâm đầu tư hơn. Không gian diễn xướng không có, nên muốn quảng bá đến công chúng cũng khó, may mà có Đền thờ Nguyễn Công Trứ nếu không cũng không biết tập, biểu diễn ở đâu. Trước đây, phong trào hát ca trù đã có thời nở rộ, dao động từ 40 đến 70 người, chúng tôi đã sưu tầm được 21 làn điệu, phổ biến rộng rãi được 10 làn điệu...Nhưng hiện nay số lượng người tham gia ở 2 CLB nói trên chỉ còn lại khiêm tốn. Vì vậy việc bảo tồn và phát triển ca trù là rất mong manh”.
Mong muốn phục dựng một loại hình nghệ thuật truyền thống do cha ông để lại đang là nỗi khát khao của cả cộng đồng, bởi đây là một di sản văn hóa mang tầm quốc tế. Đề án "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ca trù Cổ Đạm” huyện Nghi Xuân (giai đoạn 2013-2020) đang được xây dựng khá công phu, đề xuất nhiều giải pháp. Nhưng liệu nó có được thực thi và có khả thi hay không? câu hỏi vẫn đang ở phía trước.
Theo Đại Đoàn Kết