Lê Hoàng: “Tôi chấp nhận bị ghét”

Thứ hai - 26/06/2017 00:45
Đạo diễn Lê Hoàng trò chuyện về con đường làm phim, về vụ bê bối ở Cục Điện ảnh, và cả cách chấm điểm “không-giống-ai” tại cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo.
“Tôi chấp nhận bị ghét”

Sau đêm thi đầu tiên của cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo đã có nhiều ý kiến phản đối cách cho điểm của anh. Dư luận cho rằng, “đạo diễn Lê Hoàng thích điểm nào cho điểm nấy”, rằng anh cho điểm… “ tàn ác” quá. Cách chấm điểm “ngặt nghèo” là phong cách riêng của anh, hay là cách để anh gây chú ý?

Tôi không chấm ngặt, cũng không chấm ác. Tôi chấm như tôi nghĩ chứ không chấm như những giám khảo khác nghĩ hoặc như thí sinh nghĩ. Ý nghĩ của tôi có thể đúng, có thể sai. Nhưng tôi thấy mình có nhiệm vụ phải nói ra điều ấy. Đó là sự thật. Sự thật đó có thể làm cho một số người không thích nghe và làm cho tôi bị ghét. Nhưng tôi chấp nhận điều đó và yêu cầu mọi người cũng chấp nhận điều đó.

Lê Hoàng (bìa phải) trên hàng ghế giám khảo của cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo.

Không chỉ ngồi ở vị trí giám khảo (dù bị ghét), anh còn đang chuẩn bị kế hoạch làm MC một cách bài bản với talk-show “Mỗi tuần một chuyện - đối thoại với Lê Hoàng”. Trong chương trình, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, nhạc sỹ Nguyễn Cường... sẽ đối thoại cùng anh. Điều thú vị khi họ đối thoại với anh, và khi anh đối thoại với họ - là gì?

Điều thú vị khi họ đối thoại cùng tôi thì xin hãy hỏi họ, tôi không có thẩm quyền trả lời thay. Còn điều thú vị ở tôi là biết được nhiều điều về khách mời cũng như về mình cả mặt tốt lẫn mặt xấu.

Ai? Ai là người có thể khiến anh nhìn thấy mặt tốt, (đặc biệt) là mặt xấu của mình?

Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc trả lời về giới tính khiến tôi cảm thấy xấu nhất. Giáng My trả lời về hoa hậu khiến tôi cảm thấy mình còn đẹp.

Anh thường biết cách “làm khó” người khác bằng sự “đanh đá” của mình. Đã có ai “làm khó” được anh?

Đến giờ phút này thì chưa ai làm khó tôi. Nhưng, tôi ấn tượng nhất với bà Tôn Nữ Thị Ninh khi làm talkshow “Mỗi tuần một chuyện”.



“Tôi kinh ngạc khi thấy người ta xôn xao về việc thất thoát 34 tỉ đồng”

Thông tin về vụ việc Cục Điện ảnh để thất thoát 34 tỷ đồng (con số mới công bố) đã khiến nhiều người sửng sốt. Giới làm phim bày tỏ sự bất ngờ, họ không tin một nền điện ảnh vốn nổi tiếng nghèo đói, thiếu thốn lại có bấy nhiêu tiền để thất thoát. Liệu con số 34 tỷ có thể làm nên một... "cú sốc" hay (ít ra) có làm nên một... "tin buồn" đối với Lê Hoàng? Suy nghĩ của riêng anh trước sự vụ thất thoát tiền tỷ của cục Điện ảnh ?

Tôi rất kinh ngạc khi mọi người xôn xao về việc mất 34 tỷ đồng này. Trong khi đó, bao nhiêu bộ phim làm mấy chục tỷ đồng bằng tiền nhà nước chiếu không hề có khách, hoặc, đến giờ phút này sau bao nhiêu năm vẫn chưa ai nhìn thấy, ví dụ như phim “Trần Thủ Độ”, tại sao không thấy vị nào phẫn nộ cho đến nơi đến chốn? Đấy không phải là tiền đóng thuế của dân hay sao? Tỏ thái độ bất bình khi tiền bị mất là tốt nhưng đáng ra phải làm như thế ngay khi tiền bị lãng phí, thưa các quý vị!

Con số 34 tỷ đồng thất thoát đã khiến nhiều đạo diễn nhớ lại những ngày chật vật đi xin tiền làm phim, những ngày trình kịch bản đợi duyệt hằng nhiều năm trời... Anh từng là đạo diễn của hãng phim Giải phóng, cũng từng có những ngày đợi những khoản đầu tư eo hẹp từ nhà nước để có bấm máyLưỡi dao,Ai xuôi vạn lý, Chiếc chìa khóa vàng.... Anh có nhớ lại những ngày ấy khi đọc những thông tin về vụ bê bối thất thoát tiền?

Tôi luôn luôn nhớ lại những ngày ấy, nhưng không phải chờ đến khi mất cái gì. Trong Kinh thánh có một danh từ tên là “Ngày phán xử cuối cùng”. Rất buồn cười nếu như ngày đó chỉ đơn giản là ngày bị mất cắp.



Rõ ràng,những vấn đề về tiền đã làm khổ các nhà làm phim Việt Nam trong một thời gian dài. Đồng tiền của những ngày làm phim đã khi nào làm khổ đạo diễn Lê Hoàng?

Tiền làm khổ đạo diễn luôn luôn, nhưng không bằng các đạo diễn và các nhà báo làm khổ nhau. Nói đùa thế thôi, tôi cho rằng đạo diễn Việt Nam sướng nhất thế giới. Nhiều người làm phim không có khán giả cứ được nhà nước cấp tiền hoặc cứ có quyền kêu than tại sao nhà nước không cấp?

Với các đạo diễn, làm phim cho người xem bây giờ điều khổ nhất là không nắm bắt được mong mỏi của công chúng để diễn tả nó một cách tốt đẹp, chứ không phải kinh phí. Nếu anh khiến cho nhân dân phải mua vé, chắc chắn anh sẽ không bao giờ thiếu tiền làm phim. Cả thế giới đều thế, chả riêng gì Việt Nam.

Anh đã từng có một bước ngoặt. Khi những Ai xuôi vạn lý, Chiếc chìa khóa vàng, Lưỡi dao… không bán được vé, anh quay sang làm Gái nhảy. Anh chuyển sang làm phim thương mại chỉ đơn giản vì… tiền?

Không phải đồng tiền làm nên bước ngoặt mà khán giả đã khiến tôi có một bước ngoặt. Giữa các liên hoan phim quốc tế tổ chức ở bên Tây và những khán giả bình dân sống trong ngỏ hẻm. Tôi xin chọn khán giả bình dân.

Bộ phim Gái nhảy đánh dấu một bước ngoặt trên con đường làm phim của Lê Hoàng.

Nhưng đã lâu lắm, không thấy bộ phim nào của Lê Hoàng. Bây giờ, khán giả gặp Lê Hoàng làm MC. Lê Hoàng làm giám khảo trong một cuộc thi ồn ào nào đó. Lê Hoàng viết bài về những người đẹp của giới giải trí. Anh đang mải mê kiếm tiền để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống, hay, đang kiếm tiền để ấp ủ cho một dự án phim "bom tấn" trong tương lai?

Tôi thấy bạn là người ám ảnh vì tiền còn hơn các đạo diễn. Câu hỏi nào của bạn cũng liên quan đến tiền. Lao động nào của người khác bạn cũng chuyển thành tiền. Tôi đề nghị bạn chuyển về công tác ở Bộ Tài chính. Bạn sẽ thành công rất nhanh.

(Cười) Cảm ơn anh, mặc dù tôi không nghĩ rằng, chỉ cần ám ảnh về tiền là có thể thành công ở Bộ Tài chính. Xin hỏi một câu cuối về… tiền. Những ngày thiếu thốn, anh đã có những bộ phim nghệ thuật được ngợi khen. Bây giờ, khi đã có thể kiếm được tiền bằng nhiều cách, anh lại không làm phim. Vì sao?

Ai nói tôi không làm phim? Tôi chỉ không làm phim theo kiểu cũ nữa thôi.

“Tôi lấy sức lực từ sự đẹp trai của mình”

Cục Điện ảnh đã có "chủ nhân mới". Bà Ngô Phương Lan xuất thân là một nhà phê bình, lý luận điện ảnh. Khi còn là nhà phê bình, Ngô Phương Lan từng "nhìn thấy ở những bộ phim của Lê Hoàng sự thông minh, hóm hỉnh, ngôn ngữ không kém phần đanh đá, chua ngoa nhưng lại có lòng nhân ái...."- Theo anh, một nhà lý luận phê bình liệu có thể mang đến cho điện ảnh những "làn gió mới"?

Xin mang câu hỏi này hỏi các nhà lý luận phê bình.

"Tôi lấy sức lực từ sự đẹp trai của mình"

Giữa thời đại, báo chí "sủng ái" những thông tin giải trí (để bán báo) cũng thấy Lê Hoàng "bon chen" viết về những người đẹp của showbiz. Anh lấy sự tự tin từ đâu để xuất hiện bên cạnh những người vừa đẹp vừa nổi tiếng như... Mai Khôi chẳng hạn?

Tôi lấy sức lực từ sự đẹp trai của mình.

Có lời bình, dường như từ sau Gái nhảy, Lê Hoàng đã vui vẻ trở thành một thành viên của làng giải trí - nơi tỏa sáng của các "chân dài", tài tử và (theo cách trả lời như trên) có vẻ anh cũng không hề "e ngại" về tuổi tác cũng như… “nhan sắc” của mình?

Tại sao lại e ngại? Ông Nguyễn Văn Vĩnh ngày xưa có nói “tôi là một đứa trẻ con già”, vậy Lê Hoàng bây giờ cũng có thể nói “tôi là một người lớn bé”.

Theo Hiền Hương
Dân Trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây