Lễ hội chùa Tiên năm nay, bên cạnh các hoạt động phần lễ, dự kiến sẽ có nhiều hoạt động phần hội, như: giải bóng chuyền nam, đi cà kheo trên bãi biển, kéo co nữ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác. |
Xã Thịnh Lộc được xem là cửa ngõ phía Bắc huyện Lộc Hà, cách trung tâm huyện lỵ 6 km. Theo tuyến đường 22/12, Thịnh Lộc cách TP Hà Tĩnh 20 km về phía Bắc và TP Vinh (Nghệ An) 35 km về phía Nam.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, mảnh đất Thịnh Lộc là nơi sinh ra nhiều người có công với nước. Sách “Một vùng địa linh nhân kiệt” (Nhà Xuất bản chính trị quốc gia) chép: Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1655-1666), Ninh quận công Trịnh Toàn cùng các tướng sỹ đem quân vào đánh Chúa Nguyễn đã lập căn cứ tại vùng đất Thịnh Lộc đến Hồng Lộc ngày nay, ở chùa Chân Tiên có đội quân hỏa lực của chúa Trịnh.
Từ năm 1885-1896, các chí sỹ trong phong trào Cần vương quê ở xã Thịnh Lộc đã tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng, chọn chùa Chân Tiên, nơi có rừng thông che phủ để luyện tập binh pháp. Năm 1928, tiểu tổ Đảng Tân Việt xã Thịnh Lộc gồm các ông: Hoàng Khoái Lạc, Võ Quy, Nguyễn Cứ, Hồ Ngọc Tàng, Hoàng Liêu, Trần Châu, Trần Xù… tổ chức họp tại chùa.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chùa Chân Tiên là nơi hội họp của Chi bộ Đảng Yên Điềm (nay là Đảng bộ xã Thịnh Lộc). Xuất phát từ những ý nghĩa đó, cùng với danh lam thắng cảnh nơi đây, năm 1992, chùa Chân Tiên được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, danh thắng quốc gia.
Chùa Chân Tiên có từ đời nhà Trần. Trải qua hàng trăm năm, do những biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa bị xuống cấp và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, tôn nghiêm. Cấu trúc chùa gồm 3 tòa: thượng điện, trung điện kiệu long đình và bái đường. Nơi đây còn lưu giữ được một số câu đối lâu đời, ca ngợi công lao của Đức Thánh mẫu.
Nấp dưới rặng thông râm mát, chùa gắn với nhiều câu chuyện cổ tích huyền thoại, được người đời truyền miệng với nhiều điều huyền bí, linh thiêng như chuyện đá Ông, đá Bà, chuyện bàn cờ tiên trên hòn đá Thạch Bàn, chuyện hang 12 cửa, chuyện các nàng tiên hạ giới còn để lại dấu tích “bàn chân tiên”.
Về với lễ hội chùa Chân Tiên là về với tình yêu khát vọng và lòng yêu thương con người để cầu mong cho quốc thái dân an, trăm họ tốt lành, cho cuộc sống vĩnh hằng, cuộc đời đơm hoa kết trái. |
Thiên nhiên đã kiến tạo nên một vùng đất sơn thủy hữu tình, kỳ thú, là nơi núi rừng gặp biển để tạo nên một quần thể đẹp như bức tranh không gian 3 chiều cho du khách tham quan ngưỡng vọng. Có một nhà thơ đã viết:
Chân Tiên, tiên tắm ở trên hồ
Lãng đãng mây trôi sóng nhấp nhô
Ngào ngạt hoa rừng chen vách đá
Hương thơm đài nhị ngát đôi bờ
Chùa thiêng, chiêng mõ vang lưng núi
Am đá lô nhô cảnh đợi chờ
Thiên tạo vùng quê ai có được
Say lòng khách đến cảm nên thơ
Đến với chùa Chân Tiên là đến với chốn “bồng lai tiên cảnh”, đến với một địa danh chứa nhiều huyền tích; mỗi tên đất, tên người, mỗi ngọn núi, con khe đều được gắn với những điển tích lãng mạn. Về chùa Chân Tiên là về với đất Phật, với danh lam thắng cảnh Am Tiên; về với mảnh đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như đền Sát Hải Đại Vương, đền Tứ Vị Thánh Nương, đền Bản Cảnh… để tưởng nhớ công ơn tiên tổ đã khai thiên lập địa, gìn giữ bờ cõi non sông.
Về với lễ hội chùa Chân Tiên là về với tình yêu khát vọng và lòng yêu thương con người để cầu mong cho quốc thái dân an, trăm họ tốt lành, cho cuộc sống vĩnh hằng, cuộc đời đơm hoa kết trái. Đến chốn thiêng này, du khách sẽ trút bỏ được những ưu tư, phiền muộn để quyện hòa với thiên nhiên, giao lưu văn hóa, tận hưởng phong cảnh nước non hữu tình, tắm nước hồ Tiên, đặt chân lên đá Bàn Cờ, dấu chân Tiên, leo núi xuyên qua những rừng trúc, rừng thông nguyên sơ, thơ mộng mà cảm nhận ngát hương thơm của hoa rừng; được ngắm mây bay và nghe bản hợp xướng của chim rừng, phóng tầm mắt nhìn ra xa nghe rì rào hồ Tiên thủ thỉ như lời của một bài thơ:
Chín mươi chín đỉnh giữa ngàn Hồng
Có phải Am Sơn tựa cổ phong
Hồ biếc gương trong soi bóng tĩnh
Tùng xanh bóng phủ tựa non Hồng
Bàn son để sẵn chờ Vua thích
Gót ngọc hay dùng đá Thạch Ông
Rồng, ngựa, thuyền, voi nhiều thú sẵn
Bốn mùa du khách khắp tây đông.
Lễ hội chùa Tiên năm nay, bên cạnh các hoạt động phần lễ, dự kiến sẽ có nhiều hoạt động phần hội, như: giải bóng chuyền nam các đội mạnh liên huyện Nghi Xuân - Lộc Hà, đi cà kheo trên bãi biển, kéo co nữ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác.
Với tiềm năng, lợi thế của mình, trong tương lai không xa, đây là trung tâm du lịch nghỉ mát lý tưởng, là trung tâm thương mại trong quần thể du lịch của huyện Lộc Hà. Với sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, thắng cảnh Chân Tiên sẽ hấp dẫn du khách 4 phương tìm về.
Theo Nguyễn Công Trình (Báo Hà Tĩnh)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn