Thuyền cập bến Giang Đình. |
Mỗi khi nghĩ đến quê hương, nguồn cội, người dân quê tôi thường nói về núi Hồng, sông Lam, về biểu tượng của dân “áo tơi”, “cá gỗ” với những phẩm chất tài giỏi, anh hùng, trung kiên, dũng cảm trước thiên tai, địch họa. Người dân quê tôi dạt dào tình cảm với quê hương, xứ sở của mình. Từ buổi sinh cơ, lập nghiệp đến bây giờ, không rõ bao nhiêu thế kỷ, chỉ nghe người già nói làng tôi đã có từ lâu lắm rồi. Quê tôi có đất thiêng gò nghiên, tháp bút, đã sinh ra nhiều danh nhân, khoa bảng nổi tiếng cả nước. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã tốn không biết bao nhiêu bút nghiên, giấy mực để viết, vẽ ca tụng đất này. Người dân quê tôi ai cũng thuộc lòng câu thơ của danh nhân Nguyễn Công Trứ:
Trước Lam thủy, sau Hồng sơn
Nhà nào đọc sách gảy đờn là anh.
và câu ví:
Mịt mù mây móc giăng đỉnh Hồng sơn
Lác đác mưa rơi trên dòng Lam thủy.
Câu thơ, điệu ví làm rung động lòng người, gợi nhớ những đêm trăng tỏ, những ngày chăn trâu, cắt cỏ đầy kỷ niệm bên dòng sông Lam hiền hòa, phẳng lặng.
Bến đò làng tôi gọi là bến Giang Đình, cũng là một danh thắng ở đất Nghi Xuân văn vật. Trên bến có chợ cũng tên gọi Giang Đình. Từ xa xưa, chợ Giang Đình trên bộ, dưới thuyền là chợ hàng huyện. Người già kể rằng, thương nhân ở mọi miền đất nước và người Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ đến đây lập phố phường, buôn bán gấm vóc, tơ lụa Hàng Châu, thuốc bắc, sành sứ, kim khí và các loại nông sản, thịt lợn, trâu bò... Ngoài ra, còn có cả gạc hươu và thịt thú rừng do phường săn Tiên Điền, Xuân Viên mang đến bán; có hiệu kim hoàn do người họ Phan làm chủ. Chợ ở phía Nam bãi bồi sông Lam, ngày nay, vẫn còn cây đa cổ thụ. Thời vua Cảnh Hưng, thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du là Tể tướng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm về hưu, dân làng đã dựng đình một mái trên bãi sông để đón rước. Sự kiện ấy đã in dấu trong câu ca dao của người làng tôi:
Quan về trí sĩ quê nhà
Truyền dân tám tổng phải ra dọn đường.
Hát ví, giặm trên bến sông quê |
Ngày ấy, thuyền quan quân cập bến Giang Đình, ngựa xe nhộn nhịp, cờ xí tung bay, tàn lọng “chen mây” rợp bóng một vùng sông nước. Bãi sông này đã đi vào thơ của Đại thi hào Nguyễn Du, một người con ưu tú của Hồng sơn, Lam thủy. Vào thời biến loạn, nhà Lê mạt vận, sau thời gian bôn ba nơi quê vợ ở Thái Bình, Nguyễn Du trở về quê nội Tiên Điền, đặt chân lên bến nước Giang Đình. Ngắm cảnh quê hương, nhớ đến người cha đã khuất, ông cảm tác xuất bút thành thơ:
Thuyền tiên lướt sóng in rồng dấu
Tàn quý chen mây tựa hạc bay.
Mười năm gió bụi sống ở quê hương, trong mái tranh nghèo bên dòng Lam thủy, chiều chiều, thi sĩ ra bờ sông ngắm cảnh hoàng hôn. Những con cò trắng mà Nguyễn Du gọi là chim âu từ biển đảo bay về, đậu trên bãi sông Giang Đình rất nhiều. Ngọn bút tài hoa của danh nhân họ Nguyễn đã tả cảnh bãi sông quê hương: Bên bãi sông Long Vĩ có nhiều chim âu trắng. “Long Vĩ” nghĩa là đuôi rồng, một tên gọi khác của sông Lam. Những ngày sống ở quê hương, Nguyễn Du sống chan hòa với người dân lao động một nắng, hai sương, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ. Danh nhân cùng trai phường nón qua Ngàn Hống, sang Trường Lưu hát ví với gái phường vải:
Trăng tà chênh chếch bóng vàng
Dừng chân thoắt nhỡ đến đàng cửa truông.
Sống cùng người dân lao động, khi làm ngư phủ đánh cá biển Nam Hải, khi theo phường đi săn thú rừng núi Hồng Sơn, là con quan tể tướng nhưng ông sống độ lượng, bình dân, chân chất, mộc mạc, có tình, có nghĩa nên được người lao động yêu mến, quý trọng. Trong bài thơ Độ Long Vĩ giang, tình cảm đó được Nguyễn Du ghi nhận và mô tả qua cảnh người dân lưu luyến tiễn đưa ông trên bến đò qua sông Long Vĩ:
Trên bến người đưa tiễn
Vì ta lệ vấn vương.
Khúc sông Lam chảy qua làng tôi rộng khoảng 1,5 km. Phù sa từ thượng nguồn hàng năm bồi đắp thành một bãi đất bằng phẳng, rộng hơn 10 mẫu, cỏ lác mọc non xanh mơn mởn. Bãi bồi là một cánh đồng hoang mà thiên nhiên ban tặng làng tôi. Từ bao đời nay, nó được dùng làm bãi chăn trâu bò của dân làng. Buổi sáng, đàn bò ung dung gặm cỏ, những con cò trắng đậu bên cạnh thỉnh thoảng lại vỗ cánh bay lên không trung rồi đáp xuống chỗ khác, tạo nên quang cảnh một vùng sông nước thơ mộng trên bãi sông Giang Đình. Lũ trẻ chăn trâu chia làm 2 phe đá bóng. Đàn trâu khoan thai gặm cỏ non trên bãi phù sa. Chơi bóng đá chán chê, đám mục đồng hè nhau tắm sông.
Dòng sông phẳng lặng, trong suốt như một chiếc gương, bóng cây cừa cổ thụ, tán sum suê, nghiêng nghiêng soi bóng nước. Những đứa trẻ nghịch ngợm mình trần trùng trục, mặc quần đùi trèo lên cây cừa rồi đứng thẳng, lấy đà lao xuống sông bơi lặn, vùng vẫy trên mặt nước. Vẫy vùng mãi cũng chán, đám trẻ thi nhau bơi ngược dòng nước chảy. Nhờ những cuộc thi như thế, lũ trẻ mục đồng làng tôi bơi lặn rất giỏi, chúng nhanh nhẹn như những con rái cá. Nhiều đứa cậy tài, bơi ra tận cọc đáy mà bà con vạn chài đóng đăng bắt cá. Có đứa còn bơi qua bờ bên kia sông Lam.
Chiều tối, mặt trời ngả về Tây sau núi Dũng Quyết, hoàng hôn buông xuống cũng là lúc mục đồng xua trâu đủng đỉnh về chuồng. Trăng trung tuần nhô lên ngọn cây đa đầu làng, ban phát sắc vàng xuống nhân gian. Đêm trên bãi sông Giang Đình dạt dào sóng nước, văng vẳng một giọng hát ru tình tứ, xao xuyến lòng người:
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê mẹ mà không có đò.
Tiếng mái chèo ngư phủ rẽ nước soàn soạt, tiếng gõ đuổi cá cành cạch, đều đều suốt đêm, tiếng máy tàu ra khơi bám biển đánh bắt xa bờ… đã làm tôi không thể nào quên. Bãi sông Giang Đình quê tôi đẹp lắm! Ngày nay, trên bộ, dưới thuyền tấp nập hơn xưa. Rừng bần và sú vẹt đã phủ kín mép nước ngoài bãi sông. Đàn cò đã trở về trú ngụ, làm tổ. Đê hữu sông Lam đoạn qua bến bãi Giang Đình đã thông. Quê hương đang khởi sắc từng ngày trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tháng 5/2015
Đặng Viết Tường
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn