Nhiều ngôi sao đã lột xác sau một thời gian tham gia showbiz
Quyền riêng tư
Tuy nhiên, trong xã hội mới, khi quan niệm về cái đẹp ít nhiều đã được thay đổi để phù hợp hơn với cuộc sống thì nhu cầu thẩm mỹ của nghệ sĩ cho đến nay vẫn còn vấp phải những cái nhìn định kiến.
Ông Nguyễn Thế Hùng - tiến sĩ mỹ học, hoạ sĩ, nhà phê bình nghệ thuật, giám khảo của nhiều cuộc thi người đẹp Việt Nam cho rằng, nghệ sĩ xuất hiện đẹp trước đám đông là một cách tôn trọng công chúng. Bởi vậy nhu cầu làm đẹp dường như đã trở thành trách nhiệm nghề nghiệp của mỗi một nghệ sĩ.
“Tôi cho rằng, một bộ phận công chúng và nhà báo không nên đưa ra cái nhìn chỉ trích đối với nghệ sĩ trong việc phẫu thuật thẩm mỹ. Ai sinh ra chẳng muốn mình thật đẹp nhưng làm gì có cái đẹp hoàn hảo. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá lạm dụng việc phẫu thuật thẩm mỹ. Cái đẹp nếu giả tạo quá sẽ trở nên vô hồn, phản cảm”, ông Hùng nói.
Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Thành Nhân, trưởng phòng Quản lí nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận định: "Hoa hậu hay á hậu tút tát lại nhan sắc sau khi đăng quang đó là quyền riêng tư của họ. Dư luận không có quyền lên án hay phản đối. Tôi cho rằng, nghệ sĩ có một áp lực nặng nề khi phải luôn luôn giữ gìn hình ảnh của mình trước công chúng. Khán giả luôn muốn họ đẹp nhưng lại muốn tước đi quyền làm đẹp của họ, như vậy đã thật công bằng chưa?”
“Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ra ủng hộ hay khuyến khích việc phẫu thuật thẩm mỹ. Bởi mọi vẻ đẹp nhân tạo đều không bao giờ có thể sánh với vẻ đẹp tự nhiên được. Trong những cuộc thi nhan sắc chính thống, người ta vẫn tôn vinh vẻ đẹp vốn có của người phụ nữ”, ông Nhân nhấn mạnh.
Nên thay đổi cách nhìn
Trả lời câu hỏi: Vì sao nghệ sĩ vẫn hay né tránh những câu hỏi liên quan đến việc thẩm mỹ sắc đẹp? Phải chăng, chính vì thái độ lấp lửng của họ khiến một bộ phận công chúng càng trở nên khắt khe và có cái nhìn phiến diện hơn với vấn đề này? ông Thành Nhân cho biết: "Công khai hay không là quyền của nghệ sĩ. Dù sao, việc phẫu thuật thẩm mỹ vẫn là câu chuyện về đời tư cá nhân thì việc chia sẻ hay giữ bí mật là do quan điểm sống của mỗi người”.
Trong cuộc trò chuyện mới nhất với người viết, ca sĩ Minh Quân thừa nhận mình là một trong số những người dũng cảm dám thừa nhận mình từng phẫu thuật thẩm mỹ. Anh nói: "Trong con mắt của số đông người Việt Nam, chuyện tút tát nhan sắc vẫn là một cái gì đó không đáng để mình tự hào, đặc biệt là với nam nghệ sĩ. Nhưng phương Tây thì khác. Họ xem đó là điều bình thường, thậm chí nên làm”.
Ở nước ngoài, ngoại hình là một trong những tiêu chí hàng đầu khi đi xin việc. Nhiều người lận đận trong sự nghiệp chỉ vì ngoại hình kém. Bởi vậy, việc chỉnh sửa những khiếm khuyết trên cơ thể mình là nhu cầu chính đáng để nâng cao cơ hội thành công trong cuộc sống của mình. Tôi mong người Việt Nam sẽ có cái nhìn văn minh và cởi mở hơn với vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ", Minh Quân cho biết.
Đồng tình với nhận định này, bác sỹ Trần Thiết Sơn, phụ trách bộ môn Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn lý giải rằng công nghệ mới về làm đẹp sẽ mang đến những sự hoàn mỹ cho con người. Con người hơn mọi loài ở chỗ chúng ta biết làm cho mình đẹp hơn. Cái đẹp cũng là thước đo lớn nhất về sự tiến hoá. Còn ở góc độ nghệ sĩ thì quyền làm đẹp càng được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là phụ nữ. Khi ngoại hình đẹp lên, họ càng tự tin và thành công hơn trong nghệ thuật và công việc của mình.
Thay lời kết cho vấn đề tranh cãi này, ông Vi Kiến Thành, cục trưởng cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm đánh giá: "Truyền thống Việt Nam xưa nay vẫn chuộng vẻ đẹp tự nhiên. Nhưng thời đại mới, cái nhìn và tiêu chí về vẻ đẹp của người phụ nữ cũng cần phải thay đổi. Giới trẻ bây giờ tìm đến cái đẹp nhân tạo, dù nó có mặt trái nhưng mang lại sự tự tin cho con người. Nghệ sĩ hay hoa hậu là người của công chúng. ở một góc nào đó, họ đại diện cho cái đẹp. Việc họ luôn muốn vươn đến vẻ đẹp hoàn mỹ cũng là điều đương nhiên".
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn