Hành trình “pha tiếng”
Giọng xứ Nghệ rất nặng, âm sắc lại “trọ trẹ”, rất khó nghe nhưng lại dễ nhận ra. Các đặc trưng về tính cách mà phải tiếp xúc mới biết, còn giọng nói gần như là nét đầu tiên để nhận ra người Nghệ, hoặc để người Nghệ nhận ra nhau. Ấy thế nhưng không phải lúc nào cũng có thể “nghe nhạc hiệu đoán chương trình” như vậy được, bởi nhiều người Nghệ khi sống ở xa đã đổi theo giọng của vùng quê đó.
Với “thâm niên” 5 năm đi học và 3 năm đi làm ở Hà Nội, Tú Anh nói không khác gì một người sinh ra ở đất Bắc. Cô gái quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh này dù có nói rất nhanh, trong tâm trạng phấn hứng cao độ thì vẫn không để lộ một chút âm sắc nào của miền trung. Cộng với nước da trắng và lối ăn mặc tinh tế, ít ai nghĩ cô là người con của xứ gió lào cát trắng. Nhưng Trần Thạch, anh bạn cùng lớp cấp ba với Tú Anh, cũng lăn lộn ở Hà Nội 8 năm lại vẫn giọng Nghệ đặc sệt. Anh cho biết: “Tôi cũng thử đổi nhưng khó quá, chẳng tập được. Thơ Đường có câu ‘hương âm vô cải’ – giọng quê không đổi được, đúng là ứng vào trường hợp của tôi. Mà thật ra 10 người Nghệ nói giọng Bắc thì cũng chỉ vài người nói chuẩn như dân Hà Nội thôi, còn thì chỉ đủ nghe vừa tai, người tinh một chút là nhận ra ngay”.
Nhiều người già gốc Nghệ An, Hà Tĩnh đã sống ở Hà Nội 40 – 50 năm nay lại vẫn giữ giọng Nghệ, chỉ “làm mềm” đi một chút ở những từ có thanh trắc, và hoàn toàn dùng từ phổ thông thay cho từ địa phương.
Không nói tiếng Nghệ vì tự ti?
“Chắc chắn là không. 100 người Nghệ thì 99 người rưỡi tự hào về quê hương và không bao giờ có chuyện xấu hổ vì giọng nói của quê mình”, Lan Hương, một người xứ Nghệ đã ở Hà Nội hơn 10 năm, nói giọng Bắc rất ngọt, khẳng định luôn.
Không tự ti về giọng quê, cớ sao lại thay đổi? Lan Hương kể: “Ra Hà Nội học được 8 tháng, mình có người yêu. Chàng rất thích nghe mình ríu rít nói chuyện với bạn bè đồng hương. Chàng bảo, nghe em nói giọng Nghệ Tĩnh dễ thương kinh khủng, nhưng mà anh chẳng hiểu gì cả, cứ như chim hót. Ngay cả khi nói với chàng, mình cũng phải nói thật chậm, cố gắng nói đúng dấu sắc, dấu ngã, và tua đi tua lại mấy lần mà chàng còn nghe tiếng được tiếng mất. Nói chuyện với bạn bè người Bắc cũng thế. Vậy nên mình mới đổi giọng cho dễ giao tiếp”.
Thu Minh, 27 tuổi, đang làm việc cho một công ty chứng khoán ở Hà Nội, tâm sự: “Em đổi giọng từ khi học đại học. Hồi đó mỗi khi em cất lời, bọn bạn cùng phòng ký túc xá lại bảo đấy đấy mày lại phát sóng ngắn đấy. Họ không có ý chê bai chế giễu gì mà quả thật là không nghe được. Em đi chợ, bảo mua cái này thì người ta đưa cho cái kia, hoặc là cứ nghệt ra không biết em muốn gì. Rồi em đi làm thêm, khi giao tiếp với khách hàng cũng phải nói làm sao cho người ta tiếp nhận được thông tin ngay, nhất là qua điện thoại. Em bèn tập giọng Bắc cho khỏi phải nhắc đi nhắc lại mấy lần điều mình nói”.
Minh cho biết, việc đổi giọng của cô chỉ vì sự tiện lợi trong giao tiếp, hoàn toàn không phải do xấu hổ hay sợ bị trêu chọc, kỳ thị: “Em nói giọng Bắc cũng không phải để che giấu việc mình gốc gác ở đâu. Bao giờ em cũng tự hào khoe rằng, em là con gái Can Lộc, Hà Tĩnh”. Minh cho biết, cô chỉ nói giọng Bắc với người Bắc, còn khi nói chuyện với người cùng quê, cô đều dùng giọng Nghệ, tiếng Nghệ cho dù đang ở đâu và xung quanh là những ai.
Chửi cha không bằng pha tiếng?
Bên cạnh nhiều người Nghệ An, Hà Tĩnh nói giọng Bắc, giọng Nam, có một bộ phận không nhỏ người Nghệ không thích, thậm chí dị ứng với điều đó. Họ coi đó như một biểu hiện của sự chối bỏ quê hương, thậm chí là phản bội, là mất gốc, tóm lại là một “trọng tội”.
“Thật buồn khi tiếng miền Trung bị hắt hủi bởi chính những người miền Trung”, một bạn chia sẻ, “Nếu để cho người ta nghe và hiểu thôi thì chỉ cần nói thật chậm, thật rõ là đủ chứ đâu cần phải thế. Hòa nhập đâu cần phải hòa tan”.
Về chuyện “hòa nhập” này, anh Thanh Phong, giám đốc một công ty bất động sản, người Hà Tĩnh, có một cái nhìn khác: “Tiếng Nghệ khó nghe hơn, và cũng ít quen thuộc hơn tiếng Huế, vốn là đại diện của giọng miền Trung, giống như tiếng Hà Nội đại diện cho giọng Bắc và tiếng Sài Gòn đại diện cho giọng Nam. Nó có tính khu biệt cao nên dễ tạo ra cho người nghe cảm giác hay tâm lý là ‘người đó khác, không cùng hội với chúng ta’, nhất là khi một người phải vất vả để nói cho những người khác nghe, và những người khác cũng phải vất vả để hiểu. Mà trong giao tiếp xã hội cũng như làm ăn, kinh doanh, điều đó nhiều khi đem lại một hiệu ứng không thuận lợi. Nếu mình nói dễ nghe thì bước hòa nhập đầu tiên đã thành công, sau đó thì chuyện mình quê ở đâu, cá tính ra sao cũng không biến mình thành người ngoài, người lạ nữa”.
Ông Mai Văn Huệ, kỹ sư điện về hưu, sống ở khu Thành Công, Hà Nội, người vẫn giữ giọng Nghệ sau 37 năm sống ở đây, thì cho rằng không nên nặng nề chuyện đổi giọng hay không, vì ở các nước cũng vậy, người các địa phương lên thủ đô thường tập nói giọng thủ đô. Tiếng thủ đô luôn được coi là chuẩn nhất, hay nhất, nếu nói được thì cũng là học được một cái hay.
“Đừng cho rằng người xứ Nghệ nói giọng của vùng khác là mất gốc, vì gốc không chỉ nằm ở đó. Nếu anh vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp của người Nghệ như chịu thương chịu khó, cương trực, thẳng thắn, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau… thì dù nói giọng Bắc hay Nam, anh vẫn là một người Nghệ đích thực”, ông Huệ nói.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo Datviet.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn