Tổ chức đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Thứ năm - 06/07/2017 00:56
Ngày 19/1, tại Hội trường nhà khách Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc Họp báo về lễ vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận la di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Liên hoan dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ 2012

Theo đó, Lễ vinh danh, đón Bằng công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 31/1, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh, Nghệ An).

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban liên chính phủ về Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp) vào ngày 27/11/2014, UNESCO đã công nhận ghi danh dân ca Ví, Giặm vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ vinh danh gồm hai phần: Phần Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh phối hợp tổ chức.

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật "Về miền Ví, Giặm" biểu diễn các tiết mục dân ca Ví, Giặm, các bài hát, hoạt cảnh về Ví, Giặm do các nghệ sỹ, nghệ nhân cả nước và Nghệ Tĩnh thực hiện.

Lễ vinh danh được tổ chức một cách hoành tráng và truyền hình trực tiếp trên các kênh VTV1, VTV4, NTV, HTV phát sóng qua vệ tinh. Bên cạnh đó là một chuỗi sự kiện gồm: giao lưu với các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân gian, các nghệ sỹ, nghệ nhân dân ca; biểu diễn các tiết mục Ví, Giặm tại các CLB ở các địa phương, thực hành Ví, Giặm trong các hoạt động vui Tết đón Xuân...

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay.

Ví, Giặm được hình thành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, đi củi, trèo non. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè, Giặm Cửa quyền, Giặm Đức Sơn…

Dân ca Ví, Giặm không chỉ chiếm vị trí quan trong trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh mà còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.

Từ năm 1996, ngành Văn hóa, Hội Văn nghệ dân gian phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình đã triển khai Chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình (chủ yếu là Ví, Giặm) với sự tham gia giảng dạy của nhiều nghệ sỹ, nhạc sỹ, nghệ nhân; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình đưa dân ca vào trường học, nhất là các trường phổ thông cơ sở với giáo trình cụ thể dạy hát dân ca, trong đó tập trung vào Dân ca Ví, Giặm; biên tập và xuất bản sách, cung cấp nhiều băng đĩa hát dân ca để làm tài liệu cho các trường; tổ chức phong trào “Thi tìm hiểu và hát dân ca trong trường học”; tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường. Phong trào hát dân ca rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, hệ thống các Câu lạc bộ đàn và hát dân ca cơ sở được thành lập.

Dù hoạt động thường xuyên hay không thường xuyên, các CLB này đều là hạt nhân, là nòng cốt để lưu giữ và phát huy Dân ca Ví, Giặm. Hàng năm 2 tỉnh đều tổ chức tập huấn các CLB để trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc mở các trại sáng tác các khúc ca phát triển từ các làn điệu dân ca địa phương đã cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc.

Các hội diễn, hội thi, liên hoan, văn nghệ được thường xuyên tổ chức với nhiều chủ đề, lồng ghép trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen hàng năm; phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở tổ chức “Liên hoan nối những câu hò” 6 tỉnh Bắc miền Trung tại Hà Tĩnh…

Trên phương diện nghiên cứu, sưu tầm: nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhạc sỹ đã dày công nghiên cứu, sưu tầm biên soạn những công trình về hát Ví, Giặm; nhiều chương trình, dự án cấp Bộ, cấp Tỉnh được xây dựng và thực hiện; tổ chức được 5 Hội thảo Khoa học về định hướng thể nghiệm âm nhạc của sân khấu dân ca theo hướng kịch hát truyền thống của dân tộc.

Năm 2002, Sở Văn hóa thông tin tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện Sân khấu tổ chức Hội thảo “30 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh”. Năm 2011, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh, Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Khoa học bảo tồn và phát huy dân ca Hò, Dân ca Ví, Giặm” nhằm tổng kết lại quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca và có những giải pháp để sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển, qua đó đánh giá lại một cách tổng thể những giá trị của Dân ca Ví, Giặm và đề ra những giải pháp để bảo tồn và phát huy.

Trên phương diện kiểm kê: Những kết quả từ công tác kiểm kê cho thấy, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 26 huyện, thành phố, thị xã thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hiện nay, trên địa bàn hai tỉnh có gần 100 CLB Dân ca Ví, Giặm cùng 803 nghệ nhân; các nghệ sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã quan tâm tới việc diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm. Hai tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 12 nghệ nhân và đang tiếp tục đề nghị 12 nghệ nhân khác.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề nghị của di sản văn hóa phí vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh “đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách Đại diện”:

1. Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng dân cư Nghệ Tĩnh, chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống văn hóa và tinh thần, phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện suy nghĩ và cảm xúc theo cách của họ;

2. Việc ghi danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào “Danh sách Đại diện” có thể góp phần thúc đẩy nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể thông qua sự quan tâm đối với dân ca, khuyến khích sự khoan dung và sự đồng cảm giữa các nhóm dân tộc và các cộng đồng cũng như đối thoại giữa các nghệ nhân của các phong cách âm nhạc khác nhau;

3. Các biện pháp bảo vệ gồm nâng cao nhận thức, giáo dục và phát huy được đề xuất với sự hỗ trợ tài chính của các cơ quan Nhà nước và địa phương nhằm đảm bảo tính bền vững việc thực hành di sản, thể hiện cam kết và ý chí của chính quyền, cộng đồng trong việc bảo vệ di sản;

4. Hồ sơ đề cử được xây dựng với sự tự nguyện tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành, các chuyên gia và cùng cam kết bảo vệ;

5. Di sản được Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam kiểm kê với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.

(Trích dự thảo Quyết định số 9.COM 10.46)

Theo Trí Thức Đời sống & Tiêu Dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây