“Ta là một, là riêng, là thứ nhất”
Bởi không phải trong lĩnh vực văn nghệ, thể thao mà ngay cả ở những lĩnh vực khác như chính trị cũng vậy. Những nhà độc tài như: Saddam Hussein, Muammar Gaddafi hay trước đó là Aldof Hitler đều có các hành xử tương tự nhau khi đang ở đỉnh cao quyền lực. Người mô tả chính xác “trạng thái số 1” chính là nhà thơ Xuân Diệu - “ông hoàng thơ tình” của thi ca Việt Nam trước năm 1945, trong bài “Hy Mã Lạp Sơn”: “Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất/ Không có ai bè bạn nổi cùng ta/Bởi ghen trời ta ngạo nghễ xông pha/Lên vút thẳm đứng trên nghìn đỉnh núi”.
Thế nhưng chuyện Mr Đàm, người được truyền thông tung hê là “Ông hoàng nhạc Việt” có lối hành xử không chuẩn mực, dị thường đến độ coi thường dư luận đến mức dị hợm thì đã đến lúc dư luận phải có thái độ nghiêm khắc, thậm chí là một chế tài. Trước khi Đàm Vĩnh Hưng đứng ở vị trí số 1 thì showbiz Việt có nhiều nam ca sỹ ngự đỉnh cao như: Ngọc Sơn, Lam Trường, Đan Trường, Quang Dũng nhưng không ai có nhiều hành vi gây khó chịu như Mr Đàm.
Ngay cả ca sỹ Ngọc Sơn lắm chiêu thì hành vi của anh chỉ mang tính bông đùa, chọc cười cho khán giả theo kiểu “tưng tưng”, “cà rỡn” chứ không phải hành động không coi ai ra gì như Đàm Vĩnh Hưng.
Chỉ khán giả mới “trị” được
Sự khác biệt trong cách ứng xử của con người khi đang ở “trạng thái số 1” phụ thuộc vào cá tính và hoàn cảnh xuất thân, nền tảng giáo dục mà người đó nhận được. Do vậy, cùng là “số 1” nhưng hình ảnh của Lam Trường khác hoàn toàn Đàm Vĩnh Hưng bây giờ. Không khó để thấy những việc làm đến lời nói của Mr Đàm có cái gì đó rất… “tưng tửng”. Xét về cá tính thì ở nhiều người có hiện tượng “yêu mình thái quá” vốn có tên khoa học là Narcissistic xuất xứ từ một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp là Narcisus. Là một chàng trai đẹp đẽ, tuấn kiệt nên nhận được nhiều lời ngợi khen, Narcisus ngày càng trở nên yêu mình thái quá, suốt ngày ngắm mình qua hồ nước rồi tự khen mình đẹp đẽ. Cuối cùng Narcisus gục chết bên hồ nước và biến thành một đóa hoa thủy tiên (narcisus cũng là hoa thủy tiên).
Hội chứng yêu mình thái quá, bệnh hoạn và coi mình là “cái rốn vũ trụ” không phải hiếm. Nó là một căn bệnh tâm thần với tỷ lệ cố định ở mức 1% dân số và dao động từ 2-16% trong nhiều trường hợp và người mắc bệnh này nam giới chiếm 50-75% (nguồn Wikipedia).
Xét qua những biểu hiện hành vi, Đàm Vĩnh Hưng ít nhiều cho thấy hội chứng yêu bản thân mình thái quá nên mức độ lặp lại của các việc làm mang tính đề cao bản thân ngày càng tăng lên. Đó là, việc làm có tính “vô thức” chứ không hẳn là những chiêu màn PR, lăng-xê bởi vì như người yêu bản thân thái quá đều không nghĩ việc làm của mình có gì bất thường, ngược lại cho rằng chỉ có ai “không thấy mình đẹp” như anh chàng Narcisus mới là bất thường. Đàm Vĩnh Hưng trả lời sau mỗi sự cố khi bị dư luận phản ứng thì anh đều đốp chát lại rằng mình chẳng làm gì sai, mình có quyền làm thế, chỉ có dư luận là khắt khe, soi mói và cả ghen ghét với anh mà thôi.
Nói chung, với “ca” của Đàm Vĩnh Hưng thì rất là… khó chữa. Nhưng phải nói rằng, lỗi không hẳn ở anh mà ở sự dễ dãi của một bộ phận công chúng, của thị hiếu khán giả. Chính một bộ phận khán giả tung hô Đàm trao cho anh hết danh hiệu nọ, danh xưng kia cho đến một bộ phận giới truyền thông vẫn xưng tụng, vẫn coi Mr Đàm là một đề tài hấp dẫn để khai thác, để “câu view” thì rất khó để đưa Đàm Vĩnh Hưng, người vốn có một nhân cách hơi khác thường, hạ cánh xuống mặt đất.
Theo Nguyên An giaothongvantai.com.vn